|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thái Lan đưa ra bảy biện pháp giảm khí thải từ các phương tiện cơ giới

16:15 | 05/10/2019
Chia sẻ
Cục Giao thông đường bộ Thái Lan (DLT) mới công bố bảy biện pháp giảm khí thải từ các phương tiện cơ giới, nhằm kiểm soát nguồn phát tán bụi mịn bằng và nhỏ hơn 2,5 micrometre (PM2.5).
Thái Lan đưa ra bảy biện pháp giảm khí thải từ các phương tiện cơ giới - Ảnh 1.

Khói bụi ô nhiễm bao phủ dày đặc tại Bangkok, Thái Lan, ngày 30/9/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN

Vùng đô thị Bangkok của Thái Lan vừa trải qua một đợt ô nhiễm không khí, khi nồng độ bụi mịn PM2.5 ở nhiều khu vực vượt quá ngưỡng an toàn tối đa là 50 microgram/m3, lên những mức có hại cho sức khỏe.

Cục trưởng DLT Jirut Wisanjit nói với truyền thông sở tại rằng bảy biện pháp nói trên được đưa ra nhằm kiềm chế và hạ thấp nồng độ PM2.5 trong không khí.

Những biện pháp này bao gồm việc ngừng gia hạn đăng kiểm đối với những phương tiện cơ giới có khí thải vượt quá các ngưỡng PM2.5 cho phép; triển khai thêm nhiều nhân viên để kiểm tra các phương tiện cơ giới; làm việc với Cục Kiểm soát Ô nhiễm (PCD) để kiểm tra khí thải của phương tiện tại những điểm nóng; đảm bảo các trung tâm được cấp phép kiểm tra xe hơi phải kiểm tra lượng PM2.5 thải ra từ xe ô tô; làm việc với Cơ quan vận tải công cộng Bangkok (BMTA) và Công ty vận tải để thanh tra các mức độ khí thải; mở một đường dây nóng và một trang trên mạng xã hội để người dân đưa ra những kiến nghị và báo cho nhà chức trách về những phương tiện cơ giới thải khói đen; và làm việc với các công ty tư nhân cũng như các hiệp hội liên quan đến xe buýt và xe chở khách công cộng nhằm cải thiện việc kiểm tra khí thải PM2.5.

Theo ông Jirut, kể từ tháng 10/2018, đã có 122.370 phương tiện cơ giới được kiểm tra khí thải và phát hiện được 3.520 phương tiện thải ra những chất gây ô nhiễm, kể cả PM2.5, vượt quá mức độ cho phép.

Đối với các phương tiện có mức độ xả PM2.5 vượt quá mức cho phép, DLT sẽ phạt lái xe 5.000 baht (khoảng 165 USD). Ngoài ra, xe nào có lượng khí thải vượt quá các mức cho phép sẽ bị đánh dấu bằng sơn để không được lưu hành và lệnh cấm này sẽ chỉ được hủy sau khi chủ xe sửa lại động cơ để giảm khí thải PM2.5.

Trong khi đó, phát biểu trên một chương trình truyền hình hàng tuần hôm 4/10, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nói rằng Chính phủ Thái Lan luôn luôn lo lắng về ô nhiễm không khí, đặc biệt là bụi mịn PM2.5, đồng thời kêu gọi người dân không nên hoảng loạn vì trước hết cần phải có hiểu biết về vấn đề này.

Theo ông Prayut, tình trạng ô nhiễm không khí là do khói bụi từ các nước khác, tắc nghẽn giao thông, việc đốt chất thải nông nghiệp, khí thải nhà máy và bụi từ các công trình xây dựng.

Tuần trước, Nội các Thái Lan đã thông qua các biện pháp nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm. Một biện pháp để chống khói bụi lan tràn ở Bangkok là cấm các phương tiện xả “khói bẩn” lưu thông trên đường phố.

Tuy nhiên, Giám đốc phụ trách nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan Sumet Ongkittikul nói với truyền thông sở tại rằng việc đưa các xe ô tô gây ô nhiễm ra khỏi các đường phố ở Bangkok sẽ không giúp ích nhiều chừng nào những phương tiện chạy bằng diesel vẫn tiếp tục lưu thông ở thủ đô.

Thay vào đó, Chính phủ nên học tập cách thức Trung Quốc giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh, nơi khuyến khích sử dụng xe đạp điện và cắt giảm số lượng ô tô.

Tính đến tháng 8/2019, Bangkok có 10,5 triệu ô tô đăng ký với Cục Đường bộ, trong khi còn rất nhiều người lái xe vào thành phố từ nơi ở tại các tỉnh lân cận.

Ngọc Quang