|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngành ngân hàng góp ý ra sao với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)?

00:30 | 16/10/2022
Chia sẻ
Sáng 14/10, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức tọa đàm góp ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

 Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam).

Trong xu thế hội nhập kinh tế, việc sửa đổi luật là yêu cầu cấp thiết, bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật, đặc biệt là quy định của Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật chuyên ngành. Đồng thời, khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành chính sách pháp luật về đất đai, góp phần đảm an toàn cho hoạt động của các ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, trên cơ sở ý kiến đóng góp của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang sửa đổi và tham gia sửa đổi một số nội dung liên quan so với dự thảo ban đầu như chủ thể sử dụng đất, xử lý tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu, các loại hình bất động sản mới, đăng ký biến động đồng thời về thế chấp quyền sử dụng đất cho các tổ chức nước ngoài vay vốn, tài sản bảo đảm đã hình thành chưa được cấp giấy chứng nhận cầm cố bất động sản…

Tuy nhiên, liên quan đến lĩnh vực ngân hàng (bên nhận tài sản bảo đảm), một số nội dung quy định tại dự thảo của luật vẫn còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động ngân hàng. Do đó, trên cơ sở ý kiến đề nghị của một số tổ chức tín dụng hội viên, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét sửa đổi, bổ sung hoàn thiện dự thảo.

Theo đó, các tổ chức tín dụng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét không quy định chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch là hộ gia đình sử dụng đất tại luật này mà quy định rõ chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch là các thành viên của hộ gia đình.

Trường hợp dự thảo Luật Đất đai vẫn quy định chủ thể sử dụng đất là hộ gia đình thì quy định rõ tại luật này căn cứ xác định hoặc cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xác nhận thành viên hộ gia đình sử dụng đất.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng có ý kiến về xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, trong đó một số cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chưa được quy định tại dự thảo luật này.

Vì vậy, các ngân hàng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung một số quy định tại 42/2017/QH14 để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trong việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ xấu khi 42/2017/QH14 hết hiệu lực thi hành.

Theo đó, quy định rõ về quyền của bên mua khoản nợ được tiếp tục kế thừa, thực hiện quyền, nghĩa vụ của bên bán nợ; trong đó, có quyền nhận tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hoặc tài sản gắn liền với đất hoặc tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Ban pháp chế Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho rằng,  cần làm rõ có tách biệt việc thế chấp tài sản gắn liền với đất và quyền thuê đất trả tiền hằng năm như hai loại tài sản độc lập hay không. Từ đó, các tổ chức tín dụng có cơ sở để nhận thế chấp tài sản.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cho rằng, các trường hợp tài sản gắn liền với đất đã hình thành (xây dựng xong) nhưng chưa được ghi nhận trên giấy chứng nhận. Trên thực tế tồn tại rất nhiều trường hợp nhà ở được xây dựng trên đất ở riêng lẻ của bên vay chưa được ghi nhận trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng thế chấp được công chứng, đăng ký thế chấp chỉ ghi nhận việc thế chấp quyền sử dụng đất, không ghi nhận nhà ở gắn liền với đất.

Thùy Dương