|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

FDI toàn cầu giảm 40% nhưng Việt Nam chỉ giảm 2%, VinaCapital chỉ ra yếu tố giúp FDI chảy mạnh vào nước ta năm nay

20:00 | 01/02/2022
Chia sẻ
Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital cho rằng FDI sẽ là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2022 và chỉ ra nhiều yếu tố thúc đẩy khả năng phục hồi dòng vốn FDI của Việt Nam.

Trong báo cáo mới công bố, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital chỉ ra các yếu tố chính giúp Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2022. 

Chuyên gia cho rằng sự hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các doanh nghiệp FDI nằm ở việc công nhân ở Việt Nam có tiền lương thấp hơn khoảng 2/3 so với Trung Quốc, nhưng chất lượng lao động lại tương đương.

Yếu tố thứ hai là Việt Nam có vị trí địa lý gần với chuỗi cung ứng của châu Á, đặc biệt là trong ngành công nghệ cao.

Hơn nữa, ngày càng có nhiều công ty đa quốc gia đang tìm kiếm cơ hội đa dạng hóa sản xuất của họ bên ngoài Trung Quốc.

Một yếu tố khác cũng giúp thúc đẩy khả năng phục hồi dòng vốn FDI của Việt Nam là tốc độ tiêm vắc xin COVID-19 ấn tượng. Chiến dịch tiêm chủng thần tốc này mang đến niềm tin cho các doanh nghiệp FDI rằng Chính phủ đạt được sự cân bằng giữa đảm bảo sức khỏe người dân và phục hồi kinh tế.

Chuyên gia của VinaCapital cũng đề cập đến khoản đầu tư 1 tỷ USD của Tập đoàn Lego xây dựng nhà máy tại Bình Dương giúp tăng thêm độ tin cậy về bộ tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng khác.

Trước đó trên Cổng kinh doanh Thụy Sĩ - Việt Nam (SVBG), ông Michael Kokalari cho rằng dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong năm 2022. Ngoài các yếu tố thúc đẩy FDI được đề cập ở trên, ông còn nhắc đến việc Nhật Bản và Hàn Quốc đang đối mặt với các vấn đề cơ cấu, buộc phải đầu tư ra nước ngoài, mà Việt Nam được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn của doanh nghiệp hai nước này.

Trước đó trong năm 2020, mặc dù FDI toàn cầu giảm đến 40% nhưng dòng vốn FDI của Việt Nam chỉ giảm 2% (còn 20 tỷ USD). Năm 2021, dòng vốn FDI của Việt Nam cũng chỉ rất nhẹ 1% bất chấp phải giãn cách xã hội kéo dài do làn sóng dịch thứ 4.

Giữa hàng loạt khó khăn liên quan đến dịch bệnh, các doanh nghiệp FDI vẫn nhiệt tình đầu tư vào Việt Nam. Điển hình như LG Display đã công bố khoản đầu tư theo kế hoạch 2,2 tỷ USD trong năm 2021. Một "ông lớn" khác là Samsung cũng đã thông báo tăng 50% năng suất sản xuất thiết bị tại Việt Nam, trong khi Toshiba cho biết họ sẽ chuyển toàn bộ sản xuất điện tử ở Trung Quốc sang Việt Nam và Nhật Bản. 

Hồi tháng 9/2021, theo cuộc khảo sát được Deloitte công bố, Việt Nam vẫn là quốc gia hấp dẫn nhất đối với các công ty Nhật Bản.

Tháng đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước.

FDI toàn cầu giảm 40% nhưng Việt Nam chỉ giảm 2%, VinaCapital chỉ ra yếu tố giúp FDI chảy mạnh vào nước ta năm nay - Ảnh 1.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 30 tỉnh, thành phố trên cả nước trong tháng 1/2021. Theo đó, Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 448 triệu USD, chiếm 21,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 29,9 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Xếp sau Hà Nội về quy mô tổng vốn đăng ký FDI là Nghệ An. Theo Cục đầu tư nước ngoài, Nghệ An mặc dù không thu hút được dự án mới, song, với 2 dự án điều chỉnh vốn quy mô lớn, Nghệ An xếp thứ hai với 400 triệu USD, chiếm trên 19% tổng vốn đầu tư cả nước.

Cụ thể, dự án Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Trung Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 260 triệu USD tại Nghệ An (cấp GCNĐKĐT điều chỉnh ngày 10/01/2022).

Một số địa phương khác cũng nằm trong top những địa phương dẫn dầu về thu hút FDI lần lượt là Bắc Ninh, Long An, Phú Thọ… Trong đó, phải kể đến một số dự án lớn như dự án thương mại và dịch vụ GE Việt Nam (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 216,9 triệu USD tại Bắc Ninh.

Còn tại Phú Thọ, dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử (JNTC - Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 163 triệu USD đã giúp địa phương này nằm trong top những địa phương dẫn dầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong tháng 1/2022.

Anh Đào

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.