Ngành lâm nghiệp từ vị trí an sinh đến xuất khẩu chủ lực
Nhân ngày truyền thống ngành Lâm nghiệp Việt Nam (28/11/1959 - 28/11/2018), NNVN có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị về những bước chuyển mình mạnh mẽ của ngành trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp. Ảnh: VGP/Đỗ Hương. |
Ông có thể cho biết bối cảnh ngành Lâm nghiệp cách đây 5 năm như thế nào khi chúng ta bắt tay vào thực hiện tái cơ cấu?
Trong giai đoạn trước, ngành lâm nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như tốc độ tăng trưởng chậm, chưa bền vững, hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh thấp, công tác bảo vệ rừng, PCCCR gặp nhiều khó khăn, đặc biệt thu nhập của người dân tham gia nghề rừng còn thấp.
Từ thực tế đó, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI về đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế cộng Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Bộ NN-PTNT đã ban hành và quyết liệt triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp tại Quyết định số 1565/QĐ-BNN-TCLN ngày 08/7/2013.
Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp đặt ra mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh. Theo đó, ngành đã xác định và ban hành bốn kế hoạch hành động trên bốn lĩnh vực trọng tâm. Đó là: Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất; Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; Phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp; Phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ.
Vậy kết quả đạt được sau 5 năm tái cơ cấu của ngành đến thời điểm này ra sao thưa ông?
Từ 2013 đến nay, giá trị sản xuất Lâm nghiệp tăng bình quân 7,29%/năm so với 4,82%/năm trong giai đoạn 2008 - 2012.
Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt bình quân 8,46%/năm, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt 8,03 tỷ USD và 11 tháng đầu năm 2018 ước đạt 8,49 tỷ USD, cả năm dự kiến đạt trên 9 tỷ USD.
Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng 5 năm qua đã tăng hơn 3,3 lần, từ 8 triệu m3 năm 2013 lên 18 triệu m3 năm 2017. Năm 2019 ước đạt 18,5 - 19 triệu m3. Nguyên liệu gỗ sản xuất trong nước cung cấp cho chế biến đã tăng từ 66% năm 2012 lên khoảng 80% năm 2017.
Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tăng từ 40,7% năm 2012 lên 41,45% năm 2017, năm 2018 ước đạt 41,65%.
Trong 5 năm qua, ngành đã tập trung thực hiện các giải pháp bảo vệ và chăm sóc rừng, đã tuyên truyền và hướng dẫn người dân chuyển từ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Bình quân hàng năm cả nước trồng được 235.000ha rừng tập trung, trong đó trên 90% là rừng sản xuất.
Tỷ lệ diện tích rừng trồng từ nguồn giống có kiểm soát và chứng nhận nguồn gốc lô cây con đạt 85%, tăng 15% so với năm 2013.
Những điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh nước ta đang phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu và yêu cầu về nguyên liệu gỗ cho chế biến sâu ngày càng lớn.
Được xác định là một trong những ngành chủ lực của Việt Nam, kinh tế rừng không chỉ đem lại những lợi ích to lớn về kinh tế mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với xã hội và môi trường, ông có thể cho biết các mục tiêu lộ trình tiếp theo của ngành Lâm nghiệp?
Phải khẳng định Lâm nghiệp chính là một ngành kinh tế vì môi trường. Nhu cầu của ngành công nghiệp chế biến gỗ đã đặt ra yêu cầu phát triển vùng trồng rừng nguyên liệu. Với việc phát triển trồng rừng sản xuất, bình quân mỗi năm ngành Lâm nghiệp đã góp phần phủ xanh thêm diện tích trên 200 nghìn ha rừng, đó là chưa kể diện tích trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng cây phân tán.
Việt Nam vươn lên thứ 1 Asean, thứ 2 Asia và thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ. |
Như vậy, tính trong chu kỳ trồng rừng sản xuất, nếu chu kỳ trồng rừng ngắn 6 - 7 năm, thì chắc chắn sẽ có 5 - 6 năm rừng phủ xanh cho đất, chỉ mất 1 -2 năm là khai thác và trồng mới. Hơn nữa, hiện nay Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp đang khuyến khích trồng rừng thâm canh gỗ lớn, kéo dài chu kỳ khai thác. Điều này đồng nghĩa với việc thời gian phủ xanh cho đất càng tăng lên, tỷ lệ che phủ rừng tăng lên, lượng phát thải khí nhà kính giảm xuống, chống xói mòn, rửa trôi và phòng ngừa thiên tai.
Bên cạnh đó, xu hướng trồng rừng theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững đang được áp dụng ngày càng sâu rộng. Quản lý rừng bền vững sẽ góp phần tạo ra những khu rừng bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó có những tiêu chuẩn rất khắt khe về việc bảo đảm kinh doanh rừng lâu dài, liên tục và đạt hiệu quả kinh tế cao; duy trì, phát triển giá trị đa dạng sinh học, khả năng phòng hộ của rừng, bảo vệ môi trường sinh thái…
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là một trong 10 thành tựu nổi bật của ngành lâm nghiệp giai đoạn 2010 - 2015. Cơ chế chi trả DVMTR đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng, là một nguồn thu quan trọng góp phần thúc đẩy ngành Lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Xin cảm ơn ông!
“Nếu như trước đây Luật Bảo vệ và Phát triển rừng xác định Lâm nghiệp là ngành nghề mang tính chất an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, thì nay theo Luật Lâm nghiệp, ngành Lâm nghiệp được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, cực kỳ quan trọng trong việc phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội của đất nước, một sự ghi nhận và thay đổi mang tính bước ngoặt với ngành Lâm nghiệp Việt Nam”, Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Trị. |
“Năm 2017, ngành Lâm nghiệp đã xác lập nên một kỷ lục mới khi ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu đã mang về 8,032 tỷ USD, vượt trước 3 năm so với mục tiêu đề ra của Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020. Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đứng thứ 5 trên thế giới, đứng thứ 2 châu Á và lớn nhất Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ” (Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Trị) |
Xem thêm |