Nghị lực của ông 'Giám đốc xe lăn'
Phòng 106, nhà B15, phố Lương Đình Của – nơi được gọi là xưởng sản xuất của ông Trung - chỉ có diện tích vỏn vẹn hơn 10m2, nhưng có đầy đủ máy móc, vật liệu. Tâm sự với chúng tôi, ông bảo, ông mắc căn bệnh lạ từ nhỏ khiến chân bại liệt. Kể từ đó, cuộc sống của ông Trung gắn liền với những chiếc xe lăn. Nhưng ông không chấp nhận số phận, vươn lên học hành, quyết tâm thực hiện ước mơ tự làm xe lăn cho mình và cho người khác.
Sau khi nghỉ hưu tại Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao, ông Trung bắt đầu theo đuổi đam mê làm những chiếc xe lăn cho cộng đồng người khuyết tật.
Hàng ngày, ông Nguyễn Trung miệt mài chế tạo xe lăn giá rẻ cho người khuyết tật. Ảnh: Kinh Tế Đô Thị |
Năm 1996, ông tham gia khóa đào tạo “Thiết kế, sửa chữa và bảo dưỡng xe lăn cho người khuyết tật” tại Thái Lan. Sau nhiều lần miệt mài cố gắng, năm 1997, chiếc xe lăn đầu tiên của ông xuất xưởng. Xe làm hoàn toàn bằng các nguyên liệu dễ kiếm như: Ống inox, bánh xe đạp, vải dù với tay lái nhẹ, dễ điều khiển, dễ sửa chữa khi hỏng. Các chi tiết được ông làm tỉ mỉ với độ chính xác cao.
Ông Trung luôn đặt chất lượng lên hàng đầu vì chính ông hiểu cảm giác ngồi xe lăn chất lượng thấp như thế nào. Theo ông, để hoàn thiện một chiếc xe lăn mất khoảng hơn một tuần và để tiết kiệm chi phí, ông tận dụng những bộ phận của chiếc xe đạp cũ như vành, lốp, nan hoa, vòng bi... giúp người sử dụng có thể tự sửa chữa và dễ dàng mua phụ tùng thay thế.
“Một người bị khuyết tật chỉ còn lại một tay, mình phải chế tạo làm sao họ chỉ cần lăn trên một bánh xe là có thể di chuyển nhẹ nhàng” - ông tâm sự.
Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, tìm nguyên liệu là một thách thức lớn. Mặt khác, trước đây, công việc thuận lợi, ông thuê thêm thợ nhưng sau này, chỉ có một mình ông làm nên khá vất vả. Nhiều khi vợ, con của ông vẫn phải hỗ trợ ông công việc. Rất nhiều người khuyết tật khắp 3 miền từ Lạng Sơn đến Cần Thơ tìm đến ông. Không chỉ nhận được đơn hàng đơn lẻ, ông còn nhận được những đơn hàng số lượng lớn của Hội bảo trợ Người tàn tật và trẻ em mồ côi Hà Nội, các công ty và một số tổ chức nước ngoài.
Cho đến nay, ông đã sản xuất được hơn 300 xe lăn. Chia sẻ về câu chuyện đặt hàng, ông bảo: “Nhiều khi bán với giá rẻ, không tính công bởi nhiều người khuyết tật, điều kiện cũng rất khó khăn nên tôi muốn giúp họ. Với mỗi khách hàng, tôi đều nhìn vào khuyết tật của họ để thiết kế sao cho phù hợp và tiện sử dụng”.
Sử dụng xe lăn do ông Trung sản xuất đã 10 năm nay, ông Trần Văn Sẵn (63 tuổi) ở Ngọc Thụy, Gia Lâm cảm thấy rất hài lòng về sự tiện lợi, thiết kế phù hợp với từng đặc điểm khuyết tật của mỗi người, giá cả phải chăng.
“10 năm nay gắn bó với chiếc xe lăn này, tôi không phải mất nhiều chi phí sửa chữa xe mà chủ yếu chỉ thay săm, lốp thôi. Xe này tiện lắm, tự mình có thể vận động với xe một cách dễ dàng. Không những vậy, tôi còn giúp gia đình được nhiều việc nhà” - ông Sẵn chia sẻ.
Nhìn khuôn mặt ông Sẵn ánh lên niềm hạnh phúc, lạc quan, ông Trung cảm thấy được động viên phần nào khi sản phẩm của mình đã giúp những người khuyết tật lấy lại được lòng tin để có thêm động lực sản xuất nhiều xe lăn hơn nữa cho cộng đồng người khuyết tật. Với nghị lực sống, sự lạc quan, ông Trung thực sự đã góp phần không nhỏ trên hành trình tìm đôi chân cho người khuyết tật.