|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngành ngân hàng vẫn ‘khát' người, ồ ạt đăng tuyển hàng nghìn nhân sự

11:13 | 31/08/2019
Chia sẻ
Bước sang quí III, một loạt ngân hàng phát đi thông báo tuyển nhân sự cho nhiều vị trí khác nhau trên cả nước. Qui mô tuyển dụng mỗi đợt tuyển dụng lên đến cả nghìn người.

img20180516161215189

Nhân viên giao dịch tại TPBank (Ảnh: TPBank).

Ngân hàng "cấp tập" tuyển dụng nhân sự

Vừa qua, HDBank đã công bố kế hoạch tuyển dụng 1.000 nhân sự ở mảng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trên cả nước với nhiều chức danh từ quản lí, trưởng bộ phận đến chuyên viên và nhân viên. Đây là một trong những đợt tuyển dụng có qui mô lớn nhất của nhà băng này trong những năm qua.

Hiện ngân hàng mẹ HDBank đang có 6.200 cán bộ nhân viên làm việc trên cả nước. Do đó, nếu tuyển dụng được đủ chỉ tiêu đăng tuyển thì số lượng nhân sự sẽ tăng lên 7.200 người (tương đương tăng 16%).

Cùng với HDBank, một loạt ngân hàng khác cũng đang tung ra những kế hoạch tuyển dụng qui mô lớn. Đơn cử như trường hợp của LienVietPostBank, theo thông tin đăng tuyển trên website, ngân hàng này đang muốn tuyển nhân sự cho hơn 120 vị trí trên khắp cả nước tại nhiều bộ phận khác nhau. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng cho vị trí chuyên viên quan hệ khách hàng là lớn nhất.

Tương tự LienVietPostBank, Nam A Bank cũng đang có nhu cầu tuyển dụng nhân viên cho hơn 100 chức danh trên cả nước bao gồm Phó Giám đốc trung tâm thanh toán, trưởng bộ phận quản lí rủi ro phi tín dụng, chuyên viên quan hệ khách hàng, giao dịch viên, kiểm soát viên, nhân viên bảo vệ...

Tại ACB, nhà băng này cũng đăng tuyển hàng trăm vị trí trên toàn quốc với trọng tâm là khu vực TP HCM và Hà Nội. Trong đó, số lượng nhân sự tuyển cho chức danh quan hệ khách hàng doanh nghiệp và quan hệ khách hàng cá nhân cũng chiếm phần lớn.

Không chỉ các ngân hàng thương mại cổ phần, các nhà băng thuộc nhóm Big4 (4 ngân hàng có gốc Nhà nước Agribank, VietinBank, Vietcombank và BIDV) cũng liên tục đăng tuyển các vị trí khác nhau trên toàn hệ thống.

Mới nhất, VietinBank thông báo tuyển 95 chỉ tiêu tại 15 chi nhánh trên toàn hệ thống theo chương trình tuyển dụng đợt 4 năm 2019 của ngân hàng. Trong đó, 65 chỉ tiêu dành cho các vị trí bán hàng và chỉ có 30 chỉ tiêu dành cho những vị trí khác. Hay như tại Vietcombank, nhà băng này cũng vừa đăng tuyển hàng chục nhận sự cho các vị trí tại hội sở và chi nhánh trên toàn quốc.

Bên cạnh các đợt tuyển dụng được thông báo trên website chính thức, một số lượng không nhỏ các thông tin tuyển dụng nội bộ tại các chi nhánh, phòng giao dịch cũng được đăng tải trên các diễn đàn, mạng xã hội dành cho nhân viên ngành ngân hàng.

Ngành ngân hàng vẫn ‘khát người’, ồ ạt đăng tuyển hàng nghìn nhân sự  - Ảnh 2.

