|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nghị định 13 đã mở ra cơ hội phát triển mạnh điện mặt trời ở Việt Nam.

14:06 | 28/04/2020
Chia sẻ
Nghị định 13 đã mở ra cơ hội phát triển mạnh điện mặt trời ở Việt Nam.

Sau hơn 9 tháng tồn tại khoảng trống về chính sách giá điện mặt trời, mới đây, ngay giữa cao điểm dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ đã ban hành Nghị định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời ở Việt Nam.

Nút thắt đã gỡ

Theo đó, giá mua điện với cả 3 loại hình gồm điện mặt trời mặt đất, điện nổi và điện trên mái nhà đều đã được chốt. 

Cụ thể, giá mua điện đối với dự án điện mặt trời nổi là 1.783 đồng/kWh (khoảng 7,69 cent/kWh), giá mua điện dự án điện mặt trời mặt đất là 1.644 đồng/kWh (7,09 cent/kWh), giá mua điện mặt trời trên mái nhà 1.943 đồng/kWh (8,38 cent/kWh). 

Giá này áp dụng trong 20 năm đối với các dự án hoặc một phần dự án vận hành thương mại từ ngày 1.7.2019 đến ngày 31.12.2020. Riêng các dự án điện mặt trời nối lưới ở tỉnh Ninh Thuận, có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp, tổng công suất tích lũy không quá 2.000MW và có ngày vận hành trước ngày 1.1.2021 thì được bán với giá tương đương 9,35 cent/kWh. Chính sách có hiệu lực từ ngày 22.5.2020.

Theo giám đốc một doanh nghiệp điện ở TP.HCM, sau thời gian khá dài mong ngóng chính sách giá mới cho điện mặt trời, Nghị định 13 thực sự đã gỡ nút thắt cho doanh nghiệp. So với mức giá ưu đãi cũ (9,35 cent/kWh), giá điện mặt trời áp mái mới đã thấp hơn.

Dù vậy, theo Bộ Công Thương, đây là mức giá hợp lý, phù hợp với xu hướng giá thiết bị, công nghệ giảm và giúp xoa dịu áp lực lên giá điện bán lẻ. 

Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Khối kinh doanh, Công ty SolarBK, cho rằng dù giá điện áp mái giảm nhưng vẫn hấp dẫn, có thể giúp nhà đầu tư hoàn vốn dưới 5 năm. Nếu một hộ gia đình lắp hệ thống 4kWp BigK Basic của SolarBK sẽ hoàn vốn trong khoảng 4,7 năm, ngắn hơn so với mức hoàn vốn 4,9 năm của thời điểm lắp đặt năm 2019.

Ngoài ra, nét mới trong Nghị định 13 là bên mua và bên bán điện có thể tự thỏa thuận giá cả giao dịch, trừ bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị ủy quyền. Như vậy, người đầu tư điện mặt trời trên mái các nhà xưởng, trung tâm thương mại, cao ốc bên cạnh cơ hội bán điện cho EVN vẫn có thể thương lượng để bán điện lại cho người sử dụng bên dưới.

Một lý do khác để nhà đầu tư cân nhắc rót tiền vào điện mặt trời là nhu cầu tiêu thụ điện đang gia tăng. Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP.HCM, nhận xét, dưới ảnh hưởng của dịch bệnh, học sinh nghỉ học dài ngày, người dân hạn chế ra đường, khiến nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng mạnh.

Theo EVN, tháng 3 vừa qua, tiêu thụ điện sinh hoạt toàn quốc tăng tới 8,5% so với cùng kỳ. Riêng Hà Nội tăng 17%, còn TP.HCM tăng 13%.

Nghị định 13 đã mở ra cơ hội phát triển mạnh điện mặt trời ở Việt Nam. - Ảnh 1.

Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, gây thiệt hại nặng nề lên hầu hết các ngành nghề, làm chững lại mọi nhu cầu tiêu dùng xã hội và đẩy không ít công ty vào nguy cơ phá sản thì ngành điện vẫn ít bị tác động nhất, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán MBS. 

Nếu dịch bệnh kéo dài, gây khó khăn về nguồn vốn, nhập thiết bị, khiến việc tương tác với các chuyên gia, đối tác bị trở ngại, MBS cho rằng, ảnh hưởng có thể thấy là EVN bị chậm tiến độ triển khai các dự án mở rộng nguồn điện và hệ thống truyền tải điện.

Khi đó, để có thể đáp ứng nhu cầu điện giai đoạn 2021-2025, EVN có thể phải tìm cách cân đối, điều chỉnh các nguồn điện khác nhau. Nghĩa là cơ hội cho điện mặt trời sẽ không nhỏ.

Cuộc chạy đua 7 tháng

Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, trong 2 tháng đầu năm nay, EVN đã huy động tối đa 1,8 tỉ kWh nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời, gió, sinh khối..), chiếm gần 5% tổng sản lượng điện toàn hệ thống (36,2 tỉ kWh).

Riêng đối với điện áp mái, đến tháng 3.2020, Việt Nam lắp đặt vận hành được hơn 24.300 dự án với tổng công suất 465,8MWp. Rõ ràng, so về nhu cầu tiêu thụ điện, như EVN nhận định, điện mặt trời vẫn còn phát triển khiêm tốn. Các chuyên gia cho rằng, với tiềm năng của mình, điện mặt trời có thể tăng quy mô lên gấp 5 lần hiện tại.

Thực tế, thời gian qua, các dự án điện mặt trời bị chững lại do người dân và nhà đầu tư chờ đợi giá mua điện mới, sau khi giá ưu đãi cho điện mặt trời kết thúc vào ngày 30.6 năm ngoái. Nay với Nghị định 13, người dân còn 7 tháng để tăng tốc đầu tư, trước khi năm 2020 khép lại.

Trao đổi với báo chí, ông Vũ Đình Khánh, Giám đốc Công ty Đầu tư và Phát triển Năng lượng HIGG, nhận định, nhu cầu lắp đặt điện mặt trời của người dân rất cao. Với giá bán mới, HIGG dự kiến đầu tư hơn 10MW công suất lắp đặt ở các tỉnh. Dù vậy, theo ông, cái khó cho doanh nghiệp là số lượng thiết bị trong kho có hạn.

Nghị định 13 đã mở ra cơ hội phát triển mạnh điện mặt trời ở Việt Nam. - Ảnh 2.

Nếu nhu cầu lắp đặt tăng mạnh, doanh nghiệp phải đặt hàng và chờ đợi trung bình 20-30 ngày. Như thế, tiến độ lắp đặt sẽ chậm trễ trong khi thời gian để hưởng chính sách giá mới chỉ kéo dài đến hết năm nay.

SolarBK gặp thuận lợi hơn vì là một trong số ít công ty có nhà máy sản xuất tấm pin ngay tại Việt Nam. Nhờ đó, SolarBK không phải chờ đợi nhập thiết bị và có thể chủ động khâu bảo hành. Tháng 3 vừa qua, Công ty đã ra mắt 2 dòng sản phẩm mới là BigK Basic và BigK Advance.

Hiện người dân đang gia tăng lắp đặt vì không muốn bỏ lỡ cơ hội. Bởi như theo các công ty điện mặt trời, khi điện mặt trời ngày càng phổ biến, giá bán điện sẽ càng rẻ. 

Nhưng ông Phạm Hữu Hiển, Giám đốc Công ty Đầu tư Năng lượng Bình Phước, lưu ý, người dân cần tính toán kỹ tính hiệu quả. Theo ông, đầu tư điện mặt trời thường chỉ phù hợp với những hộ dân sử dụng nhiều điện vào ban ngày, hoặc nhà máy, cao ốc văn phòng...

Viết Nguyên