|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nghi vấn Facebook, Apple, Amazon, Netflix, Google và Microsoft nộp thiếu 100 tỉ USD thuế trong thập kỉ qua

08:14 | 04/12/2019
Chia sẻ
Facebook, Apple, Amazon, Netflix, Google và Microsoft đối mặt cáo buộc nộp "thiếu" số tiền thuế leentowis 100 tỉ USD từ năm 2010 tới nay.

Fair Tax Mark, một tổ chức của Anh chuyên đánh giá khả năng thực hiện tốt nghĩa vụ của doanh nghiệp, công bố thông tin về hành vi trốn thuế của 6 "đại gia" ở Thung lũng Sillicon từ năm 2010 tới nay. 

Trong báo cáo, Fair Tax Mark chỉ ra sự chênh lệch số tiền mà các công ty dành riêng trong báo cáo tài chính để nộp thuế và số tiền thuế thực tế họ nộp cho chính phủ. Con số cụ thể mà tổ chức ở Anh đưa ra là 100,2 tỉ USD trong giai đoạn 2010-2019.

Báo cáo còn nhấn mạnh việc số tiền thuế đáng ra các công ty phải nộp phụ thuộc vào chính sách thuế theo từng thời kì. Và rõ ràng con số này không phải lúc nào cũng khớp với số tiền mà chính phủ nhận được. Dòng tiền lãi liên tục chảy về các thiên đường thuế như Bermuda, Ireland, Hà Lan và Luxembourg.

Trong Silicon Six, cái tên "né" thuế nhiều nhất chính là Amazon. Theo báo cáo, hãng thương mại điện tử lớn nhất thế giới đã nộp 3,4 tỉ USD tiền thuế từ doanh thu cho chính phủ kể từ năm 2010 tới nay. Con số này chỉ tương đương 12,7% lợi nhuận của Amazon trong thời gian ấy. 

104056631-20161027-2976-2295

Amazon là công ty "né" nhiều thuế nhất trong thập kỉ qua, theo Fair Tax Mark. Ảnh: CNBC

Điều đáng nói là chính sách thuế dành cho doanh nghiệp tại Mỹ lên tới 35% trong giai đoạn 2010-2017. Từ năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã giảm mức thuế này xuống còn 21%. 

Amazon đã kết thúc năm 2018 với doanh thu 232,9 tỉ USD và đạt mức vốn hóa thị trường 892 tỉ USD.

Paul Monaghan, CEO của Fair Tax Mark đã chia sẻ về vấn đề này với CNBC: "Việc các công ty trốn tránh nghĩa vụ thuế và dùng số tiền đó để mở rộng thị trường sẽ là một điều bất công với các doanh nghiệp địa phương vừa và nhỏ vốn phải chịu trách nhiệm về thuế cao hơn".

Amazon đã phản hồi về báo cáo của Fair Tax Mark. Cụ thể, tập đoàn thương mại điện tử khẳng định những thông tin mà báo cáo của tổ chức đến từ nước Anh là hoàn toàn không đúng sự thật.

"Amazon chiếm khoảng 1% dung lượng bán lẻ toàn cầu. Ngoài ra ở bất cứ thị trường nào mà Amazon góp mặt đều có những đối thủ lớn hơn. Công ty cũng có tỉ suất thuế phải nộp trên lợi nhuận ở mức 24% trong khoảng thời gian 2010-2018", phía Amazon tuyên bố.

Bên cạnh đó, tập đoàn còn giải thích thêm rằng Amazon là một nhà bán lẻ với biên lợi nhuận thấp. Do đó việc so sánh họ với những công ty công nghệ có biên lợi nhuận lên tới 50% là không hợp lí. 

Tập đoàn khẳng định những gì họ đang làm hoàn toàn được ủng hộ bởi chính phủ: Nộp thuế đúng hạn và tạo ra nhiều công ăn việc làm trên khắp cả nước.

Người phát ngôn của Amazon còn cho biết thêm, công ty đã đầu tư 60 tỉ USD vào thị trường châu Âu và 23,36 tỉ USD vào riêng nước Anh kể từ năm 2010. Trong 2018, công ty đã nộp 1,03 tỉ USD thuế cho chính phủ Anh.

Sau Amazon, cái tên tiếp theo bị tố là "né" thuế nhiều thứ hai là Facebook. Facebook đồng thời là công ty có tỉ suất thuế nộp thực tế trên lợi nhuận thấp nhất trong Silicon Six với 10,2%. Tỉ suất này với thị trường nước ngoài của Facebook là rất thấp, chỉ ở mức 5%.

Tương tự Amazon, đại diện Facebook cũng tuyên bố họ luôn nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ thuế tại mọi thị trường mà họ góp mặt.

1-15551217192091600105485-crop-15551217236721637040794

Facebook của Mark Zuckerberg có tỉ suất nộp thuế trên lợi nhuận thấp nhất trong Silicon Six. Ảnh: Silicon Valley

"Năm ngoái, chúng tôi nộp 3,8 tỉ USD thuế doanh nghiệp trên toàn cầu, tương đương 20% lợi nhuận trước thuế. Theo các qui tắc hiện hành, Facebook sẽ thanh toán phần lớn thuế ở Mỹ - nơi đặt trụ sở chính và phần lớn tài sản của công ty. Sau cùng, đây là quyết định của các chính phủ và chúng tôi luôn ủng hộ các chính sách của họ về thuế", người phát ngôn Facebook chia sẻ.

Google xếp ngay sau Facebook ở vị trí thứ ba về số tiền thuế chênh lệch. Theo báo cáo, Google chỉ mới thanh toán 15,8% lợi nhuận của mình cho chính phủ Mỹ và 7,1% ở thị trường nước ngoài.

Xếp vị trí thứ tư trong báo cáo là Netflix với tỉ suất thuế trên lợi nhuận là 15,8% còn Apple xếp thứ năm với 17,1%.

"Là công ty đóng nhiều thuế nhất thế giới, chúng tôi hiểu vai trò của người đóng thuế với xã hội. Chúng tôi đã đóng đầy thủ mọi loại thuế ở những nơi Apple góp mặt. Kể từ năm 2008 tới nay, công ty đã nộp hơn 100 tỉ USD tiền thuế cho chính phủ các nước", đại diện của Apple phản hồi lại CNBC.

Tương tự, Apple, Microsoft cũng khẳng định mình đã hoàn toàn tuân thủ mọi điều luật tại các quốc gia sở tại. Theo báo cáo của Fair Tax Mark, tỉ suất số thuế phải nộp trên lợi nhuận của Microsoft là 16,8%.

Netflix từ chối bình luận trong khi Google vẫn chưa đưa ra nhận xét nào cho những thông tin về mình trong bản báo cáo của Fair Tax Mark.

Tiểu Phượng