Nghị viện Anh thông qua tiến trình Brexit
Bộ trưởng Anh, bà Theresa May. Nguồn: Bloomberg. |
Thủ tướng Anh Theresa May đang chuẩn bị cho tiến trình Brexit vào tuần cuối cùng của tháng 3 sau khi nhận được sự đồng thuận của các nhà luật pháp để bắt đầu 2 năm đàm phán với Liên minh châu Âu EU.
Hôm 13/3, nghị viện đã thông qua quy định cho phép chính quyền thực hiện điều 50 của Hiệp ước Lisbon. Theo một nguồn tin thân cận của bà May, thì bà lên kế hoạch công bố chính thức khởi động Brexit vào tuần cuối cùng của tháng 3.
Chiến thắng của bà May trước nghị viện cho phép bà tự do đàm phán và đảm bảo quyền lực của mình trong đảng bảo thủ. Tuy nhiên, hiện tại bà đang phải đối mặt với thách thức kéo nước Anh ra khỏi EU mà không tạo ra khủng hoảng, đồng thời điều hướng sự kiện Scotland muốn trưng cầu dân ý để ra khỏi Anh.
Trước đó, các nhà lập pháp từ chối hai điều luật sửa đổi do Thượng viện đưa ra về việc đảm bảo quyền lợi cho công dân châu Âu sống ở Anh, và cho phép nghị viện quyền quyết định cuối cùng về đàm phán của bà May với EU. Tuy nhiên, chính phủ không đồng tình về những thay đổi đó, nói rằng họ muốn bà May duy trì sự linh hoạt của mình trong quá trình đàm phán. Trong khi một vài thành viên của đảng bảo thủ có dấu hiệu sẽ bỏ phiếu đối đầu với chính phủ, một số thành viên khác sẽ bỏ phiếu trắng.
Ông David Davis, bộ trưởng phụ trách Brexit, cho biết “hôm nay, nghị viện đã ủng hộ chính phủ về vấn đề rời khỏi EU và đàm phán một liên minh mới với những thành viên còn lại trong EU. Hiện tại, chúng ta đang ở ngưỡng đàm phán quan trọng nhất cho quốc gia”.
Việc chính thức công bố việc rời khỏi EU sẽ tạo ra rủi ro cho bà May vì điều đó đặt quyền lực vào tay EU. Nước Anh sẽ bị áp lực về mặt thời gian, do chỉ có thời gian 2 năm để rời khỏi EU dù kết quả đạt được sau đàm phán giữa hai bên là gì đi nữa.
Ông Donal Tusk, chủ tịch hội đồng châu Âu phát biểu vào tuần trước rằng EU sẽ phản hồi thông báo về điều 50 Hiệp ước Lisbon trong vòng 48 tiếng. Sau đó, Ủy ban châu Âu sẽ công bố những quy định về các cuộc đàm phán.
Ngoài ra, bà May còn phải đối mặt với một khủng hoảng khác tại quê nhà.
Bà Nicola Sturgeon, bộ trưởng thứ nhất của Scotland, phát biểu hôm 13/3 rằng bà sẽ bắt đầu tiến trình xin chấp thuận cho cuộc trưng cầu dân ý để giành độc lập lần thứ 2 vào tuần tới. Scotland đã bỏ phiếu để tiếp tục ở lại EU, và bà Sturgeon nói rằng ý định của bà May nhằm đưa nước Anh trở thành một thị trường độc lập đã đi ngược lại với mong muốn của Scotland. Và điều đó đã tạo ra các cuộc trưng cầu dân ý đòi dân chủ.
Theo đó, bà Sturgeon muốn cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào khoảng giữa mùa thu 2018 và mùa xuân 2019, vì thời điểm đó đàm phán Brexit đã rõ ràng hơn.
Lời đe dọa từ bà Sturgeon cho thấy là việc tách ra khỏi EU sẽ dẫn đến Scotland rời khỏi Anh. Ông Nick Macpherson, cựu quan chức của bộ tài chính, cho biết “việc chia rẽ thành viên trong EU đã đặt mối liên minh 300 năm của Vương quốc Anh vào tình thế nguy hiểm”.