|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nghịch lý của ngành điện tử: Kim ngạch xuất khẩu cao nhưng giá trị gia tăng thấp

14:31 | 24/08/2024
Chia sẻ
Dù là nhóm hàng đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cho nền kinh tế Việt Nam trong 7 tháng đầu năm với 39,59 tỷ USD nhưng do doanh nghiệp Việt chủ yếu tham gia ở phân khúc lắp ráp nên lợi ích kinh tế vẫn tương đối nhỏ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nhóm hàng đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cho nền kinh tế Việt Nam 7 tháng đầu năm tiếp tục là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 39,59 tỷ USD, chiếm tới 17% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước và tăng 29,1% (tương ứng tăng 8,93 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước

Riêng trong tháng 7, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 5,9 tỷ USD, tăng 18,4% so với tháng trước; và điện thoại các loại và linh kiện là 5,45 tỷ USD, tăng 14,8% so với tháng trước.

10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất trong 7 tháng đầu năm. (Nguồn: Nguyễn Ngọc tổng hợp từ TCHQ)

Kỳ vọng tăng trưởng hai con số

Nhìn nhận kết quả này, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho biết, trong năm 2023, ngành công nghiệp điện tử lần đầu tiên trong vòng hơn 10 năm tăng trưởng bị suy giảm trong bối cảnh chung tăng trưởng chung xuất khẩu của cả nước và thế giới khi nhu cầu tiêu thụ và thị trường bị suy thoái.

Tuy nhiên, sự phục hồi của ngành điện tử đã bắt đầu phục hồi từ đầu năm đến nay với các thị trường xuất khẩu lớn như đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh.

Cụ thể, trong 7 tháng, xuất khẩu sang Mỹ đạt 13,19 tỷ USD, tăng 50,8%; Trung Quốc với 6,85 tỷ USD, giảm 9,2%; EU (27 nước) với 5,45 tỷ USD, tăng 59,4%; HongKong (Trung Quốc) với 4,51 tỷ USD, tăng 70,8%; Hàn Quốc với 2,99 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước.

 Các thị trường xuất khẩu lớn của ngành điện tử 7 tháng đầu năm. (Nguồn: Nguyễn Ngọc tổng hợp từ TCHQ) 

Về góc độ sản xuất, những "ông lớn" trong ngành công nghệ tiếp tục đổ vốn vào sản xuất cũng như dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam với khoản đầu tư giá trị lớn.

Điển hình, nhà cung cấp linh kiện lớn của Apple là Foxconn liên tục tăng vốn đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể, năm 2019, Foxconn đầu tư vào Quảng Ninh với vốn đầu tư là 137 triệu USD. Đến năm 2023, Tập đoàn tiếp tục đầu tư thêm 2 dự án với tổng vốn đầu tư là 246 triệu USD.

Mới đây, đầu tháng 7, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đã trao Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư thêm 2 dự án nữa cho Foxconn với tổng vốn 551 triệu USD.

Tương tự, Tập đoàn Amkor của Hàn Quốc đầu vừa điều chỉnh tăng vốn lên 1,6 tỷ USD, sản xuất 3.600 triệu sản phẩm/năm vào nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn tại KCN Yên Phong II-C ở Bắc Ninh.

Trước đó, Hana Micron Vina – doanh nghiệp sản xuất và gia công bảng vi mạch tích hợp sử dụng cho điện thoại di động và các sản phẩm điện tử thông minh khác của Hàn Quốc cũng chính thức khánh thành nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang.

Doanh nghiệp này cũng có kế hoạch tăng tổng mức đầu tư lên trên 1 tỷ USD, doanh thu hàng năm dự kiến đạt 800 triệu USD và tạo ra 4.000 việc làm cho người lao động Việt Nam trong năm 2025.

“Tăng trưởng ngành điện tử năm 2023 bị chững lại, với mức 57,3 tỷ USD. Song với những tín hiệu tích cực từ đầu năm đến nay, cùng với mùa mua sắm cuối năm, chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành sẽ ở 10 - 13% cho cả năm”, bà Hương kỳ vọng.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam. (Nguồn: Nguyễn Ngọc).

Lợi ích kinh tế ở mức tương đối thấp

Dù tín hiệu thị trường khả quan, song theo bà Hương, trong chuỗi cung ứng ngành điện tử Việt Nam, doanh nghiệp Việt chưa thể tham gia được những phân khúc đem lại giá trị gia tăng cao như R&D, thiết kế, phân phối. 

