|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ngày vía Thần Tài ở Việt Nam và Trung Quốc: Hai thái cực khác biệt

16:51 | 01/02/2020
Chia sẻ
Trong khi người dân Việt Nam cúng bái Thần Tài vào mùng 10 tháng Giêng tại cơ sở kinh doanh và ít đến chùa chiền, Trung Quốc lại có tục nghênh đón vị thần tài lộc vào mùng 5 Tết và tập trung đến chùa cầu may hoặc tham gia lễ rước qui mô lớn trên phố phường.

Truyền thuyết về Thần Tài có nhiều dị bản

Xuất hiện ở nhiều nền văn hóa khác nhau như Việt Nam, Trung Quốc, Tây Tạng, Ấn Độ,... nên nguồn gốc của Thần Tài đến nay còn chưa sáng tỏ. Tuy nhiên, nói đến Thần Tài là chắc chắn gợi nhắc đến tiền bạc, tài lộc trong kinh doanh.

Theo truyền thuyết Trung Hoa cổ đại, Thần Tài chính là nhân vật lịch sử Phạm Lãi - người có công phò giá Việt Vương Câu Tiễn phục dựng lại một đất nước bên bờ vực suy tàn. 

Sau khi phò tá vua dẹp yên loạn lạc và mang sự phồn thịnh đến khắp nẻo quê hương, Phạm Lãi cùng người yêu là Tây Thi rời bỏ chốn quan trường, trở thành thương nhân giàu có và thành đạt. Người đời gọi vị thương nhân nổi tiếng này là Đào Châu Công và tôn ông làm Thần Tài.

Ngày vía Thần Tài ở Việt Nam và Trung Quốc: Hai thái cực khác biệt - Ảnh 1.

Tuy có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc của Thần Tài ở Việt Nam và Trung Quốc, Thần Tài trong tín ngưỡng chung là vị thần mập mạp, mang lại sự phú quí, giàu sang cho gia chủ. (Nguôn: tintuconline)

Trong khi ở dị bản khác, Thần Tài là vị thần cai quản tiền bạc, của nải trên thiên đình vô tình bị "rơi" xuống hạ giới vì lỡ say rượu. Sa cơ lỡ vận, Thần Tài phải đi xin ăn nhưng đi đến đâu là ban phúc lộc, sung túc cho người dân đến đó.

Ngày vía Thần Tài ở Việt Nam và Trung Quốc: Hai thái cực khác biệt - Ảnh 2.

Ngũ Lộ Thần Tài, hay 5 vị thần đại diện cho các phương hướng trong văn hóa Trung Quốc. (Nguồn: Tiki.vn)

Ở dị bản khác tại Trung Quốc, Thần Tài gồm 9 vị (hay còn gọi là Cửu Lộ Thần Tài), trong đó có 5 vị chính đại diện cho các phương hướng gồm: Vương Hợi (trung tâm) hay còn gọi là Trung Bân Tài Thần; Tỷ Can (hướng Đông) hay còn gọi là Tài Lộc Chân Quân; Sài Vinh (hướng Nam) hay còn gọi là Thiên Tài Tinh Quân; Quan Võ (hướng Tây); Triệu Công Minh (hướng Bắc) hay còn gọi là Tài Bạch Tinh Quân.

Nguồn gốc của Thần Tài ở mỗi quốc gia tuy có khác nhau nhưng tựu chung, ý nghĩa của vị thần này chỉ có một: mang đến tài lộc, phú quí và giàu sang cho mọi người.

Phong tục thờ cúng Thần Tài: Trung Quốc tổ chức vào mùng 5 Tết, Việt Nam chờ đến mùng 10

Ở Việt Nam, người dân cứ mùng 10 tháng Giêng sẽ tổ chức cúng bái Thần Tài để trả lễ cho năm cũ và cầu mong năm mới sung túc, tiền tài đầy nhà. 

Cụ thể, đối với giới doanh nhân, thương nhân, ngày Thần Tài không chỉ là cơ hội để cảm ơn thần đã phù hộ cho gia chủ một năm làm ăn thuận lợi mà còn là thời điểm đổi vía, lấy vía của Thần Tài để mang vận may sang năm mới.

Ngày vía Thần Tài ở Việt Nam và Trung Quốc: Hai thái cực khác biệt - Ảnh 3.

