|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng nào mạnh tay rót vốn vào các dự án năng lượng tái tạo?

14:52 | 24/06/2019
Chia sẻ
Trong khi tín dụng dành cho bất động sản, chứng khoán ngày càng bị siết chặt, thì NHNN đang khuyến khích các ngân hàng đẩy mạnh rót vốn vào dự án xanh, các lĩnh vực năng lượng tái tạo, các dự án thân thiện với môi trường và phục vụ sự phát triển bền vững.

Tiềm năng phát triển NLTT lớn

Hiện nay nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng xanh mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu, dù thị trường này, đặc biệt là năng lượng tái tạo (NLTT) Việt Nam được xem là khá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ vai trò của tín dụng xanh đối với sự phát triển bền vững của xã hội. Khi các vấn đề an ninh năng lượng trở nên cấp thiết, vai trò của các tổ chức tín dụng (TCTD) ngày càng rõ nét. 

Ngành ngân hàng phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% ngân hàng xây dựng được qui định nội bộ về quản lí và đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Trong đó, 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh.

Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết theo thống kê từ Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ, tổng chi phí đầu tư vào tài chính xanh của Việt Nam đến năm 2020 vào gần 30.730 triệu USD. Trong đó, nhu cầu về điện cần nguồn vốn đầu tư lớn nhất là 27.625 triệu USD, chiếm gần 90% tổng nhu cầu tài chính về NLTT của nước ta.

nlx

Nhu cầu đầu tư năng lượng xanh (Nguồn: Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ thống kê từ Bộ KHĐT)

Nói về NLTT điện, Chính phủ Việt Nam đang rất quan tâm và khuyến khích bằng nhiều chính sách ưu đãi nhằm mục tiêu phát triển 18.000 MW (điện gió và điện mặt trời) đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành trung tâm NLTT của khu vực Đông Nam Á. Đó là lí do vì sao các dự án điện mặt trời được các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng hết sức chú trọng trong thời gian gần đây.

Tiềm năng để phát triển ngành NLTT này của Việt Nam được đánh giá là rất lớn và thị trường này cũng là mục tiêu dài hạn trong cơ chế khuyến khích của Chính phủ cũng như NHNN trong việc hỗ trợ tín dụng. Vậy, đã có bao nhiêu dự án NLTT tiếp cận được nguồn vốn đầu tư từ ngân hàng?

Ngân hàng nào đã mạnh tay rót vốn?

Thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng năng lượng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Theo đó, các ngân hàng thương mại (NHTM) điều chỉnh tập trung nguồn lực của mình để cấp tín dụng cho các dự án thân thiện với môi trường và xã hội.

nltt2

Dư nợ tín dụng xanh tính đến quí III/2018 (Nguồn: NHNN)

Theo số liệu của NHNN, dư nợ tín dụng xanh đang có xu hướng tăng nhanh thời gian gần đây. Cụ thể, cho đến giữa năm 2018, dư nợ tín dụng cho các dự án năng lượng tái tạo chỉ duy trì ở mức quanh 188.000 tỉ đồng, thì đến quí III/2018 dư nợ tín dụng cho lĩnh vực này  đã tăng lên đến 235.717 tỉ đồng, tăng 25,29% so với quí trước.

Rõ ràng, các NHTM đã chủ động và mạnh tay hơn trong việc đầu tư cho các dự án phát triển bền vững xã hội, cụ thể là các dự án điện.

Hiện đã có một số dự án NLTT được đầu tư và hợp tác đầu tư bởi các NHTM và tổ chức quốc tế với các gói tín dụng riêng. Dưới đây là thống kê các dự án NLTT được ngân hàng cấp vốn trong hơn một năm trở lại đây.

