Ngoài sân bay sẽ có một thành phố hiện đại ở Long Thành
Năm 2018, bắt đầu thu hồi đất sân bay Long Thành | |
Bổ sung cảng cạn tại Long Thành, Đồng Nai vào quy hoạch |
Làm 3km đường băng đã có thể kết nối với cả thế giới
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) Đỗ Tất Bình khẳng định “chắc như đinh đóng cột”, khi hoàn thành CHK Long Thành sẽ hiện đại không kém CHK Changi.
“Singapore vừa khánh thành và đưa vào khai thác nhà ga hành khách T4 không chỉ đẹp như một tác phẩm nghệ thuật mà còn có rất nhiều những công nghệ cực kỳ hiện đại, tự động hoàn toàn. Chúng ta sẽ có một Long Thành như thế, thậm chí hơn thế vì mình đi sau, có cơ hội tích hợp, ứng dụng những công nghệ mới hơn”, ông Bình nói.
“Những công nghệ dùng trong sân bay bao giờ cũng là mới nhất, vì nhà ga hàng không là nơi thể hiện bộ mặt của đất nước, tri thức của đất nước, tầm nhìn của đất nước. Chỉ cần nhìn nhà ga hàng không đã biết đất nước giàu hay nghèo, hiện đại hay không hiện đại”, vị tổng chỉ huy dự án nhà ga hành khách quốc tế T2 Nội Bài chia sẻ thêm.
"Các sân bay có quy mô tương tự Long Thành như sân bay Bangkok, Kuala Lumpur, Phố Đông, Changi… đều có thời gian xây dựng không dưới 5 năm. Trong khi đó, tiềm lực kinh tế của họ mạnh hơn, trình độ quản lý tốt hơn, chính sách thoáng hơn… Muốn đạt được tiến độ năm 2025 khánh thành và đưa vào khai thác CHK quốc tế Long Thành như nghị quyết của Quốc hội đặt ra, đòi hỏi phải quyết tâm chính trị, có chính sách, cơ chế hỗ trợ chứ cứ tuần tự theo đúng quy trình, quy định hiện nay thì nhanh nhất phải đến năm 2026 mới xong." Phó tổng giám đốc ACV Đỗ Tất Bình |
Theo ông Bình, Bộ GTVT, ACV sẽ nỗ lực tối đa để có thể sớm khởi công, xây dựng và đưa vào khai thác sân bay được kỳ vọng là động lực phát triển vùng kinh tế phía Nam này. Hiện ACV đã lên một kế hoạch chi tiết cho từng công việc, trình Bộ GTVT để thực hiện.
“Mục tiêu của chúng tôi là làm sớm ngày nào, tốt ngày ấy, đơn giản bởi càng khởi công sớm, giá thành xây dựng càng rẻ hơn. Kinh nghiệm của tôi về trượt giá trong xây dựng cho thấy, cứ 5 năm lại tăng gấp đôi. Đó là chưa nói đến việc cứ khai thác sớm một ngày, có thêm nguồn thu, lợi nhuận. Như nhà ga T2 Nội Bài, khi đưa vào khai thác, doanh thu của nhà ga ngay ngày hôm sau tăng gấp đôi”, ông Bình nói và thông tin, làm sớm Long Thành còn để giúp giảm áp lực cho Tân Sơn Nhất. Sau khi Long Thành hoàn thiện, khoảng 80% khách quốc tế, 20% khách nội địa chuyển sang Long Thành, áp lực của Tân Sơn Nhất sẽ giảm rất nhiều, chắc chắn sẽ không còn cảnh ách tắc cả trong và ngoài sân ga, cả trên trời và dưới đất như hiện nay.
Đồng quan điểm, Phó tổng giám đốc TCT Quản lý bay VN (VATM) Trịnh Như Long bổ sung, sân bay Long Thành là động lực phát triển KT-XH của Đồng Nai và khu vực lân cận. “Thông lệ cho thấy, trung bình một đồng đầu tư, 4 đồng giá trị công việc trực tiếp và gián tiếp”, ông Long cho hay. Đáng nói hơn, theo ông Long, sân bay Long Thành cũng sẽ giúp kích thích phát triển của ngành vận tải hàng không. Nếu không triển khai sớm Long Thành, tốc độ tăng trưởng 2 con số của ngành hàng không sẽ chững lại ngay.
Một hiệu ứng lớn khác của Long Thành, theo ông Long là giúp tăng cạnh tranh quốc tế, tăng kết nối với thế giới, tạo đà phát triển du lịch. “Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính từ khi còn là Bí thư Quảng Ninh đã nói một câu rất hay: Làm 30 km đường cao tốc chỉ nối được mỗi Quảng Ninh với Hải Phòng, nhưng làm 3 km đường băng, có thể nối Quảng Ninh với tất cả mọi nơi trên thế giới. Đây là lý do Quảng Ninh quyết tâm làm sân bay Vân Đồn”, ông Long thông tin.
