Nghiên cứu ba phương án phát triển hệ thống metro TP HCM
Đề xuất được đưa ra tại cuộc họp về xây dựng đề án phát triển đường sắt đô thị TP HCM theo kết luận số 49 của Bộ Chính trị do Sở Giao thông Vận tải thành phố chủ trì, chiều 10/4.
Ngoài cách tiếp cận mới, cơ chế đột phá triển khai các dự án, tư vấn đề xuất điều chỉnh tổng chiều dài đường sắt đô thị của thành phố lên 511 km, tức gấp hơn hai lần quy hoạch cũ, thực hiện đến năm 2045. Với phương án này, TP HCM sẽ có 10 tuyến metro, trong đó một tuyến vành đai, 8 tuyến chạy xuyên tâm.
Theo định hướng trên, tư vấn đưa ra ba phương án triển khai. Trong đó, phương án một là đầu tư toàn bộ mạng lưới này trong thời gian từ nay đến năm 2045, tổng vốn sơ bộ gần 50 tỷ USD. Phương án hai là đầu tư 6 tuyến, gồm 5 tuyến xuyên tâm và một tuyến vành đai), tổng chiều dài khoảng 303 km. Phương án này đòi hỏi nguồn vốn khoảng 25 tỷ USD.
Phương án còn lại là đầu tư hoàn thiện ba tuyến số 1, 3, 4 và làm một phần các tuyến số 2, 5, 6. Theo cách này, tổng chiều dài các tuyến được xây dựng khoảng 180 km, tổng vốn hơn 20 tỷ USD. Đơn vị tư vấn đánh giá phương án này phù hợp với quy hoạch hiện nay ở thành phố, đồng thời khả thi hơn về nguồn lực so với hai cách còn lại.
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm cho biết kết luận 49 của Bộ Chính trị giao TP HCM đến năm 2035 cơ bản hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị với 8 tuyến, tổng chiều dài hơn 200 km. Đây là cơ sở để thành phố đề xuất các cơ chế, xây dựng đề án triển khai. Tuy nhiên, đây là đề án rất lớn, chưa có tiền lệ, mang tính đột phá trong phát triển hệ thống metro.
"Đề án này bao gồm rất nhiều lĩnh vực liên quan thủ tục đầu tư, huy động vốn, đất đai, quy hoạch, khoa học công nghệ; mô hình tổ chức xây dựng và khai thác...", ông Lâm nói.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải, do thời gian gấp rút nên thành phố đang huy động các sở ngành, tư vấn, chuyên gia hàng đầu ở nhiều lĩnh vực nhằm hoàn thiện đề án gửi Bộ Giao thông Vận tải, lấy ý kiến các bộ ngành, trình Chính phủ vào tháng 5 năm nay. Nội dung quan trọng nhất của đề án là phương án đầu tư phát triển và khả thi thực hiện, để khi Quốc hội thông qua có thể triển khai được ngay.
TP HCM đã triển khai hai tuyến metro, gồm: số 1 Bến Thành - Suối Tiên (dài gần 20 km) và số 2, đoạn Bến Thành - Tham Lương (dài hơn 11 km). Trong đó, tuyến số 1 sau 17 năm được duyệt, 12 năm thi công, đến nay mới chuẩn bị hoàn thành. Tuyến số 2 cũng nhiều lần lùi tiến độ, dự kiến đến năm 2030 mới hoàn thành. Do vậy, để đạt mục tiêu đến năm 2035 cơ bản làm xong khoảng 200 km metro theo quy hoạch hiện nay, các chuyên gia cho rằng sẽ khó khả thi nếu vẫn thực hiện theo cách làm cũ.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/