Ngành ngân hàng: Giảm tốc để tăng trưởng bền vững
Ảnh minh họa
Trong báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm 2019, bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán MB (MBS) cho rằng tăng trưởng của các ngân hàng đang giảm tốc và điều này là cần thiết cho sự tăng trưởng bền vững lâu dài.
Cụ thể, tín dụng năm 2019 theo hạn mức Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra hồi đầu năm chỉ ở mức 14%, thấp hơn mục tiêu của năm 2018 (17%). MBS cho rằng, giảm tốc tín dụng ở thời điểm hiện tại là điều cần thiết nhằm cân đối tăng trưởng dài hạn do tỉ lệ tín dụng trên GDP đạt xấp xỉ 130% trong năm 2018, ở mức cao tương đương năm 2011.
Trong các ngân hàng mà MBS theo dõi, tăng trưởng tín dụng cũng được dự phóng ở mức thấp hơn 12,5% (trong khi năm 2018 là 13%).
Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam trong những năm qua
Không chỉ tín dụng giảm tốc, tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng cũng thêm khó khăn khi tỉ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) được dự báo sẽ khó cải thiện trong năm nay.
Cụ thể, MBS cho rằng áp lực cạnh tranh cho vay bán lẻ và áp lực huy động vốn từ nợ thứ cấp, thay đổi Thông tư 36 sẽ khiến NIM sẽ khó cải thiện trong năm 2019. Ngoài ra, nguồn vốn liên ngân hàng giá rẻ cũng sẽ không còn dồi dào do một số biện pháp thắt chặt tiền tệ gần đây, lạm phát cũng đang có xu hướng tăng và lãi suất trái phiếu chính phủ khó giảm sâu cũng sẽ tác động tiêu cực tới NIM của các ngân hàng.
Mặc dù vậy, MBS cho rằng NIM vẫn có thể cải thiện chọn lọc ở một số ngân hàng như MBBank, Vietcombank, Techcombank.
Tại MBBank và Vietcombank, hai ngân hàng này đang có ưu thế cạnh tranh về chi phí vốn thấp nhờ lợi thế riêng biệt và CASA (tỉ lệ tiền gửi không kì hạn) cao. Trong khi đó, Techcombank xây dựng được hệ sinh thái tốt nên cũng huy động được lượng tiền gửi không kỳ hạn dồi dào.
Trong khi đó, VPBank và HDBank là 2 ngân hàng có hoạt động mạnh trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng nên được dự báo khó có khả năng duy trì được NIM cao do tín dụng giảm tốc và lĩnh vực này cũng ngày càng gặp nhiều cạnh lớn tranh hơn.
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng giảm tốc và NIM khó cải thiện, MBS cho rằng triển vọng thu nhập của các nhà băng sẽ phụ thuộc lớn vào thu nhập ngoài lãi và cắt giảm chi phí. Theo đó, các ngân hàng đang có dư địa rất lớn từ mảng Bancassurance bên cạnh việc triển khai các chương trình phí dịch vụ mới và sự đẩy mạnh hoạt động ngân hàng bán lẻ và ngân hàng số.
Bên cạnh các triển vọng, bộ phận phân tích MBS cũng bày tỏ sự lo ngại khi tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng sau khi cộng thêm lượng trái phiếu VAMC không giảm đáng kể trong năm 2018 và khả năng xử lý nợ xấu trong năm nay có thể khó khăn hơn bởi những diễn biến không tốt từ thị trường bất động sản.
Nguồn: MBS