Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đang được triển khai đến đâu sau hơn 20 ngày ban hành?
Ngày 1/7, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68 về một số chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với 12 nhóm chính sách hỗ trợ. So với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng trước đây thì với gói 26.000 tỷ này, Chính phủ đã rút gọn nhiều thủ tục, thời gian xét duyệt hồ sơ cũng nhanh hơn.
Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, tính đến ngày 14/7, đã có 33 địa phương báo cáo Kế hoạch hỗ trợ lao động theo Nghị quyết 68. Một số tỉnh, thành phố đã có kế hoạch triển khai cụ thể và có chính sách hỗ trợ dành riêng cho lao động tự do như: TP HCM, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu...
Tuy nhiên, vẫn còn địa phương triển khai tương đối chậm, trong khi nhiều địa phương đã bắt đầu chi trả tiền hỗ trợ COVID-19 cho người dân, thì cũng có địa phương mặc dù đã trải qua hai lần tạm dừng nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong vòng một tháng qua chưa ban hành được kế hoạch thực hiện.
Bên cạnh đó, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng lưu ý trong quá trình thực hiện gói 26.000 tỷ đồng, đối với các chính sách liên quan đến Quỹ BHXH, Quỹ BHTNLĐ, BNN và Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cần phải có sự thống kê, theo dõi cụ thể đối với từng trường hợp.
Đồng thời, phải có dự báo sớm tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tránh tình trạng việc triển khai hỗ trợ làm ảnh hưởng tới việc bảo toàn Quỹ, không bảo đảm được quyền lợi của người lao động.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai chính sách, Ủy ban Xã hội cũng nhấn mạnh, cần lưu ý tới nhóm đối tượng bị cách ly y tế tại nhà theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, về cơ bản nhóm đối tượng này cũng gặp khó khăn như cách ly tập trung và trong khu vực phong tỏa.
Đồng thời, cân nhắc thêm việc có cơ chế hỗ trợ cho các địa phương, nhất là với các địa phương không tự cân đối được ngân sách để bảo đảm mọi đối tượng đủ điều kiện đều có thể tiếp cận được gói hỗ trợ để ổn định cuộc sống, phát huy ý nghĩa, giá trị của chính sách.