Doanh nghiệp trong nước chủ yếu tham gia ở phân khúc lắp ráp nên giá trị gia tăng còn thấp khoảng 5 – 10% tổng kim ngạch xuất khẩu. 

"Điều này có nghĩa mặc dù có khối lượng xuất khẩu lớn, nhưng lợi ích kinh tế từ việc Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu ở mức tương đối thấp", bà Hương nhìn nhận. 

Bà nói thêm, ngoài những khó khăn về công nghệ, nhân lực và quản trị sản xuất, doanh nghiệp điện tử Việt bị chèn ép đơn hàng.

Cùng một lượng đơn hàng nhưng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) luôn được ưu tiên. Còn các doanh nghiệp Việt có đơn hàng thì cũng là những đơn hàng “xương xẩu" nhất, thời hạn thanh toán và các yêu cầu thanh toán cũng chặt chẽ hơn so với doanh nghiệp FDI. 

Thời gian gần đây, lượng doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào chuỗi cung ứng của Việt Nam khá đông, đặc biệt đến từ Trung Quốc, Đài loan sẽ tiếp tục thách thức lớn của doanh nghiệp nội địa khi phải chen chân vào thị trường có nhiều "ông lớn" công nghệ.

"Các doanh nghiệp FDI này sẽ ưu tiên các doanh nghiệp cung ứng của họ hơn là doanh nghiệp nội địa", bà Hương lý giải. 

Thêm nữa, khi có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào Việt Nam thì các doanh nghiệp trong nước phải chịu sức ép về hạ tầng bất động sản khi giá thuê nhà xưởng tăng cao, cũng như bị mất đi lực lượng lao động có tay nghề.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp Việt đã và đang nỗ lực đầu tư vào mảng công nghệ để có thể được tham gia vào sâu hơn vào chuỗi cung ứng ở vị thế cao hơn và được gia công những mảng miếng mang lại giá trị gia tăng nội địa nhiều hơn.

Tuy vậy, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, Hiệp hội mong muốn có những chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp trọng điểm như lĩnh vực điện tử. Cụ thể, có những ưu đãi trong vay vốn, được khoanh nợ, giãn nợ để doanh nghiệp đủ nguồn lực để phát triển, mở rộng sản xuất đáp ứng các yêu cầu đơn hàng. 

“Chúng tôi mong muốn Chính phủ sẽ cởi mở và tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp khi có đơn hàng và gia công sản xuất trong việc tiếp cận nguồn vốn vay mà không phải đưa các biện pháp tài sản thế chấp thì mang lại nhiều cơ hội hơn", bà Hương nêu rõ.

Còn theo bà Bùi Thị Việt Lâm, đại diện Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) cho biết, năm nào phái đoàn cấp cao Mỹ cũng đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư.

Đặc biệt, sau khi Việt Nam - Mỹ đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vào tháng 9/2023, cộng đồng doanh nghiệp rất hào hứng và cũng chờ đợi những chính sách đột phá, thu hút, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn.

“Khi các doanh nghiệp này gặp lãnh đạo Chính phủ đều khẳng định Việt Nam đang nổi lên là điểm đến, là nơi thu hút các nhà đầu tư Mỹ và có cơ hội phát triển thành trung tâm của khu vực về công nghệ cao”, bà Lâm chia sẻ.

Tuy vậy, đại diện USABC cũng cho rằng doanh nghiệp không thể tự làm một mình, doanh nghiệp cũng còn nhiều hạn chế không thể so sánh với các “gã khổng lồ”. Ví dụ như các thành viên trong chuỗi giá trị của Apple hiện cũng chưa có nhiều doanh nghiệp Việt.

Vì vậy, Chính phủ cần có chính sách đột phá đồng bộ, nhất là khi các quốc gia xung quanh có chính sách mạnh mẽ và táo bạo. Chẳng hạn như cho phép thử nghiệm các sandbox tạo thu hút trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Luật khuyến khích công nghiệp công nghệ số, Chiến lược phát triển ngành bán dẫn,…

"Còn các doanh nghiệp cần phải nhanh nhạy, chuẩn bị cho bước chuyển mình, nắm bắt các xu thế như tín chỉ xanh, kinh tế số… để nắm bắt xu thế mới, tăng cường xuất khẩu  hàng hoá, tạo cho doanh nghiệp thế mạnh về cạnh tranh",  đại diện USABC nêu rõ. 

Ngọc Bảo