Mâm Tam Sên điển hình gồm có tôm (đại diện cho loài sống dưới nước), thịt heo (luộc hoặc quay, đại diện cho loài sống trên cạn) và trứng gà hoặc trứng vịt (đại diện cho loài có lông vũ bay trên trời). Ngoài ra, người dân miền Nam còn có thể cúng thêm cá lóc nướng. (Nguôn: docungnhanphuc.com)

Tương truyền, Thần Tài rất thích món tôm, thịt heo và trứng gà hoặc trứng vịt. Chính vì thế, lễ vật cúng Thần Tài tại Việt Nam không thể thiếu mâm Tam Sên (hay ba món kể trên). Ở miền nam, một số gia chủ còn cúng thêm cá lóc, gọi là cá lóc vía Thần Tài.

Nhìn chung, chợ, siêu thị và các cơ sở kinh doanh thực phẩm cũng nhờ đó mà ăn nên làm ra trong ngày đặc biệt này.

Thông thường, vào ngày vía Thần Tài, người dân Việt Nam không đến chùa chiền để cúng biếu mà tổ chức ngay tại nhà, cửa hàng, xí nghiệp, địa điểm kinh doanh để xin tài lộc, tiền của "chảy" vào cơ ngơi của mình. Không khó để thấy các đoàn múa lân hay hoạt động đốt vàng mã vào ngày vía Thần Tài.

Ngày vía Thần Tài ở Việt Nam và Trung Quốc: Hai thái cực khác biệt - Ảnh 4.

Người dân Việt Nam có tục mua vàng vào ngày vía Thần Tài để cầu may mắn, tiền của. (Ảnh: Vietnamnet)

Ngoài ra, hễ cứ đến mùng 10, các địa điểm kinh doanh vàng lại đón khách không xuể, vì Việt Nam có tục mua vàng vào ngày Thần Tài để cầu may.

Trái ngược với phong tục của Việt Nam, người dân Trung Quốc cúng Thần Tài vào mùng 5 tháng Giêng. Họ sẽ bái tạ Thần Tài từ sáng sớm và mở cửa nghênh đón vị thần này.

Ngày vía Thần Tài ở Việt Nam và Trung Quốc: Hai thái cực khác biệt - Ảnh 5.

Người dân Trung Quốc thường đổ ra đường tham gia các sự kiện cộng đồng. Trong hình, những người biểu diễn hóa trang thành Thần Tài phân phát quà cho khách du lịch tại một khu danh lam thắng cảnh ở Bozhou, phía đông tỉnh An Huy vào Tết Nguyên đán năm ngoái. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Trong khi người dân Việt Nam không đi chùa vào ngày vía Thần Tài, người Trung Quốc lại kiêng đến nhà ở, cơ sở kinh doanh của nhau vì sợ đem lại điều không may cho gia chủ. Thay vào đó, họ sẽ đến chùa để dâng hương, cầu phước lấy may.

Bên cạnh đó, người dân Trung Quốc còn tổ chức lễ nghênh rước Thần Tài có qui mô lớn và rất náo nhiệt trên đường phố. Họ sẽ có cơ hội nhận phong bao lì xì của Thần Tài, một nét phong tục mà họ xem là rất may mắn trong ngày đầu năm.

Ngày vía Thần Tài ở Việt Nam và Trung Quốc: Hai thái cực khác biệt - Ảnh 6.

Hàng trăm người diễu hành xuống một con phố với bức tượng Thần Tài trên kiệu thành phố Tô Châu, phía đông tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Ngày vía Thần Tài ở Việt Nam và Trung Quốc: Hai thái cực khác biệt - Ảnh 7.

Ngũ Lộ Thần Tài trong tín ngưỡng Trung Quốc đang phát quà cho người dân. (Ảnh: Tân Hoa Xã).

Tuy nhiên, do virus viêm phổi Vũ Hán bùng phát và diễn biến phức tạp trong Tết Nguyên đán năm nay, chính phủ Trung Quốc đã hủy bỏ nhiều sự kiện lớn và yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài để tránh lây nhiễm bệnh.

Do vậy, trên các trang tin chính thống như Tân Hoa Xã hay nền tảng mạng xã hội như Weibo đều không ghi nhận nhiều tin tức về ngày vía Thần Tài ở Trung Quốc năm nay.

Theo Bộ Y tế Việt Nam, tính đến 10h (giờ Việt Nam) ngày 1/2, ngoài Trung Quốc đã có 26 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các ca nhiễm virus corona. Số trường hợp nhiễm bệnh trên toàn thế giới hiện đã chạm mốc 11.951 và số ca tử vong là 259.

Yên Khê