|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thời điểm lạm phát tăng mạnh trong năm 2022

07:25 | 08/02/2022
Chia sẻ
Nửa đầu năm 2022 được nhận định là thời điểm áp lực lạm phát hiện hữu, tuy nhiên dự báo Việt Nam vẫn sẽ đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4%.

Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Everest (EVS), dự báo áp lực lạm phát hiện hữu trong nửa đầu năm 2022.

EVS cho rằng có một số yếu tố tác động tiêu cực lên lạm phát.

Đầu tiên là nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng trở lại mức trước đại dịch, giá cả các mặt hàng chính trong rổ CPI như: lương thực thực phẩm, giáo dục, y tế, du lịch,… tăng trở lại trong khi nhóm giao thông tiếp tục duy trì áp lực nửa đầu năm 2022 khi giá dầu tiếp tục neo ở vùng cao (trên 80 USD/thùng).

Ngoài ra, chính sách tài khóa mở rộng với việc đẩy mạnh đầu tư công, miễn giảm thuế sẽ kích thích nhu cầu tiêu sắm của người dân, gây áp lực cầu trong ngắn hạn. 

Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa vẫn đang duy trì ở mức cao. Đây là các nhóm các sản phầm đầu vào phục vụ cho việc sản xuất hàng hóa và thường có độ trễ 6 tháng trước khi phản ánh lên giá sản phẩm cuối. Do đó EVS dự báo áp lực này sẽ mạnh dần trong năm 2022.

Khối phân tích nhận định lạm phát tăng cao sẽ khiến các nhà tạo lập chính sách cân nhắc việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, mặt bằng lãi suất có thể tăng trong nửa đầu năm 2022. 

Tuy nhiên, Chính phủ cũng có những công cụ đủ mạnh để kiềm chế lạm phát như: hỗ trợ giá điện bán lẻ, thực phẩm thiết yếu, bình ổn giá xăng dầu,… Do đó, EVS kỳ vọng CPI chỉ tăng 3,5% so với cùng kỳ và Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% đã đề ra.

Trước đó, cũng đưa ra dự báo về thời điểm lạm phát tăng mạnh, tại Diễn đàn Kinh doanh 2021: Con đường phía trước tổ chức hồi tháng 12/2021, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Phân tích của SSI cho rằng lạm phát có thể tăng mạnh vào quý I, II/2022, tiệm cận mức 4% của Chính phủ đề ra, thậm chí cao hơn nhưng đến cuối năm sẽ được kiểm soát, nằm trong mức dưới 4%.

Đề cập thêm đến các rủi ro với nền kinh tế Việt Nam năm nay, báo cáo của EVS nêu rõ việc tăng trưởng lệch pha so với thế giới gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách.

Cụ thể, khi Việt Nam phải trải qua đợt dịch nghiêm trọng nhất dẫn tới tăng trưởng GDP quý III/2021 giảm kỷ lục -6,02% so với cùng kỳ, dẫn tới việc Chính phủ phải áp dụng các chính sách tiền tệ/tài khóa mở rộng để hỗ trợ nền kinh tế. 

Trong khi đó, các quốc gia phát triển trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng tăng nóng trong ngắn hạn, các ngân hàng trung ương có xu hướng “bình thường hóa” chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Điều này phần nào gây những khó khăn cho các nhà tạo lập chính sách khi chúng ta đều biết Việt Nam là một quốc gia có độ mở rất lớn. 

Tuy nhiên, khối phân tích nhấn mạnh có thể kỳ vọng vào tăng trưởng năm nay nhờ đẩy mạnh đầu tư công, nới lỏng thủ tục hành chính, các chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được thực hiện hiệu quả. Nguồn vốn đầu tư gián tiếp (FII) có thể tiếp tục bị hút ròng trong năm 2022 do hiệu ứng nâng lãi suất của Fed. 

Với xu hướng tham gia mạnh mẽ của nhóm nhà đầu tư cá nhân cũng như việc TTCK dần thích nghi với tình trạng khối ngoại bán ròng (đã diễn ra trong suốt hai năm vừa qua), EVS kỳ vọng thị trường sẽ không diễn biến quá tiêu cực. 

Xét về tỷ giá VND, các tác động tiêu cực từ thế giới có thể được bù đắp bởi hai yếu tố. Việt Nam quay trở lại xuất siêu trong năm 2022 và lượng kiều hối gửi về Việt Nam tiếp tục tăng trưởng bền vững qua các năm.

Ngoài ra, dự trữ ngoại hối lớn, kỳ vọng tăng lên khoảng 120 tỷ trong năm 2022 (tương đương với khoảng 14 tuần nhập khẩu). Do đó, khối phân tích kỳ vọng việc cắt giảm lãi suất của các NHTW lớn trên thế giới sẽ ít có tác động lên nền kinh tế Việt Nam nói chung.

EVS cũng kỳ vọng các chỉ số vĩ mô quan trọng sẽ đạt được theo mục tiêu Quốc hội đề ra,  tăng trưởng GDP năm 2022 dự báo đạt 6,8% (mục tiêu 6-6,5%), CPI đạt 3,5% (mục tiêu dưới 4%).

Thời điểm lạm phát tăng mạnh trong năm 2022 - Ảnh 1.

 

Anh Đào

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.