Ngành lâm nghiệp phải đạt không dưới 12 tỉ USD giá trị xuất khẩu
Sáng nay, ngày 10/7 tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển cho biết, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 2,16%.
Tính đến ngày 30/6, cả nước đã trồng 106.300 ha rừng tập trung, đạt 48,3% kế hoạch năm, tăng 0,2% so với cùng kì năm 2019. Ước cả năm đạt khoảng 220.000 ha, đạt 100% kế hoạch năm. Tỉ lệ diện tích rừng trồng từ nguồn giống có kiểm soát và chứng nhận đạt 85%.
Giá trị xuất khẩu lâm sản trong 6 tháng đầu năm ước đạt trên 5,3 tỉ USD, tăng 2,7% so với cùng kì năm 2019; ước cả năm đạt 11,75 - 12 tỉ USD. Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 1,12 tỉ USD, giảm 8,8% so cùng kì 2019.
Dự báo giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm đạt khoảng 2,55 tỉ USD, tương đương năm 2019. Trong bối cảnh dịch COVID-19, trị giá hàng xuất khẩu vẫn tăng 2,7% góp phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Điển cho biết vẫn còn một số khó khăn, hạn chế . Cụ thể như, hoạt động đấu tranh, ngăn chặn vi phạm tại các điểm nóng về bảo vệ rừng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Một bộ phận lớn lao động phổ thông không có việc làm đã trở về địa phương và tìm kiếm nguồn thu từ việc khai thác rừng trái pháp luật.
Mặt khác, do nắng nóng gay gắt, hanh khô, hạn hán kéo dài nhiều ngày đúng vào mùa làm nương rẫy nên đã xảy ra một số vụ cháy rừng, có thiệt hại về rừng. Cùng với đó, ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thời tiết khô hạn, nắng nóng cũng gây ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng của một số địa phương.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, 6 tháng đầu năm 2020 thị trường thế giới khó khăn như vậy, nhưng kim ngạch xuất khẩu lâm sản vẫn tăng so với cùng kì năm 2019.
Về con số dự báo xuất khẩu của cả năm, dù Tổng cục Lâm nghiệp đưa ra con số từ 11,7-12 tỉ USD, tuy nhiên Thứ trưởng đặt ra yêu cầu với ngành lâm nghiệp phải đạt không dưới 12 tỉ USD giá trị xuất khẩu lâm sản để bù đắp vào những phần sụt giảm ở những lĩnh vực khác.
"Toàn ngành cần tiếp tục tập trung, nhìn rõ dư địa lĩnh vực còn khai thác được để đẩy mạnh khai thác, đồng thời cũng phải nhìn rõ cả những hạn chế yếu kém để kịp thời khắc phục. Làm được như vậy mới mong duy trì được đà tăng trưởng", ông Hà Công Tuấn chỉ đạo.
Thứ trưởng Tuấn cũng cho rằng, thời gian tới toàn ngành nông nghiệp nói chung và lâm nghiệp nói riêng phải tập trung vào giải quyết vấn đề thị trường. Bởi nếu mất thị trường quốc tế, xuất khẩu lâm sản sẽ sụt giảm ngay.
Theo đó, ngành lâm nghiệp phải tập trung giải quyết vấn đề này; đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để giải quyết vấn đề tranh chấp thương mại.
Đồng thời, triển khai tích cực Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), nắm bắt đón cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA); có chương trình để truy xuất nguồn gốc…