|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nghiên cứu gói hỗ trợ mới về thuế và phí, khoảng 24.000 tỷ đồng

21:16 | 25/07/2021
Chia sẻ
Phát biểu trước Quốc hội tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội chiều 25/7, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ hiện được Thủ tướng Chính phủ giao nghiên cứu một gói hỗ trợ mới về thuế và phí, tầm khoảng 24.000 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 5,64%, chỉ số CPI 1,47% và thu ngân sách đạt 58,2%, tăng 16,3% so với cùng kỳ, đặc biệt là sản xuất kinh doanh tăng 52%, trong đó doanh nghiệp nhà nước tăng 17,8%; doanh nghiệp nước ngoài FDI tăng 19,9%. 

Chi ngân sách hiệu quả, đạt 41,2% và đã có thặng dư của 6 tháng đầu năm. Nợ công bền vững và theo hướng cơ cấu lại. Phát hành trái phiếu Chính phủ kéo dài được 12 năm, lãi suất chỉ 2,26%. 

Thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm, thị trường tiền tệ đều có những điểm tích cực, các lĩnh vực như chứng khoán, trái phiếu, cổ phiếu và thị trường phái sinh tăng vốn hóa được 29,2%, thị trường bảo hiểm tăng 16,2%.

Trước tình hình đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế, thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt lãnh đạo vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm sát sao, chỉ đạo với nhiều giải pháp linh hoạt.

Nghiên cứu gói hỗ trợ mới về thuế và phí, khoảng 24 ngàn tỷ đồng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: TTXVN).

Chính phủ đã ban hành quy định về miễn, giảm, hoàn thuế được 147.300 tỷ đồng, miễn 30 loại phí và lệ phí, ban hành 17 nghị định, 50 thông tư, đặc biệt, thực hiện Nghị định 52 (về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021) đã giãn hoãn được 27,5 ngàn tỷ đồng. 

Một số nghị định đã mở đường cho việc phát triển nguồn lực như Nghị định 60 thay thế Nghị định 16 quy định cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định 44 hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19. 

Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68, chi phí chống dịch là 5.156 tỷ đồng. Quỹ vắc xin đến nay đã nhận các khoản đóng góp lên đến 8.300 tỷ đồng, chủ động chi cho Bộ Y tế 8.187 tỷ đồng để mua 2 loại vaccine với tổng số 91 triệu liều.

“Được sự hỗ trợ của Chủ tịch Quốc hội và Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ không kể ngày đêm đã tổ chức họp và giải quyết các vấn đề vướng mắc để tập trung dồn sức chống dịch”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Ông cho biết, Bộ Tài chính hiện được Thủ tướng Chính phủ giao nghiên cứu một gói hỗ trợ mới về thuế và phí. Bộ sẽ báo cáo với Chủ tịch Quốc hội, Thường vụ Quốc hội và Chính phủ để quyết định gói này, tầm khoảng 24 ngàn tỷ đồng. 

Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ hoãn thực hiện Thông tư 40 về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuế đến ngày 1/1/2022 (theo quy định, Thông tư có hiệu lực từ 1/8/2021).

Thời gian tới, để thực hiện việc chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện chủ trương giảm 10% chi thường xuyên và giảm 50% các khoản chi hội họp, công tác phí, đi công tác nước ngoài… 

Đồng thời, nâng cao hiệu quả về đầu tư công, kể cả các dự án ODA, cắt giảm những dự án không hiệu quả, các dự án vay ưu đãi, quản lý tốt thị trường chứng khoán, bảo hiểm, thị trường tiền tệ, kết hợp điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ một cách hợp lý.

“Rất mong các bộ và các tỉnh hết sức ủng hộ cho chủ trương này. Chúng ta dồn kinh phí để chống dịch, còn nữa thì tập trung cho đầu tư phát triển”, người đứng đầu ngành Tài chính bày tỏ.

Liên quan đến vấn đề cổ phần hóa, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Bộ này đã duyệt được 3 doanh nghiệp và thoái vốn được 9 doanh nghiệp với số tiền 2.081 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, hiện nay, chủ trương sẽ cổ phần hóa những đơn vị làm ăn không hiệu quả, còn những doanh nghiệp nhà nước đang làm ăn hiệu quả, là “con gà đẻ trứng vàng” thì tiếp tục để phát triển. 

Cho nên vừa rồi, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ tạo điều kiện cho 4 ngân hàng thương mại: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank được tăng vốn điều lệ để tăng sức mạnh của doanh nghiệp nhà nước, đồng thời làm ăn có hiệu quả và tạo nên những “quả đấm thép” để hỗ trợ cho các ngành đang phát triển.

Bộ trưởng Tài chính thông tin, sắp tới, sẽ cùng với các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh phê duyệt phương án tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về vấn đề định giá, đất đai và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện có hiệu quả vấn đề cổ phần hóa.

Về vấn đề mua sắm vật tư y tế, thiết bị phòng, chống dịch, Tư lệnh ngành Tài chính cho hay, vấn đề này đã được giải quyết tại các nghị quyết của Chính phủ. T

rong điều kiện dịch, chúng ta được chỉ định thầu để mua sắm các vật tư y tế trong điều kiện khẩn cấp. Đồng thời, Bộ Y tế chịu trách nhiệm về thẩm định giá và vấn đề mua bán theo đúng nghị định của Thủ tướng Chính phủ. 

Hiện nay, về phía Bộ Tài chính đã ban hành gói thông tư hướng dẫn để các địa phương, cũng như Bộ Y tế thực hiện việc mua sắm một cách kịp thời để phòng, chống dịch hiệu quả.

Giải đáp ý kiến của đại biểu về vấn đề đặt hàng, giao nhiệm vụ đấu thầu dịch vụ công, các đơn vị sự nghiệp công, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 60 thay thế Nghị định 16, trong đó đã quy định rõ quyền tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Các đơn vị sự nghiệp công lập được chia thành 3 loại: tự chủ một phần chi thường xuyên, tự chủ chi thường xuyên và đảm bảo tự chủ cả chi thường xuyên và chi đầu tư. 

Nghị định 60 quy định rõ về chính sách trả lương, liên doanh, liên kết, chính sách được sử dụng tài chính công để liên doanh, liên kết, được sử dụng quỹ phát triển của đơn vị sự nghiệp công lập… 

Còn phần đặt hàng thì thực hiện theo chính sách, định mức, đơn giá đã phân cấp cho các tỉnh và các bộ. Những vấn đề liên quan đến đặt hàng theo Nghị định 32, Chính phủ đang giao cho Bộ Tài chính sửa.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Chu Thanh Vân

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.