|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành than “ngóng” đề án tái cơ cấu được phê duyệt

09:04 | 07/01/2017
Chia sẻ
Trước những khó khăn hiện tại, ngành than đang mong chờ dự án tái cơ cấu ngành than giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 58 của Thủ tướng Chính phủ được phê duyệt, đồng thời điều lệ ngành được thông qua

Theo số liệu từ Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, năm 2016 là năm khó khăn của ngành than. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ ban ngành và chính quyền địa phương tỉnh Quảng Ninh đã giúp ngành đạt được kết quả “đáng yên tâm”.

Theo ông Chuẩn, doanh thu ngành than giảm 5% trong năm 2016, nhưng đóng góp cho nhà nước vẫn tăng 1.500 tỷ đồng.

Trung bình, lao động ngành than nhận lương 8,5 triệu đồng/tháng. Riêng công nhân hầm lò, những người trực tiếp khai thác than, mức lương bình quân là 11,5 triệu đồng.

Trong năm 2016, ngành than đã chủ động khống chế sản lượng để có lượng tồn kho hợp lý. 9 tháng đầu năm 2016, lượng than tồn kho lên tới 11 triệu tấn, cao hơn 3 triệu tấn so với tồn kho trung bình. Tuy nhiên, tính đến cuối năm, mức tồn chỉ còn hơn 10 triệu. Sở dĩ, ngành than không dám điều chỉnh cục bộ bởi sợ ảnh hưởng tới đời sống của công nhân.

Ngành than hiện cũng đang nỗ lực tiết kiệm chi phí. Đầu tư được rà soát và tiết giảm những dự án không cần thiết. Nhiều dự án trọng điểm được đưa vào hoạt động, khoa học công nghệ, quản trị doanh nghiệp, tài nguyên và đầu tư được áp dụng vào hoạt động ngành. Tái cơ cấu ngành than cơ bản được hoàn thành. Đến thời điểm hiện tại, 61/79 doanh nghiệp của ngành đã được cổ phần hóa, vốn nhà nước chiếm khoảng 46%.

Trước những khó khăn, tồn tại của năm 2016, lãnh đạo ngành than mong muốn bộ Công thương cùng các đơn vị liên quan thực hiện các cơ chế ưu đãi để đảm bảo ngành than phát triển tốt trong năm 2017.

Thứ nhất, đề nghị chính phủ và các bộ, ban, ngành điều hành cung cầu của thị trường than Việt Nam, ưu tiên sử dụng than do trong nước sản xuất. Với sản lượng dư thừa nhu cầu trong nước, ngành than xin được xuất khẩu.

Thứ hai, sớm phê duyệt tái cơ cấu ngành than giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 58 của Thủ tướng Chính phủ đồng thời phê duyệt điều lệ ngành.

Thứ ba, đưa ra cơ chế, chính sách để ngành than có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực.

Thứ tư, đề nghị có cơ chế đặc thù cho ngành.

Trước đề nghị của ngành than, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định bộ nhiều lần nhắc tới cơ chế cho ngành than ở các cuộc họp. Tuy nhiên, ngoài việc hỗ trợ từ chính sách, bản thân ngành than cũng cần đẩy mạnh việc tự lực trong một số vấn đề đặc thù.

Nguyên Hồng