Ngập nước có thể thay đổi tâm lý mua nhà của người Sài Gòn
Tại buổi công bố báo cáo thị trường bất động sản TP HCM quý III/2016, Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, Marc Townsend nhận được khá nhiều câu hỏi về hệ lụy của các cơn mưa gây ngập úng tác động như thế nào đến bất động sản.
Chuyên gia này thừa nhận, mưa gây ngập trong mấy ngày qua chắc chắn có ảnh hưởng đến tâm lý người mua nhà. Vấn đề này sẽ được đưa vào danh sách khảo sát của khách hàng trước khi quyết định chọn mua bất động sản. Đa số các chung cư đều có tầng hầm và đây là vấn đề phải lưu ý.
Điều này đặt ra hàng loạt vấn đề về hạ tầng, trong đó thách thức dành cho các chủ đầu tư là chất lượng và tiêu chuẩn của các tầng hầm các cao ốc có đảm bảo hay không. Nhìn xa hơn, có thể các tổ chức bảo hiểm, ngân hàng cũng sẽ có lưu ý đặc biệt đối với nhóm khách hàng mua hoặc phát triển dự án bất động sản.
Tuy nhiên, ông Marc Townsend cũng cho rằng ngập lụt không chỉ mới xảy ra tại Sài Gòn mà đã tồn tại nhiều năm qua. Thậm chí người dân hiểu rõ khi mưa thì nơi nào ngập nặng và nơi nào ngập nhẹ. Do đó, người mua và cả chủ đầu tư đều nắm rõ điều này và có sự lựa chọn phát triển sản phẩm hoặc mua sản phẩm theo cách riêng của họ.
Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, Trần Khánh Quang đánh giá, các cơn mưa lớn gây ngập và thiệt hại khắp TP HCM trong mấy ngày qua đang làm dày thêm nỗi lo, trăn trở của người mua nhà và cả doanh nghiệp phát triển bất động sản.
Chuyên gia này thừa nhận, ở góc độ người mua nhà, hiện nay có quá nhiều vấn đề cần lo ngại. Ngoài yếu tố vị trí chất lượng cảnh quan thì cần chú ý thêm môi trường sống, chất lượng không khí, cơ sở hạ tầng, giao thông... và nay là ngập úng.
Trong khi các tiêu chí khác có thể khảo sát nhanh và dễ nhận thấy thì ngập nước là vấn đề khó quan sát nhất, do cần theo dõi một thời gian dài, có tính mùa vụ (mùa nắng, mùa mưa, mùa triều cường...). Ông Quang chia sẻ một số kinh nghiệm để người mua nhà có thể lưu ý các vấn đề về ngập nước.
Mưa ngập khiến người mua nhà ở TP HCM cẩn trọng hơn khi quyết định lựa chọn bất động sản. (Nguồn: Tùng Duy) |
Thứ nhất: độ cao thành phố theo hướng Bắc chảy ra phía Nam. Quận 9 , Gò Vấp , quận 12 thường ít ngập hơn các khu khác.
Thứ hai: độ cao cốt nền của từng khu vực nhỏ rất khác nhau. Ví dụ có những nơi đường cao hơn nền nhà nên tránh.
Thứ ba: cốt nền cao quá so với xung quanh cũng thường là khu dễ ngập, nên nếu có mưa lớn thì cũng khó tiếp cận về nhà vì phải qua vùng ngập sâu trước khi đến cổng nhà.
Cách để quan sát bằng mắt thường: nhìn kỹ vào cốt nền nhà của khu vực gần nơi đang đứng, nếu đa số nhà xung quanh có cốt nền cao là đường trước nhà dễ ngập. Nếu trời khô ráo mà nhìn dưới phía chân tường thấy rong rêu bám và có vết ố chạy song song với chân tường thì nước sẽ cao đến đó khi ngập.
Thứ tư: khảo sát xung quanh các bất động sản lân cận để biết xem mức độ nước ngập trong quá khứ.
Thứ năm: nếu nhà ven kênh, rạch, sông cần chú ý thêm vấn đề triều cường, vì mức độ tác hại của triều cường gây ra lớn hơn rất nhiều so nước mưa lớn.
Theo Vũ Lê
VnExpress