|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

3 lực đẩy cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam

07:33 | 18/03/2022
Chia sẻ
VDSC cho rằng xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là tôm và cá tra sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2022 nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng, lạm phát giá thực phẩm và giá nguyên liệu cao.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), xuất khẩu thủy sản tháng 2 tiếp tục đà tăng trưởng mạnh với mức tăng 62% ước đạt 635 triệu USD. 

Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản chạm mốc 1,5 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu cá tra và tôm tăng lần lượt 93% và 46% so với cùng kỳ năm 2021 nhờ sự tăng lên của cả sản lượng và giá xuất khẩu.

3 lực đẩy cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam - Ảnh 1.

CTCK Rồng Việt (VDSC) dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2022 sẽ tăng trưởng tốt nhờ 3 trợ lực.

Cụ thể, với sự phục hồi kinh tế trên toàn cầu, nhu cầu đối với các sản phẩm thủy sản ở Mỹ, EU và Trung Quốc tăng mạnh do dịch vụ ăn uống được mở cửa trở lại.

Ngoài ra, giá nguyên liệu đầu vào cao kéo theo giá bán cao, đặc biệt là mặt hàng cá tra. Chi phí cho các loại thủy sản đạt mức cao mới do chi phí năng lượng, thức ăn chăn nuôi, nhân công và vận chuyển hàng hóa tăng mạnh. Và giá đầu vào tăng cao dự kiến sẽ vẫn duy trì trong ít nhất nửa đầu năm 2022.

Tại Việt Nam, việc giãn cách xã hội năm 2021 khiến tăng trưởng ngành thủy sản chậm lại và khó khăn trong chuỗi sản xuất và cung ứng, có nghĩa là nông dân ngừng việc thả nuôi mới cho đến quý IV/2021, dẫn đến nguồn cung thiếu hụt trong nửa đầu 2022.

VDSC cho rằng giá nguyên liệu cao sẽ kéo dài đến giữa năm 2022 sau đó giảm dần vào nửa cuối năm 2022 sau khi nguồn cung được đáp ứng.

Giá nguyên liệu cao tạo điều kiện cho các nhà xuất khẩu đàm phán với khách hàng của họ ở mức giá bán cao. Do đó, các nhà xuất khẩu như Vĩnh Hoàn, Nam Việt chủ động về nguyên liệu sẽ được hưởng lợi lớn nhất.

Đối với mặt hàng tôm, giá bán khá ổn định ngay cả trong giai đoạn đại dịch kết hợp với nguồn cung nguyên liệu phục hồi tại Ấn Độ, VDSC cho rằng giá xuất khẩu tôm sẽ ít có khả năng tăng đột biến như cá tra.

Do đó, các công ty tôm như Sao Ta, Minh Phú có thể tăng mạnh sản lượng xuất khẩu trong khi biên lợi nhuận cải thiện ở mức vừa phải.

3 lực đẩy cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam - Ảnh 2.

Một yếu tố khác đang thúc đẩy xuất khẩu thủy sản của Việt Nam là trong bối cảnh lạm phát, người tiêu dùng có xu hướng tăng sử dụng thủy sản.

Thực tế, lạm phát đang ảnh hưởng đến ngành thực phẩm trong năm 2022 song ngành thủy sản ít chịu tác động, thậm chí còn hưởng lợi.

Cụ thể, giá các loại thịt bò và thịt heo tăng mạnh khiến người tiêu dùng chuyển hướng sang tiêu thụ các sản phẩm thủy sản. 

Giá tôm tương đối cao so với các sản phẩm thịt trong khi các sản phẩm cá đông lạnh dường như là một lựa chọn thay thế hợp lý về hơn. Do vậy, VDSC dự đoán rằng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá phi lê có thể sẽ tăng mạnh.

Hoàng Anh