Ngành nào sẽ là điểm sáng tăng trưởng trong năm 2023?
Áp lực trong môi trường lãi suất cao, suy thoái kinh tế
Theo báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán 2023 của FiinGroup, các “ngôi sao” tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm 2022 gồm phân bón, hoá chất, thuỷ sản, hàng cá nhân, dầu khí, logistic, may mặc sẽ phải đối mặt với nhiều bất lợi trong năm 2023.
Môi trường lãi suất cao vẫn là điểm trừ đối với triển vọng lợi nhuận các ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu, trong đó có CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ). Công ty dự kiến gặp khó trong nửa đầu năm 2023 do môi trường lãi suất cao và cầu tiêu dùng chững lại.
Ngoài ra, rủi ro suy giảm mạnh còn xuất hiện ở ngành hưởng lợi từ đứt gãy chuỗi cung ứng như hóa chất, phân bón, thủy sản và logistics khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế (LNST) tăng cao hơn so với mặt bằng chung trong 9 tháng năm 2022 nhưng tốc độ tăng trưởng quý III/2022 đã chậm lại đáng kể so với nửa đầu năm.
Ngoài ra, FiinGroup còn cho rằng rủi ro suy thoái ở các nền kinh tế lớn khiến lượng đơn đặt hàng giảm mạnh, kéo giá hàng hóa tiếp tục đi xuống sẽ là trở ngại cho tăng trưởng lợi nhuận của các nhóm ngành này trong các quý tới.
Bất động sản, nhóm phụ trợ tiếp tục gặp khó
Bất động sản (BĐS) và nhóm phụ trợ (xây dựng dân dụng, thép) là hai nhóm ngành tiếp theo mà Fiin Group dự báo tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2023.
Trong đó, ngành BĐS nhà ở, đóng góp 8% tổng lợi nhuận sau thuế, 10% tổng vốn hóa toàn thị trường, đang ở trong chu kỳ đi xuống với triển vọng ngắn và trung hạn kém tích cực.
Nguyên nhân là do các yếu tố đang gây áp lực lên triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp BĐS như: Tín dụng bị thắt chặt, Hoạt động huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp gần như bị đóng băng sau sự kiện Vạn Thịnh Phát, Mở bán và triển khai dự án bị ách tắc do vấn đề pháp lý, Môi trường lãi suất cao khiến chi phí vốn tăng lên và làm giảm nhu cầu mua nhà; Chi phí triển khai dự án tăng do áp dụng khung thuế đất mới.
FiinGroup đánh giá, điểm tích cực là nguồn cung căn hộ sơ cấp cải thiện ở TP HCM và vùng phụ cận trong tháng 10/2022. Tuy nhiên, tỷ lệ hấp thụ tiếp tục giảm trong môi trường lãi vay tăng lên là tín hiệu đáng lo ngại về dòng tiền cho các doanh nghiệp BĐS, đặc biệt là ở các doanh nghiệp đang gặp áp lực về đáo hạn trái phiếu hoặc gánh nặng lãi, nợ vay, bao gồm các doanh nghiệp có mã cổ phiếu NVL, PDR, HPX, VPI.
Thông thường, khi diễn biến bất lợi ở thị trường BĐS sẽ tác động đến tăng trưởng lợi nhuận của nhiều nhóm ngành khác trong chuỗi cung ứng như xây dựng, thép. Hàng tiêu dùng không thiết yếu bao gồm các sản phẩm điện gia dụng như điều hòa, tivi, tủ lạnh.
Theo các chuyên gia phân tích, sau đợt điều chỉnh mạnh về giá, định giá của ngành BĐS, chủ yếu chịu ảnh hưởng bởi một số doanh nghiệp đầu ngành có mã cổ phiếu như VIC, VHM, NVL đang ở vùng rất thấp cho giai đoạn từ năm 2019 đến nay với P/B của ngành hiện ở mức 1,6x, giảm 44% so với đầu năm 2022. Tuy nhiên, triển vọng lợi nhuận kém tích cực khiến cổ phiếu BĐS đang không hấp dẫn dòng tiền.
Ngành nào được hưởng lợi trong năm 2023?
Đơn vị phân tích cho rằng, điểm sáng về tăng trưởng năm 2023 sẽ là ngành dược phẩm, điện (nhiệt điện), nước, công nghệ thông tin. Vì các ngành này ít ảnh hưởng bởi môi trường lãi suất cao.
Với ngành điện, hiện tượng thời tiết La Nina dự kiến kéo dài đến hết tháng 2/2023 là điểm cộng lớn cho triển vọng lợi nhuận nhóm nhiệt điện (điện khí và điện than) và là điểm trừ cho nhóm thủy điện.
Ngoài ra, giá điện trên thị trường cạnh tranh dự kiến duy trì ở mức cao do chi phí đầu vào tăng lên và không còn phải cạnh tranh với nguồn thủy điện có giá chào bán thấp khi chu kỳ La Nina kết thúc. Fiin Group dự báo, các doanh nghiệp có mã cổ phiếu QTP, HND, NT2 sẽ có triển vọng lợi nhuận tích cực trong năm 2023.
Đối với ngành dược phẩm, tốc độ tăng trưởng về LNST chưa thật sự đột phá trong quý III/2022, chủ yếu do hoạt động đấu thầu mua sắm thuốc và vật tư ở các bệnh viện công gặp khó.
Kỳ vọng doanh thu từ kênh bệnh viện hồi phục mạnh được xem là động lực tăng trưởng cho ngành trong năm 2023, đặc biệt là các doanh nghiệp có mã cổ phiếu như IMP, DTP, PBC, DHT.
Theo FiinGroup, mặc dù đây là ngành mà hoạt động kinh doanh ít chịu ảnh hưởng trong môi trường lãi suất cao nhưng trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu dược phẩm gần như không được dòng tiền chú ý do thanh khoản kém với tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng thấp.