|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế Trung Quốc chậm lại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng ngành này của Việt Nam

09:00 | 06/02/2022
Chia sẻ
BSC nhận định các yếu tố rủi ro liên quan đến kinh tế Trung Quốc và điều này dự báo sẽ gây mức ảnh hưởng tiêu cực lên tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2022-2023.

Theo báo cáo vĩ mô 2022 của BSC, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu Việt Nam được hưởng lợi khá nhiều từ vị trí địa lý là trạm chung chuyển hàng hóa giữa Trung Quốc và Mỹ. Dấu hiệu chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng lên tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2022.

Báo cáo cho rằng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc chậm lại do ba nguyên nhân chính.

Đầu tiên là nỗi lo vỡ nợ về thị trường bất động sản. Thông tin vỡ nợ của nhóm Evergrande đang gây ảnh hưởng khá tiêu cực lên thị trường BĐS Trung Quốc. Cơ cấu bất động sản tăng chậm lại khá rõ ràng trong năm 2021 khi các yếu tố rủi ro bắt đầu hiện diện trên thị trường. 

Giá nhà mới tại 70 thành phố đã giảm liên tục 3 tháng. Doanh số bán nhà giảm 17% so với một năm trước đó. Đầu tư bất động sản tăng 6% trong 11 tháng 2021, thấp hơn so với mức 7,2% trong 10 tháng 2021. 

Giá nhà trên thị trường thứ cấp giảm giảm trong tháng thứ tư, liên tiếp. Hiện tượng này nếu kéo dài có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư BĐS và từ đó, làm gia tăng mức độ rủi ro của các hoạt động tài chính trong nền kinh tế.

Nguyên nhân thứ hai là khủng hoảng năng lượng. Trung Quốc đã cam kết đạt được mức độ trung lập carbon vào năm 2060 tại hội đồng Liên hợp quốc. Điều này đồng nghĩa với việc họ phải cắt giảm lượng khí thải than khá lớn, khoảng 2,5 nghìn triệu tấn than cho nền kinh tế. 

Theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025, cơ cấu năng lượng của họ cũng đang phải chuyển dịch dần sang dạng năng lượng sạch thay vì năng lượng than đá. Quá trình chuyển dịch này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu sót năng lượng khi các nguồn năng lượng sạch chưa đủ công suất để đấp ứng được nhu cầu của nền kinh tế Trung Quốc. 

Hơn nữa, việc Trung Quốc thực hiện chiến tranh thương mại với Úc đã khiến quốc gia này mất đi 30% lượng than sử dụng của nền kinh tế. Hai yếu tố này đang gây nên tình trạng khủng hoảng năng lượng và từ đó khiến tăng tưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại. 

Thứ ba, nhóm ngành sản xuất, chế tạo cho thấy tốc độ chậm lại. Chỉ số PMI ngành sản xuất suy giảm trở về ngưỡng 49,9 trong tháng 11/2021 do nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc có dấu hiệu suy yếu bởi tình hình dịch bênh COVID-19; chính sách “Zero COVID” tiếp tục phong tỏa khá nhiều khu vực và khiến hoạt động sản xuất có dấu hiệu chậm trễ; số lượng đơn đặt hàng mới suy giảm khi dịch bệnh COVID-19. 

BSC nhận định các yếu tố trên có thể kéo dài trong 2022-2023 nếu chính quyền Trung Quốc không có biện pháp triệt để hạn chế mức độ của các yếu tố rủi ro trên. Hiện tượng này cũng sẽ gây mức ảnh hưởng tiêu cực lên tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2022-2023.

Trong năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước; trong đó, xuất khẩu đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19%; nhập khẩu đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5%. Việt Nam xuất siêu 4 tỷ USD.

BSC ước tính tăng trưởng xuất khẩu năm 2022 sẽ đạt mức 391,7 - 399 tỷ USD (tăng 17,8% - 20% so với cùng kỳ). Nhập khẩu đạt mức 386,5 - 393 tỷ USD (tăng 17,1-19% so với cùng kỳ). Theo kết quả dự tính, trên Việt Nam có thể xuất siêu 5,2 - 6,9 tỷ USD vào năm 2022.

Dự báo này dựa trên nhận định xu hướng giao dịch thương mại toàn cầu tăng trưởng mạnh; xu hướng dịch chuyển sản xuất sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng ở hai nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện và nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác. Ngoài ra, việc chống dịch COVID-19 hiệu quả đảm bảo khối doanh nghiệp FDI duy trì năng suất hoạt động cao trong năm 2022.

Anh Đào