Ngành thuỷ sản hưởng lợi thế nào nếu Mỹ công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường?
Theo VASEP, luôn nằm trong top 3 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, có rất nhiều dư địa, nhưng cũng không ít rào cản khiến doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nhiều phen “lao đao”. Trong đó, có những vấn đề kéo dài nhiều năm như thuế CBPG tôm, cá tra và có vấn đề “nóng sốt” của năm 2024 như là thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ.
Trong 10 năm gần đây, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ dao động ở mức 1,5 – 2,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng đáng kể, từ 18%-23% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trong đó, Mỹ luôn là thị trường tiêu thụ hàng đầu của các mặt hàng chủ lực như tôm, cá ngừ, cá tra…
Việt Nam đồng thời cũng là một đối tác nhập khẩu cho các nhà kinh doanh thủy sản Mỹ với giá trị nhập khẩu từ 65-70 triệu USD/năm. Những sản phẩm nhập khẩu nổi trội là cá hồi, cá trích, cá minh thái, cá bơn…
Dự kiến vào tháng 7/2024, DOC sẽ có quyết định về việc Việt Nam có được chuyển đổi trạng thái từ nền kinh tế phi thị trường sang nền kinh tế thị trường hay không. Nếu Việt Nam được công nhận có nền kinh tế thị trường thì đây sẽ là lợi thế cho cho các doanh nghiệp Việt Nam trong các đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá tôm, cá tra và điều tra chống trợ cấp (CVD) trong thời gian tới.
Ngoài những vấn đề như thuế CBPG, thuế chống trợ cấp, các rào cản và quy định khác cũng có thể sẽ được nhìn nhận, rà soát với một phương diện nới lỏng hơn, thuận lợi hơn cho ngành thủy sản Việt Nam, đồng thời, cũng là cơ hội thu hút hơn các nhà đầu tư từ Mỹ tới với ngành thủy sản Việt Nam, mở rộng cơ hội giao thương thủy sản giữa 2 nước.
Theo Bộ Công Thương, đối với các vụ việc phòng vệ thương mại, việc công nhận quy chế kinh tế thị trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Việc công nhận này sẽ giúp giảm thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, trong khi hàng hóa từ các nền kinh tế phi thị trường thường phải chịu mức thuế cao hơn trong các cuộc điều tra thuế chống bán phá giá. Khi các rào cản thuế quan được tháo gỡ hoặc nới lỏng thì hàng thủy sản Việt Nam sẽ lấy lại lợi thế cạnh tranh về giá tại thị trường Mỹ, đồng thời giúp người tiêu dùng Mỹ tiếp cận nhiều hơn với nguồn thủy sản chất lượng và giá tốt của Việt Nam.
Hiện đã có tổng cộng 72 quốc gia công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có những nền kinh tế lớn như Anh, Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/