“Sinh sau” nhưng đầy sức hút
Một chuyên gia hàng không cho biết, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã lần lượt quy hoạch và đưa vào khai thác các cảng hàng không quốc tế lớn, có tính cạnh tranh để đóng vai trò trung chuyển trong khu vực, thu hút các hãng hàng không và hành khách để tạo đà phát triển kinh tế cho quốc gia. Như Suvarnabhumi - Thái Lan (quy hoạch 100 triệu hành khách/năm), Kuala Lumpur - Malaysia (quy hoạch 100 triệu hành khách/năm), Changi - Singapore (quy hoạch 135 triệu hành khách/năm).
“Do cơ sở hạ tầng hàng không chưa đáp ứng, Việt Nam hiện nay mới chỉ là điểm kéo dài đường bay từ các trung tâm hàng không trong khu vực như: Singapore, Bangkok, Hồng Kông của các hãng hàng không lớn của châu Âu, Bắc Mỹ”, vị này nói thêm.
Về vấn đề này, đại diện ACV cho rằng, tuy “sinh sau, đẻ muộn” nhưng cơ hội của Long Thành là rất lớn. “CHK quốc tế Long Thành nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam châu Á với các đường bay Đông - Tây, Bắc - Nam, thuận lợi cho việc hành khách chuyển tiếp, đi đến các châu lục như: Châu Âu, Trung Đông, Nam Á, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ và châu Đại Dương, thuận lợi cho các hãng hàng không và liên minh hàng không làm căn cứ hoặc xây dựng lịch bay nối chuyến cho hành khách, hàng hóa được hiệu quả”, lãnh đạo doanh nghiệp đang quản lý, khai thác 22 cảng hàng không trên cả nước cho biết.
“Vị trí lựa chọn tại Long Thành hiện tại hoàn toàn có đủ diện tích đất cần thiết cho thời điểm hiện tại và trong tương lai (5 nghìn ha) để phát triển thành một CHK hiện đại, phát triển các dịch vụ phi hàng không đa dạng, phong phú, đặc biệt là có thể phát triển thành mô hình thành phố sân bay (Airport City) bao gồm các trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch...
Tại diễn đàn Quốc hội, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) chia sẻ, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, khi hình thành một sân bay quốc tế từ 25 triệu đến 50 triệu khách sẽ hình thành thành phố sân bay với sự phát triển của các trung tâm thương mại, logistics, trung tâm về cư trú cho cán bộ khu vực này. Sân bay Long Thành được quy hoạch với lưu lượng đến 100 triệu hành khách, cách TP HCM 40km, cách Biên Hoà 30km, cách Vũng Tàu 70km, nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, thừa tiêu chuẩn để hình thành thành phố sân bay.
“Chính phủ cần sớm xúc tiến quy hoạch ngay thành phố sân bay Long Thành song song với quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành. Việc làm này không chỉ mang lại nguồn thu hàng trăm nghìn tỷ mà còn giúp hình thành trung tâm hiện đại ở khu vực Đông Nam bộ”, ông Cường kiến nghị.
Cũng ủng hộ việc phát triển thành phố sân bay, ông Trịnh Như Long nhấn mạnh, địa phương phải quản lý quy hoạch thật tốt. Có thành phố sân bay hay không là trách nhiệm, nỗ lực, quyết tâm của địa phương.
Liên quan đến công tác quy hoạch vùng phụ cận CHK quốc tế Long Thành ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: Ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch CHK quốc tế Long Thành, năm 2007 UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng khu vực xung quanh cảng giai đoạn 2007-2025, với diện tích 25.000ha.
Vùng phụ cận sân bay được sẽ quy hoạch theo hướng là một đô thị hiện đại với các công trình chính như: Khu tái định cư, khu dân, khu logistics, khu công nghiệp công nghệ cao, trung tâm dịch vụ quốc tế và công nghiệp, khu công nghiệp phụ trợ, khu công nghiệp phục vụ cho sân bay; một số công trình công cộng, khu kho bãi, khu sinh thái, vui chơi giải trí, khu du lịch sinh thái, khu dân cư hiện hữu. Để đảm bảo thực hiện vùng quy hoạch UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo siết chặt công tác quản lý đất đai tránh xảy ra việc tự phân lô bán nền làm ảnh hưởng đến quy hoạch chung của khu vực vùng phụ cận.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/