|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ngòi nổ cho cuộc chiến giữa Disney và Netflix tại thị trường Đông Nam Á

07:45 | 15/07/2021
Chia sẻ
Khu vực châu Á đang ngày càng trở nên quan trọng với hai ông lớn truyền hình trả phí Disney và Netflix.
Disney mở rộng sang khu vực ASEAN - Sự cảnh báo về cuộc chiến tàn khốc giữa Disney và Netflix tại thị trường châu Á - Ảnh 1.

Sự cạnh tranh giữa Disney và Netflix. (Ảnh: Asia Nikkei)

Theo Asia Nikkei, gã khổng lồ trong lĩnh vực giải trí Mỹ - Disney đã sẵn sàng đối đầu với đối thủ Netflix tại Đông Nam Á. Nhà cung cấp nội dung này đã phát hành ứng dụng xem phim trực tuyến trong khu vực có tên là Disney Plus.

Disney Plus được ra mắt lần đầu tiên tại Thái Lan vào ngày 30/6, sau khi được giới thiệu thành công tại 3 trong số 10 quốc gia toàn khối bao gồm Malaysia (hồi đầu tháng 6), Singapore (23/2) và Indonesia (5/9/2020).

Trong quá trình triển khai ứng dụng này, Disney đã nỗ lực tuyển dụng cho các vị trí giám đốc quan hệ công chúng và truyền thông Đông Nam Á, giám đốc tăng trưởng Singapore và Malaysia, và giám đốc truyền thông xã hội Đông Nam Á.

Thị trường quy mô 300 tỷ USD

John Engle, chủ tịch của Almington Capital Merchant Bankers, một nhà đầu tư công nghệ có trụ sở tại Mỹ cho biết: "Đông Nam Á đại diện cho một thị trường rộng lớn và không ngừng phát triển cùng với lịch sử lâu đời trong việc tiếp nhận các phương tiện truyền thông phương Tây. Đó được xem là lý do khiến Disney dành không ít thời gian để điều chỉnh nội dung và sản xuất những loạt phim bom tấn nhằm hướng tới thị trường châu Á".

Trong năm nay, Disney đã phát hành bộ phim siêu anh hùng có tên "Shang-Chi và Truyền thuyết về Mười chiếc nhẫn" và phim hoạt hình "Raya và rồng thần cuối cùng", cả hai đều có sự tham gia của dàn diễn viên châu Á và mang màu sắc văn hóa của khu vực.

Tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á đối với các doanh nghiệp kỹ thuật số đang được công nhận rộng rãi. Theo nghiên cứu của Google, Temasek và Bain & Co., tổng giá trị hàng hóa của nền kinh tế internet trong khu vực dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần lên 300 tỷ USD vào năm 2025 kể từ năm 2020.

Ba công ty trên cũng ghi nhận sự tăng vọt trong mối quan tâm của thị trường đối với các dịch vụ phát trực tuyến vào năm ngoái khi đại dịch COVID-19 đã khiến mọi người phải ở nhà, hạn chế di chuyển vì những quy định của chính phủ.

Theo nghiên cứu, phương tiện truyền thông trực tuyến đã tăng 22% lên 17 tỷ  USD vào năm 2020 từ 14 tỷ USD vào năm 2019. Con số này được thúc đẩy bởi xu hướng tìm kiếm các dịch vụ trực tuyến, video tại Đông Nam Á - với mức tăng gấp 18 lần tại Thái Lan và mức tăng gấp 12 lần ở Việt Nam.

Abhayanand Singh, giám đốc điều hành của Vistas Media Capital, một công ty giải trí và truyền thông có trụ sở tại Singapore cho rằng tại khu vực Đông Nam Á, nền tảng nội dung của Mỹ - Netflix có lợi thế hơn Disney Plus. Netflix đã bắt đầu gia nhập thị trường từ 5 năm trước kể từ năm 2016.

"Cả hai đều đang tận những dụng nội dung độc quyền cùng quyền sở hữu các nhân vật hư cấu của riêng mình để hướng đến đối tượng khách hàng trung thành và gia tăng lượng  người đăng ký", Singh nói.

