Ngành vận tải biển thế giới cần ít nhất 1.000 tỉ USD để giảm khí thải
Ngành vận tải biển toàn cầu, hiện chiếm 2,2% lượng khí thải CO2 của thế giới, đang chịu sức ép phải giảm lượng phát thải gây ô nhiễm.
Với khoảng 90% lượng hàng hóa giao thương của thế giới được vận chuyển bằng đường biển, Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đặt mục tiêu vào năm 2050 sẽ giảm 50% lượng khí thải từ mức của năm 2008.
Song, mục tiêu này đòi hỏi sự chuyển đổi nhanh chóng sang nhiên liệu phát thải thấp và những thiết kế tàu mới sử dụng công nghệ sạch hơn.
Trong nghiên cứu đầu tiên về chi phí để thực thi mục tiêu này, các chuyên gia ước tính cần ngành vận tải biển thế giới cần đầu tư 1.000-1.400 tỷ USD, hoặc trung bình 50-70 tỷ USD/năm trong 20 năm từ 2030-2050.
Chuyên gia Tristan Smith, thuộc Viện Năng lượng của trường University College London (UCL), cho rằng ngành vận tải biển cần có sự đột phá và thay đổi nhanh chóng để phù hợp với một hệ thống mới về giảm phát thải, khi nhiên liệu hóa thạch trở nên lỗi thời.
Nghiên cứu trên ước tính khoảng 87% số tiền đầu tư cần thiết sẽ được rót vào các cơ sở hạ tầng trên đất liền và các cơ sở sản xuất nhiên liệu ít phát thải và 13% còn lại dành cho các loại tàu chuyên chở, bao gồm các loại máy móc và kho dự trữ cần thiết trên tàu.
Nghiên cứu do UCL và Ủy ban Chuyển đổi Năng lượng - một nhóm các chuyên gia toàn cầu - thực hiện.