Nghịch lý nông sản dư thừa, nhà máy chế biến lại hoạt động dưới công suất
Tại diễn đàn 970, Cục Trồng trọt thông tin tổng sản lượng rau một năm của Việt Nam khoảng 10 triệu tấn, trong đó tập trung tiêu thụ trong quý I.
Theo tính toán, mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 10 kg rau/tháng thì trong quý I còn thừa khoảng 2,5 triệu tấn.
Từ việc tiêu thụ hàng rau quả ở thị trường nội địa vẫn ở mức thấp, xuất khẩu tắc đường cho thấy việc thiết lập chuỗi liên kết sản xuất – chế biến – xuất khẩu chính ngạch là cần thiết.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết tỷ lệ chế biến nông sản ở Việt Nam còn rất thấp.
"Năm 2019, xuất khẩu thô là 90%. Đến năm 2020-2021, xuất khẩu qua chế biến là 30%, đó là bước tiến. Tỷ lệ này cần đẩy cao hơn nữa. Ở thị trường Trung Quốc, xu hướng giới trẻ là dùng sản phẩm sấy khô, sấy dẻo", ông Toản nói.
Ngoài ra, ông Toản cũng chỉ ra thực trạng nhiều nhà máy chế biến mới chỉ đạt công suất 60% do thiếu nguyên liệu hoặc nguyên liệu chưa đủ chất lượng. Vì vậy, quan điểm về nông sản chế biến dùng nguyên liệu không chuẩn là rất sai lầm.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT CTCP Nafoods cho biết mỗi ngày doanh nghiệp tiêu thụ 500 - 600 tấn thanh long, xoài tại các nhà máy chế biến ở ba miền đất nước. Sản lượng nguyên liệu nhiều thì nhà máy chế biến rất mừng song câu chuyện về thuốc bảo vệ thực vật vẫn là thách thức.
Để đưa Việt Nam vào top 10 nước chế biến, xuất khẩu nông sản, ông Hùng cho rằng cần đặt ra hồi chuông cảnh tỉnh về vùng trồng.
"Tất cả cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân cần thay đổi. Cần truyền thông để thay đổi tư duy của người nông dân về số hóa, sản xuất an toàn", ông Hùng nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Công Luận, Phó TGĐ CTCP Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) cho rằng Việt Nam mới giải quyết phần "ngọn" của vấn đề trong sản xuất, xuất khẩu nông sản, trong khi phần "gốc" về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn nan giải.
"Khi người nông dân sản xuất được những sản phẩm đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn theo yêu cầu của các thị trường thì các doanh nghiệp mới có thể tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi", ông Luận nói.
Ngoài ra, đại diện Antesco cho rằng hiện nay Việt Nam chưa đi theo xu hướng của thế giới là GlobalGAP mà lại tập trung theo tiêu chí của VietGAP, trong khi các bạn hàng không quá quan tâm đến tiêu chí này. Do đó, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp cần tính toán lại để tránh lãng phí.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Lâm Viên, TGĐ CTCP Vinamit cho rằng các địa phương cần nâng cao năng lực sơ chế, chế biến cho các doanh nghiệp bởi xuất khẩu rau quả đang gặp nhiều rào cản, là cuộc chơi mang tính cá nhân.
Ông Viên dẫn chứng năm 2021 có 113 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu và 110 doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu sản phẩm mít. Tuy nhiên, số lượng lớn chỉ tập trung phần lớn ở 5 cá nhân của Việt Nam và 3 cá nhân Trung Quốc.
"Điều đó cho thấy đây là cuộc chơi mang tính cá nhân của các thương nhân, thương lái Việt Nam và Trung Quốc.
Nếu chúng ta không bắt tay, trao đổi với nhóm thương nhân này sẽ không nắm bắt được thông tin và diễn biến thị trường", ông Viên nói.
Chính vì khâu kết nối thông tin chưa tốt nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tiểu ngạch dễ gặp rủi ro.
Hiện nay, các thương nhân Việt Nam đang đứng ra làm điểm thu mua và bán sang biên giới. Nếu không bán được sang biên giới thì họ sẽ không bán được cho ai khác.
"Từ nhiều năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam dẫu biết đi đường biên mậu sang Trung Quốc sẽ bị o ép, khó khăn nhưng bắt buộc vẫn phải đi. Chưa kể đi chính ngạch sẽ bị áp thuế VAT 7%, trong khi đi đường biên mậu không cần", ông Viên nói.
Do đó, cùng với việc nâng cao năng lực chế biến cho doanh nghiệp, các địa phương cần xây dựng trung tâm đầu mối kết nối thông tin thị trường Trung Quốc bằng đường biên mậu, thậm chí theo đường chính ngạch để kịp thời phân bổ thông tin, kiểm soát vùng trồng cũng như kiểm soát thị trường.