Thời gianNHTMDự ánĐối tácHạn mức đầu tưĐịa điểm
9/2018VietcombankNhà máy điện mặt trời Srêpok 1CTCP Đầu tư và Phát triển điện Đại Hải1.000 tỉ đồngThủ Thiêm
10/2018Nhà máy điện mặt trời BP Solar 1CTCP BP Solar785 tỉ đồngNinh Thuận
10/2018VietinBankDự án điện mặt trời TTC 01CTCP Đầu tư Năng lượng Xanh TTC1.000 tỉ đồngTây Ninh
8/2018AgribankNhà máy điện mặt trời Phong ĐiềnCTCP Điện Gia Lai (GEC)490 tỉ đồngHuế
9/2018AgribankHệ thống điện mặt trời cho cây thanh longCTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp & Trung tâm Ứng dụng công nghệ môi trườngBình Thuận
10/2018AgribankDự án điện mặt trời Long ThànhCông ty TNHH Long Thành Đắk Lắk 1950 tỉ đồngĐắk Lắk
3/2019BIDVNhà máy điện mặt trời Cát HiệpTập đoàn Quadran International (Pháp) & Tập đoàn Trường Thành Việt Nam37 triệu USDBình Định
12/2018HDBankDự án điện mặt trời Sao MaiCông ty Cổ phần tập đoàn Sao Mai1.400 tỉ đồngAn Giang
Dự án điện mặt trời FujiwaraCông ty TNHH Fujiwara Bình Định840 tỉ đồngBình Định
Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy điện mặt trờiCông ty Cổ phần Điện Mặt Trời Mỹ Sơn – Hoàn Lộc Việt760 tỉ đồngNinh Thuận
4/2019Nam A BankDự án thúc đẩy giảm khí CO2 và dự án tiết kiệm 20% nhu cầu năng lượngQuỹ hợp tác khí hậu toàn cầu GCPFGói lãi suất ưu đãi từ 7%/năm đến 24 tháng

Nguồn: NH tổng hợp

Trong số các NHTM trên, Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) là TCTD mạnh tay nhất trong việc rót vốn vào các dự án. Nhà băng này đã dành 7.000 tỉ đồng cho các kế hoạch điện mặt trời nối lưới trong dự án phát triển lưới điện quốc gia. Trong đó khoảng 3.000 tỉ đồng đã được kí kết cấp tín dụng thành công cho 3 dự án điện ở An Giang, Ninh Thuận và Bình Định.

Cơ hội và thách thức

Có thể nói, tín dụng xanh là xu hướng chung của tương lai, được ưu tiên phát triển nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức khi những dự án xanh còn khá mới, các TCTD trong nước còn thiếu kinh nghiệm với phương án vay này.

Dù tiến độ hỗ trợ tín dụng từ các NHTM cho các dự án NLTT đang có dấu hiệu tích cực, nhưng vẫn có không ít ý kiến cho rằng nguồn vốn ngân hàng trong nước vẫn chưa được tiếp cận tối đa với một số nguyên nhân được đưa ra.

Thứ nhất, do nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn, trung hạn mà đầu tư cho dự án NLTT lại đòi hỏi dài hạn.

Thứ hai, theo nhiều chủ đầu tư, khả năng thẩm định dự án và sự hiểu biết của các TCTD trong nước về dự án NLTT vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, họ thường tìm đến các nhà đầu tư nước ngoài - những người hiểu được tính khả thi của NLTT, bên cạnh vốn tự có, để hợp tác trong giai đoạn sơ khởi trước khi tìm tới ngân hàng.

Điều này cũng đòi hỏi các doanh nghiệp và chủ đầu tư dự án cần chia sẻ rõ ràng lộ trình, tiến độ thi công kì vọng và các rủi ro liên quan để ngân hàng có thể nắm được.

Từ góc nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài, rào cản đối với việc phát triển các dự án NLTT ở nước ta nằm ở cả 2 vấn đề chính sách và nguồn vốn. Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), các quĩ cho các dự án xanh như thế này hiện sử dụng ngân sách nhà nước với số vốn điều lệ khá khiêm tốn là 1.000 tỉ đồng (khoảng 50 triệu USD), chưa thể đáp ứng nhu cầu tài chính của các dự án, thậm chí là không đủ trợ giá cho năng lượng gió. 

Thứ ba, ngân sách nhà nước chi cho các dự án xanh bị phân tán quá nhiều. Khuôn khổ chính sách tài chính cho các dự án năng lượng tập trung nhiều ở các chính sách tái cấp vốn, tín dụng, phụ thuộc hành động của toàn bộ khu vực tài chính ngân hàng.

Trước thực trạng này, các chuyên gia quốc tế khuyến nghị Việt Nam cần hài hoà các chính sách tài chính, môi trường để cho phép mức giá hợp lý hơn, xây dựng các quĩ đầu tư lĩnh vực này, phát triển các công cụ tài chính mới như trái phiếu xanh.

Năm 2016, Chính phủ đã hai lần thí điểm phát hành trái phiếu xanh: 4 triệu USD được Vũng Tàu phát hành cho dự án cấp nước và 23 triệu USD được TP HCM phát hành cho các dự án cấp nước và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên những con số này chỉ là "muối bỏ bể" so với qui mô của thị trường trái phiếu xanh quốc tế.

Chia sẻ với tờ Thời báo Ngân hàng, lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, NHNN sẽ sớm xây dựng và hoàn thiện Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cho 11 ngành kinh tế, nhằm tập trung cấp tín dụng cho các dự án xanh. 


Ngọc Huyền