|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành thủy sản, cảng biển chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách Zero COVID của Trung Quốc

14:19 | 28/03/2022
Chia sẻ
Việc Trung Quốc siết chặt chính sách Zero COVID đang tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong đó, ngành thủy sản, cảng biển chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Zero COVID tác động đến thương mại Việt Nam – Trung Quốc

Trong báo cáo “Đánh giá tác động dịch COVID-19 tại Trung Quốc đến thế giới và thị trường chứng khoán”, CTCK BIDV (BSC) cho biết Trung Quốc đang trải qua đợt bùng phát dịch COVID-19 tồi tệ nhất kể từ khi thực hiện chiến lược “Zero COVID”, số ca nhiễm liên tục gia tăng khiến quốc gia này phải thực hiện nhiều biện pháp phong tỏa, cách ly nghiêm ngặt.

Trong đó, có nhiều tỉnh/thành phố giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của Trung Quốc như Thâm Quyến, Trường Xuân, Thanh Đảo... Điều này đe dọa làm gián đoạn sản xuất và thương mại tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng như đối với toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh chiến sự giữa Nga và Ukraine chưa kết thúc.

Đối với Việt Nam, BSC cho rằng việc Trung Quốc thực hiện phong tỏa các thành phố lớn sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Theo Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm, thương mại hai chiều giữa Việt Nam – Trung Quốc đạt 26,2 tỷ USD; trong đó nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc đạt 18,3 tỷ USD, xuất khẩu đạt gần 7,9 tỷ USD. Hiện, Trung Quốc cũng là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với 10,5 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước đạt 166 tỷ USD, tăng gần 25% so với năm 2020. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.

 

Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Trung Quốc bao gồm máy móc, thiệt bị, dụng cụ, phụ tùng khác; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Ngoài ra một số ngành khác chiếm tỷ trọng nhỏ hơn có thể kể đến như dệt may, sắt thép, hóa chất, phân bón…

Các mặt hàng xuất khẩu chính sang Trung Quốc bao gồm điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính và linh kiện. Một số ngành khác chiếm tỷ trọng thấp hơn gồm nguyên liệu đầu vào và các sản phẩm dệt may, sắt thép các loại, thủy hải sản, các sản phẩm hóa chất…

 

Ngành nào hưởng lợi, ngành nào chịu thiệt?

BSC phân tích chính sách Zero COVID của Trung Quốc tác động tiêu cực đến ngành thủy sản, cảng biển của Việt Nam.

Cụ thể, việc Trung Quốc tiến hành phong tỏa một số thành phố lớn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với ngành thủy sản tại Việt Nam do nhu cầu tiêu thụ thủy sản giảm đột ngột.

Sản lượng thủy sản tiêu thụ qua kênh nhà hàng, trường học, khách sạn chiếm khoảng 50 - 60% tổng sản lượng tiêu thụ; do đó, khi các kênh này đóng cửa sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu cá tra và tôm từ Việt Nam.

Đối với ngành cảng biển, việc Trung Quốc phong tỏa một số thành phố lớn, các trung tâm sản xuất, thương mại… sẽ làm hạn chế hoạt động giao thương giữa hai nước, từ đó làm sụt giảm sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng Việt Nam.

Điều này sẽ tác động tiêu cực đến nhóm doanh nghiệp cảng miền Bắc vì tỷ trọng lớn sản lượng thông qua cảng là phục vụ các tuyến từ/đến các cảng trung chuyến Trung Quốc thay vì phục vụ hàng hóa đi Mỹ, Châu Âu như ở miền Nam. Vì thế, các doanh nghiệp như GMD, VSC, PHP sẽ là các đơn vị chịu ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp.

Trung Quốc tăng cường kiểm dịch đối với thủy sản đông lạnh, tránh lây virus COVID-19 qua bao bì. (Ảnh minh họa: VASEP)

Ở chiều ngược lại, ngành vận tải biển Việt Nam lại nhận được tín hiệu tích cực bởi Trung Quốc chiếm vai trò quan trọng trong giao thương, thương mại quốc tế, là quốc gia xuất khẩu lớn nhất và nhập khẩu lớn thứ 2 toàn thế giới.

