|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ngành Robot Trung Quốc: 'Cậu ấm'...lớn mà không mạnh!

09:24 | 25/07/2019
Chia sẻ
Bắc Kinh đặt mục tiêu 70% số robot hoàn toàn được sản xuất trong nước vào năm 2025 bằng việc đẩy mạnh chi tiêu trong ngành công nghệ.
Ngành Robot Trung Quốc: "Cậu ấm"...lớn mà không mạnh! | Quốc tế - Ảnh 1.

Trung Quốc đang nỗ lực trở thành "thủ phủ" sản xuất robot của thế giới

Trung Quốc đang "phóng hết tốc lực" hướng đến một tương lai tràn ngập robot để không chỉ làm thay đổi nền kinh tế của mình mà còn chuyển đổi thành "thủ phủ" robot của thế giới, vượt mặt Nhật, Đức và Mỹ trong lĩnh vực này.

Trong lĩnh vực chế tạo robot, một trong 10 ngành công nghiệp chủ chốt trong sáng kiến "Made in China 2025" của chính quyền Trung Quốc Tập Cận Bình, việc trợ cấp từ khu vực nhà nước được các doanh nghiệp hưởng ứng nồng nhiệt và được xem là điều kiện cần thiết để các công ty Trung Quốc nhanh chóng chiếm ưu thế khi phải cạnh tranh với đối thủ.

Theo đó, nguồn tiền đầu tư của Trung Quốc vào các công ty khởi nghiệp công nghệ Mỹ đã tăng từ 2,3 tỷ USD trong năm 2014 lên gần 10 tỷ USD trong năm 2015 - gấp hơn bốn lần.

Sự phát triển của lĩnh vực chế tạo robot của Trung Quốc được đánh giá là "thần tốc'. 

Theo Hiệp hội Robot quốc tế (IFR), Trung Quốc đang có thị trường robot trị giá khoảng hơn 30 tỷ USD và là nhà sản xuất robot công nghiệp lớn nhất thế giới. Hiện tại, nước này cũng đứng đầu về thị trường kinh doanh robot công nghiệp, trong khi Hàn Quốc và Nhật Bản lần lượt đứng thứ hai và ba.

Sun Kai, giám đốc công nghệ của Bắc Kinh Elite Technology, một nhà sản xuất robot tư nhân đã nói rằng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này hoàn toàn muốn chính phủ Trung Quốc hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho ngành công nghiệp.

"Tôi chắc chắn có rất nhiều nhà sản xuất ở Trung Quốc đang tập trung vào việc vượt mặt Mỹ. Nhưng mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là trở nên tự túc hoàn toàn trong việc sản xuất robot", ông Sun cho biết. 

Mặc dù không công bố mức trợ cấp, nhưng ông Sun thông tin thêm, khoản trợ cấp của chính phủ Trung Quốc chiếm 10% ngân sách của công ty.

Có thể thấy, ngay sau khi Bắc Kinh khởi đông sáng kiến "Made in China" vào năm 2015, việc trợ cấp cho lĩnh vực này được tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau. 

Thống kê của Liên minh Công nghiệp Robot Trung Quốc, chỉ riêng trong năm 2014 và 2015, hơn 36 thành phố của Trung Quốc đã đưa ra tổng cộng 77 chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực này.

Tại Tô Châu, chính quyền thành phố đã công bố kế hoạch tài trợ hai năm vào năm 2016 cho các thiết bị thông minh và internet. Theo đó 500 triệu CNY (khoảng 72 triệu USD) sẽ được dùng vào việc giúp các nhà sản xuất nâng cấp dây chuyền sản xuất.

Điều này dẫn đến một loạt các công ty trong lĩnh vực này, bao gồm các công ty khởi nghiệp thuộc khu vực tư nhân cho đến các tập đoàn sản xuất quy mô lớn đã mở hàng loạt các công ty con và xưởng sản xuất để chế tạo robot công nghiệp và các thiết bị thông minh khác.

Mặc dù vậy, sau khi Tổng thống Mỹ tiến hành việc áp thuế để ngăn chặn việc trợ cấp của chính phủ Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng, Bắc Kinh đã dần hạn chế hành động này. 

Cùng với đó, sự suy giảm nhu cầu toàn cầu buộc sản xuất robot công nghiệp giảm lượng sản xuất trong các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, ngành công nghiệp robot của Trung Quốc vẫn đang tụt lại phía sau so với châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Hầu hết các công ty robot nhắm vào thị trường cao cấp đang phải đối mặt với áp lực tài chính lớn, chủ yếu là từ chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển.

Trung Quốc sẽ không từ bỏ tham vọng trợ cấp cho ngành sản xuất robot cho đến khi đất nước này vượt qua đối thủ khác

Zhu Sendi, thành viên của Ủy ban Cố vấn Chiến lược Sản xuất Quốc gia cho rằng, trong khi Trung Quốc nỗ lực trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới, Mỹ sẽ nhanh chóng bắt kịp nhờ tính năng động và sáng tạo.

"Trung Quốc nên xem xét lại chiến lược làm thế nào để chuyển đổi sản xuất từ lớn sang mạnh. Sản xuất thông minh nên là hướng chính. 

Các doanh nghiệp công nghệ, chính phủ và các nhà khoa học nên hỗ trợ lẫn nhau để vượt qua những khó khăn, cải thiện năng suất của robot, cũng như thúc đẩy sự chuyển đổi của các công ty chế tạo robot", ông nói.

Trên thực tế, ngay cả ở các nền kinh tế thị trường như Mỹ hay các nước châu Âu, họ cũng có các khoản trợ cấp của chính phủ và các chương trình hỗ trợ tài chính trong phát triển công nghệ tiên tiến. 

Trợ cấp và ưu đãi của chính phủ là một sự thúc đẩy quan trọng đối với việc nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, đặc biệt là trong thời kỳ suy thoái và bất ổn kinh tế hiện nay.

Tuy nhiên, vì nỗ lực trở thành cường quốc toàn cầu trong các công nghệ mới, Bắc Kinh dường như ít có khuynh hướng đáp ứng yêu cầu của Mỹ về trợ cấp. 

Do đó, Bắc Kinh sẽ khó dừng lại câu chuyện trợ cấp cho ngành chế tạo robot cho đến khi các doanh nghiệp trong lĩnh vực này có thể đi trước các quốc gia đối thủ khác.

Cẩm Anh

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.