Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu gỗ và lâm sản vượt mốc 9 tỷ USD
Xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản năm 2018 có thể vượt đích 9 tỷ USD |
Tăng trưởng nhanh, bền vững
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu, ngành Lâm nghiệp với sự đồng hành, nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và nông dân, đã đạt được nhiều kết quả rõ nét, bứt phá và khả quan.
Hiệu quả hoạt động của ngành và thu nhập, đời sống của người dân đã được nâng cao. Lâm nghiệp phát triển nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường, khẳng định vị thế là một ngành kinh tế vì môi trường.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng nhanh, giai đoạn 2010 - 2013 bình quân là 4,82%, đến giai đoạn 2013 - 2018, trị số này đã đạt bình quân 6,5 %/năm, vượt mục tiêu đề ra hơn 2 %.
Diện tích rừng tăng đều và ổn định, từ trên 12,3 triệu ha với độ che phủ rừng 37% năm 2004 tăng lên trên 14 triệu ha với độ che phủ rừng 40,84% năm 2015, đến năm 2017 đã đạt 41,45% và năm 2018 ước đạt 41,65%.
Năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng không ngừng được nâng lên. Đến năm 2017, tổng diện tích rừng trồng gỗ lớn của cả nước đạt 130 ngàn ha, chiếm 3,65% diện tích rừng trồng cả nước. Hàng năm ngành lâm nghiệp đã góp phần phủ xanh thêm diện tích trên 235 ngàn ha rừng tập trung, trong đó trên 90% là rừng sản xuất.
Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng 5 năm qua đã tăng hơn 2,25 lần, từ 8 triệu m3 năm 2013 lên 18 triệu m3 năm 2017. Tỷ trọng nguyên liệu gỗ sản xuất trong nước cung cấp cho công nghiệp chế biến đã tăng từ 66% năm 2012 lên khoảng 80% năm 2017.
Cùng đó, công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển mạnh với nhiều thành phần kinh tế, với trên 15.400 cơ sở kinh doanh gỗ và sản phẩm gỗ. Ngoài ra có hơn 340 làng nghề, mỗi năm tiêu thụ 4 triệu m3 gỗ nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm cung cấp cho thị trường nội địa... Đến năm 2017, tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là gần 220.000 ha, chiếm 3,38% trong tổng số rừng sản xuất của cả nước.
Mở cửa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu
Theo ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), năm 2018 là năm tiếp tục thành công của ngành Lâm nghiệp trong việc tháo gỡ các rào cản, thúc đẩy mở cửa các thị trường xuất, nhập khẩu gỗ.
Đến nay, ngành đã có sự hợp tác với 28 đầu mối và tổ chức lâm nghiệp quốc tế, trong đó có 2 Công ước và nhiều Hiệp định, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên diễn đàn quốc tế. Đặc biệt, ngày 19/10/2018, tại Brussel (Bỉ), Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã ký Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT).
“Hiệp định này là sự ghi nhận nỗ lực không mệt mỏi, là sự thừa nhận vị thế và uy tín của Lâm nghiệp Việt Nam, nó thúc đẩy và hỗ trợ tiến trình phát triển đang lên của ngành lâm nghiệp. Thực thi hiệp định cũng là sự kết nối hơn 3 triệu ha rừng trồng là rừng sản xuất cùng đông đảo lực lượng chủ rừng và doanh nghiệp ở Việt Nam với chuỗi giá trị toàn cầu kỹ tính và có đẳng cấp để tạo nguồn thu bền vững, tăng giá trị gia tăng và có hiệu quả cao cho chủ rừng, người dân, doanh nghiệp của nước ta” -ông Điển nói.
Theo lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2017, ngành Lâm nghiệp đã xác lập một kỷ lục mới khi ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu đã mang về trên 8 tỷ USD, vượt trước 3 năm so với mục tiêu đề ra của Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020. Việt Nam cũng đã vươn lên trở thành nước đứng thứ 5 trên thế giới, đứng thứ 2 châu Á và lớn nhất ASEAN về xuất khẩu gỗ.
Từ Hiệp định VPA/FLEGT, uy tín và hình ảnh ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam trên toàn cầu được nâng lên. Ngoài EU, ngành gỗ Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng các thị trường khác như Canada, Nga, Anh, Úc, Nhật Bản, góp phần thực hiện mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt từ 12-13 tỷ USD vào năm 2020, vươn lên đứng thứ 4 thế giới.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, cơ cấu hưởng lợi từ rừng có sự chuyển dịch bứt phá là một trong những điểm sáng của quá trình tái cơ cấu ngành. Việc khai thác gỗ từ rừng tự nhiên đã dừng lại, thay vào đó là nguồn thu hàng năm từ lâm sản ngoài gỗ (ước tính trên 1,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ đạt trên 330 triệu USD/năm); thu từ gỗ rừng trồng sản xuất (nguồn thu chính) và thu từ dịch vụ môi trường rừng (giai đoạn 2011-2017 đạt trên 8.000 tỷ đồng). |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/