Thông tin tuyển dụng đăng tải trên một diễn đàn dành cho nhân viên và sinh viên ngân hàng (Ảnh chụp màn hình)

Nhu cầu tuyển dụng lao động trong ngành ngân hàng vẫn còn rất lớn

Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quí III/2019 do Ngân hàng Nhà nước thực hiện vào cuối tháng 6 cho thấy có tới 22% tổ chức tín dụng cho biết đang thiếu lao động cần thiết cho nhu cầu công việc hiện tại.

Nhu cầu tuyển dụng lao động của các ngân hàng liên tục gia tăng trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của ngành này có nhiều khởi sắc trong những năm gần đây. Ngoài ra, xu hướng đẩy mạnh hoạt động mạng lưới bán lẻ và tăng cường ảnh hưởng tại khu vực nông thôn tại nhiều ngân hàng cũng làm nhu cầu tuyển dụng nhận sự tăng lên tương ứng.

Theo đó, riêng 6 tháng đầu năm LienVietPostBank đã mở thêm 8 phòng giao dịch mới và 60 phòng giao dịch bưu điện trên toàn quốc. Trong tháng 7 và tháng 8, nhà băng này tiếp tục thành lập thêm 3 chi nhánh tại Hà Nội và hàng chục phòng giao dịch bưu điện khác.

Tương tự, NamABank cũng mở mới 21 chi nhánh và phòng giao dịch trên toàn quốc trong hai quí đầu năm. Tại ACB, tính đến cuối tháng 6, số lượng chi nhánh và phòng giao dịch của ngân hàng đạt 563 đơn vị (tăng 5 đơn vị so với cuối năm 2018).

Chia sẻ về đợt tuyển dụng qui mô lớn 1.000 nhân sự trên toàn quốc, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Khối Nhân sự HDBank cho biết đợt tuyển dụng lớn này nhằm phục vụ cho mở rộng hoạt động kinh doanh cũng như yêu cầu nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. 

HDBank được biết đến là một trong những ngân hàng thương mại có tốc độ tăng trưởng nhanh với qui mô tổng tài sản tăng hơn 22 lần trong 10 năm qua.

Bên cạnh đáp ứng cầu mở rộng mạng lưới hoạt động, hoạt động tuyển dụng nhân sự của các ngân hàng cũng nhằm bù đắp lại lượng nhân viên đã nghỉ việc. 

Theo nhận định của các chuyên gia ngân hàng, dù là ngành có mức thu nhập tương đối cao so với mặt bằng chung tuy nhiên áp lực chỉ tiêu đối với nhân viên ngân hàng hiện nay là rất lớn và đây là nguyên nhân chính khiến nhân sự ngành này luôn "vào ra tấp nập".

Không riêng gì các ngân hàng thương mại cổ phần mà ngay cả ngân hàng thương mại nhà nước cũng áp chỉ tiêu kinh doanh cho từng cán bộ nhân viên, kể cả những bộ phận hỗ trợ giao dịch.

Bên cạnh đó, những lo ngại về rủi ro nghề nghiệp, áp lực công việc và sự cạnh tranh thu hút nhân lực từ nhiều lĩnh vực khác như kinh doanh bất động sản, bảo hiểm với thu nhập hấp dẫn cũng đang là những nguyên nhân khiến nhiều nhân viên ngân hàng quyết định nghỉ việc.

Thống kê từ báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, 6 tháng đầu năm nay đã có hàng nghìn nhân viên ngân hàng bỏ việc.

Trong đó, số lượng nhận viên của VPBank giảm mạnh nhất (gần 2.000 người). Số lượng nhân viên tại ACB đã giảm 505 người trong quí II, hiện số nhân sự cuối tháng 6 chỉ còn lại 10.471 người. So với hồi đầu năm, nhân sự của ACB giảm 168 người.

Còn tại "ông lớn" BIDV, sau khi giảm 108 người trong quí I, số cán bộ nhân viên tại nhà băng này tiếp tục giảm thêm 30 người xuống còn 23.244 nhân viên vào cuối tháng 6.

Quốc Thụy

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.