Vì thế, việc các hoạt động sản xuất bị hạn chế và công suất hoạt động hệ thống cảng Trung Quốc giảm sẽ dẫn tới việc kéo dài sự đứt gãy của chuỗi logistics toàn cầu.

Tình trạng tắc nghẽn hệ thống cảng và thời gian chờ cập bến kéo dài sẽ dẫn tới việc gia tăng cước phí vận tải toàn cầu, từ đó tác động tích cực đến nhóm doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam.

Ngoài ra, BSC giữa quan điểm trung lập với ngành sắt thép, dệt may, phân bón.

Đối với nhóm thép, chiến dịch "Zero COVID" tại Trung Quốc có thể tác động đến ngành thép trong ngắn hạn nhưng không lớn. Bởi năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 1,6 tỷ USD thép vào Trung Quốc, chủ yếu là phôi thép và thép xây dựng.

Trong ngắn hạn, ảnh hưởng hạn chế do các nhà máy tại Trung Quốc vẫn sản xuất, nhưng tồn kho tại đây sẽ gia tăng, khiến nhu cầu nhập khẩu thép giảm. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng chủ yếu là các doanh nghiệp xuất khẩu phôi thép và thép xây dựng, nhưng tác động đối với từng doanh nghiệp không lớn do đa dạng thị trường xuất khẩu.

Lâu dài, giá thép có thể giảm do nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc chậm lại. Dư địa tăng thị phần có nhưng tương đối hạn chế. Kể từ khi Trung Quốc quyết định cắt giảm công suất tại các nhà máy công nghệ lạc hậu và do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu nhập khẩu thép tăng mạnh để bù đắp lượng thiếu hụt.

Trung Quốc hầu như tập trung xuất khẩu các sản phẩm thép có giá trị gia tăng cao, dùng trong công nghiệp sản xuất ô tô, thiết bị gia dụng. Ở phân khúc này, lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam không lớn.

Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thép sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ việc cắt giảm công suất của Trung Quốc nhiều hơn ảnh hưởng của việc phong tỏa lần này.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của đợt phong tỏa lần này có thể chỉ trong ngắn hạn và nhu cầu tiêu thụ thép của Trung Quốc sẽ cao trong năm nay do Chính phủ Trung Quốc khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng, và tuyên bố sẽ hỗ trợ thị trường bất động sản nước này. Do đó, BSC vẫn giữ quan điểm lạc quan về triển vọng xuất khẩu thép sang Trung Quốc trong năm nay.

Đối với dệt may, việc Trung Quốc tiến hành phong tỏa sẽ có ảnh hưởng đan xen đối với ngành này tại Việt Nam. Đối với ảnh hưởng tiêu cực, trong trường hợp mở rộng phong tỏa toàn bộ tỉnh Quảng Đông, quy trình sản xuất dệt may tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực khi nguồn cung nguyên liệu đầu vào bị đứt gãy.

BSC kỳ vọng một số đơn hàng dệt may sẽ dịch chuyển sang các nước lân cận (trong đó có Việt Nam), tiếp tục xu hưởng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang các quốc gia có chi phí thấp hơn.

Còn với hai ngành khác là phân bón và hoá chất, BSC cũng giữ quan điểm trung lập. Trung Quốc vẫn duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón, điều này sẽ khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung các loại phân bón đặc biệt là Kali và DAP nghiêm trọng thêm, và đẩy giá các loại phân bón tiếp tục duy trì ở mức cao.

Tại thị trường Việt Nam, hiện một số loại phân bón sản xuất trong nước cũng đang tăng giá mạnh. Nhiều khả năng Chính phủ sẽ đưa ra những biện pháp tạm dừng xuất khẩu, để ưu tiên cho hoạt động sản xuất trong nước và giúp bình ổn giá.

BSC đánh giá, giá phân bón tiếp tục duy trì ở mức cao sẽ là yếu tố tích cực với ngành phân bón, tuy nhiên dư địa tăng trưởng đối với các cổ phiếu ngành phân bón là không nhiều, do mức nền cao của năm ngoái, và các chính sách về hạn chế xuất khẩu có thể được đưa ra trong thời gian tới.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hoàng Anh

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.