Năm 2022 khởi đầu bằng gói 350.000 tỷ, kinh tế cả năm sẽ tăng trưởng theo kịch bản nào?
'Sẽ không bất ngờ nếu Việt Nam tăng trưởng trên 7,5%'
Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Với gói kích thích kinh tế trị giá khoảng 350.000 tỷ đồng, nhiều tổ chức, chuyên gia đều chung nhận định kinh tế Việt Nam năm 2022 sẽ có nhiều thuận lợi.
Mới nhất, AMRO dự báo kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 7,5% trong năm 2022, cao hơn hẳn mức dự báo dành cho Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo GDP Việt Nam năm nay tăng 6,5%. Ngân hàng này cho rằng hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng với việc tận dụng hiệu quả các hiệp định thương tự do.
Trong khi đó, Ngân hàng HSBC nhận định, kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022 chủ yếu nhờ đầu tư nước ngoài mạnh mẽ trở lại, tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất và phát triển xanh.
Còn Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng năm 2023 kinh tế Việt Nam mới quay về lộ trình tăng trưởng trước COVID-19 và đưa ra dự báo GDP 2022 của Việt Nam khiêm tốn hơn, ở mức 5,5%.
Trước đó hồi giữa tháng 10/2021, khi chưa có thông tin Việt Nam sẽ tung gói kích thích, IMF đưa ra dự báo khả quan kinh tế nước ta tăng 6,6% năm 2022, cao hơn các dự báo dành cho 4 nước Thái Lan, Indonesia, Philippines và Malaysia.
Chia sẻ với VOV, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể theo hai kịch bản.
Nếu Việt Nam thực hiện tốt Chương trình phòng chống dịch và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023, dự báo có thể tăng trưởng 6,5-7% (khả năng cao). Còn nếu phòng, chống dịch thiếu nhất quán và chậm triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, GDP có thể chỉ tăng 5 - 5,5%.
Cũng đưa ra hai kịch bản tăng trưởng năm nay, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Fulbright Việt Nam nhấn mạnh kinh tế Việt Nam sẽ không có chuyện tăng trưởng bình bình, hoặc là rất xấu (chỉ tăng 5% hoặc thấp hơn), hoặc sẽ rất tốt (tăng 7%, thậm chí 7,5%).
Nhận định kinh tế Việt Nam đang tăng tốc trở lại, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital cho rằng tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam sẽ đạt 7,5%, cao hơn hầu hết nhiều dự báo trên thị trường. Ông cũng cho biết sẽ không bất ngờ nếu kinh tế Việt Nam năm 2022 tăng trưởng trên mức này.
Đại diện VinaCapital cũng nêu ba động lực tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay gồm tiêu dùng nội địa, đầu tư cơ sở hạ tầng và sản xuất.
Quý III năm nay sẽ rất thăng hoa
Trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 1/2022, SSI Research đưa ra những dự báo chỉ tiêu vĩ mô năm 2022.
SSI cho rằng trong trường hợp gói kích thích kinh tế được giải ngân có hiệu quả, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể vượt mức 7% trong năm 2022 trên mức nền thấp của giai đoạn 2020-2021.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ tăng dần từ nửa đầu năm và đạt đỉnh trong quý III/2022 (tốc độ tăng trưởng có thể lên tới hai chữ số).
Đồng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam 2022 – Phục hồi kinh tế sau khủng hoảng COVID-19" do Đại học Ngân hàng TP HCM tổ chức mới đây cũng cho rằng quý III năm nay dự báo kinh tế sẽ tăng trưởng rất mạnh từ mức tăng trưởng âm sâu trong quý III năm 2021.
Nói về thách thức trong năm 2022, trong cuộc phỏng vấn với TTXVN, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng năm nay Việt Nam tiếp tục đối diện với sự gia tăng áp lực lạm phát, trần nợ công và nợ xấu ngân hàng, những hạn chế về khả năng đáp ứng nhân lực, trang thiết bị, hạ tầng của hệ thống y tế cơ sở, trong khi số lượng người cần được hỗ trợ y tế, an sinh xã hội là rất lớn.
Việc phục hồi sản xuất, kinh doanh có thể bị cản trở bởi khó khăn về tài chính và thị trường tiêu thụ. Tỷ lệ tín dụng so với GDP vẫn ở mức cao, vốn trung, dài hạn của nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, tiêu dùng nội địa, vốn đóng góp khoảng 68-70% trong GDP, có khả năng phục hồi nhờ yếu tố tâm lý thị trường và thu nhập được cải thiện. Khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài có cơ hội phục hồi nhờ sự hồi phục cả phía cung, phía cầu, sự thích ứng của khu vực doanh nghiệp và các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ. Tiếp đến là tác động trực tiếp của các gói hỗ trợ kinh tế được tăng cường.
Đến nay, Chính phủ đã đề ra mục tiêu tổng quát “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân”, cùng với “tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp tổng thể”. Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; phấn đấu GDP tăng từ 6-6,5%.
Bên cạnh đó, cần kiểm soát lạm phát, hạn chế nợ xấu phát sinh, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Các chính sách hỗ trợ phát triển tạo động lực kích thích cho cả tổng cung và tổng cầu; củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn, tạo thêm “sức bật” cho doanh nghiệp.