Trong khi Disney sở hữu các nhượng quyền thương mại béo bở như loạt phim khoa học viễn tưởng "Chiến tranh giữa các vì sao" và loạt phim siêu anh hùng nổi tiếng "The Avengers" từ nhà xuất bản truyện tranh Marvel. 

Netflix lại tự hào khi đang nắm giữ nội dung độc quyền của loạt phim kinh dị đình đám "Stranger Things" và "The Crown" - loạt phim lịch sử về triều đại của Nữ hoàng Elizabeth II.

"Cuối cùng, họ mục đích của họ vẫn là cung cấp các chương trình chất lượng với mức giá cạnh tranh. Và mô hình kinh doanh này sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững trong dài hạn," Singh nói với Nikkei.

Cuộc cạnh tranh "rút hầu bao" của người dùng Đông Nam Á

Cả Disney và Netflix đều không tiết lộ về số lượng người đăng ký cho các dịch vụ phát trực tuyến của họ ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, về lượng người xem mới, Disney dường như đã vượt xa đối thủ của mình.

Theo báo cáo hồi tháng 5 của công ty nghiên cứu Media Partners Asia, Disney Plus là công ty có thị phần thuê bao trả phí mới lớn nhất trong khu vực với 43% trong ba tháng đầu năm, bỏ xa Netflix và các công ty nội dung châu Á khác.

Trong đó, Netflix (Mỹ) chỉ nắm 9%; Viu (Hàn Quốc), chiếm 12%; AIS Play (Thái Lan) giữ 9%; WeTV của gã khổng lồ công nghệ Tencent (Trung Quốc) chiếm 5% và iQIYI (Trung Quốc) nắm giữ 3%.

Dhivya T, một nhà phân tích tại MPA cho biết: "Với thời lượng phát sóng trực tuyến tăng lên theo mỗi quý, chúng tôi thấy rằng cuộc chiến này chắc chắn sẽ vô cùng kho khăn đối với các nền tảng phát trực tuyến nhỏ hơn. Các tiêu đề có tính đột phá đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thu hút người xem và duy trì thị phần tiêu thụ."

Tính đến cuối quý tài chính thứ hai của Disney, trên toàn cầu, Disney Plus đã có gần 104 triệu người đăng ký trả phí và đang trên đà hướng đến 230-260 triệu người đăng ký vào năm 2024, CEO Bob Chapek cho biết trong một báo cáo thu nhập gần đây.

Vào cuối năm 2020, Netflix có hơn 200 triệu thuê bao trả phí trên toàn thế giới. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm hơn 20 triệu thuê bao.

Malobika Banerji, Giám đốc nội dung của Netflix tại khu vực Đông Nam Á cho biết: "Sự cạnh tranh sẽ là cơ hội giúp những nhà sáng tạo mang đến nhiều câu chuyện hơn cho khán giả. Và điều đó tốt cho cả họ và người tiêu dùng".

Jonathan Kok, đối tác của công ty luật Withers KhattarWong cho biết Netflix đã ủy quyền sản xuất có cho các công ty trụ sở tại Đông Nam Á nhằm tập trung phát triển nội dung cho thị trường tại khu vực này. Bởi lẽ, Netflix không chỉ đang thực hiện những nội dung chương trình mang tính quốc tế mà còn cố gắng điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu khách hàng tại châu Á.

Với cương vị là luật sư của bộ phận sở hữu trí tuệ và công nghệ kiêm đại diện cho các công ty sản xuất tại địa phương của Netflix, theo Kok: "Đây là một thị trường vô cùng cạnh tranh mà người xem có thể tha hồ lựa chọn. Có một điểm cần lưu ý rằng những chương trình nổi tiếng như phim truyền hình Hàn Quốc cũng là một trong những đối thủ đáng gờm của các công ty giải trí đến từ Mỹ. 

Để cạnh tranh và giành thị phần, một nền tảng phát trực tuyến không thể chỉ phụ thuộc vào các chương trình quốc tế, họ cần phải bổ sung những nội dung địa phương để thu hút người dân bản xứ sử dụng nền tảng của họ."

Quỳnh Hoa