Ngành du lịch đề xuất giải pháp phục hồi sau dịch bệnh nCoV
Chiều 6/2, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng chủ trì hội nghị ngành du lịch ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra.
Sự kiện do Tổng cục Du lịch tổ chức nhằm lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị liên quan trong toàn ngành về dự thảo Kế hoạch ứng phó của ngành du lịch và các giải pháp để phục hồi sau khi dịch bệnh được khống chế.
Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Chống dịch đồng bộ, quyết liệt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu nhưng phải thúc đẩy, giữ vững phát triển kinh tế, giữ ổn định xã hội, kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh,” Tổng cục Du lịch mong muốn đánh giá khách quan, đầy đủ về diễn biến của dịch bệnh do nCoV; dự báo mức độ thiệt hại, tổn thất với ngành du lịch Việt Nam và đề xuất các giải pháp để nhanh chóng phục hồi hoạt động du lịch sớm nhất ngay sau khi dịch bệnh được khống chế.
Tổng cục Du lịch nhận định sự bùng phát của dịch bệnh do chủng mới của virus corona được dự đoán sẽ gây ra thiệt hại rất lớn đối với du lịch Việt Nam, nhất là sự sụt giảm nặng nề lượng khách du lịch đến từ thị trường Trung Quốc (hiện đang chiếm khoảng trên 30% tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam).
Có thể thấy một số tác động tiêu cực trước mắt đối với ngành du lịch Việt Nam như: Trung Quốc đã hạn chế khách du lịch đi ra nước ngoài; Việt Nam không đưa, đón khách từ vùng dịch, tạm dừng tất cả các lễ hội.
Thêm vào đó, các thị trường quốc tế khác e ngại đến khu vực châu Á; người dân trong nước cũng hạn chế đi du lịch...
Ngành du lịch đã đề xuất các nhóm giải pháp cụ thể về thị trường, quảng bá, xúc tiến du lịch, truyền thông, chính sách hỗ trợ cấp bách và lâu dài.
Về mặt thị trường, Tổng cục Du lịch cho rằng cần đẩy mạnh khai thác các thị trường trọng điểm gần, có kết nối đường bay thuận tiện đang có tốc độ tăng trưởng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và ASEAN; tập trung khai thác thị trường lớn, tiềm năng Ấn Độ. Bên cạnh đó, ngành tăng cường thu hút khách du lịch từ Bắc Mỹ, khai thác mạnh hơn thị trường Mỹ và Canada nhất là khi có đường bay thẳng từ Việt Nam đến Mỹ; duy trì và mở rộng thị trường Tây Âu và Bắc Âu; tăng cường thu hút khách du lịch từ Nga, các nước SNG, các nước Đông Âu; đẩy mạnh khai thác thị trường Australia, New Zealand.
Ngành du lịch tiếp tục tăng cường truyền thông và triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến tại thị trường Trung Quốc sau khi công bố hết dịch.
Mặt khác, toàn ngành cần thúc đẩy thị trường du lịch nội địa, có giải pháp đồng bộ từ việc tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch nội địa; tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành các chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho khách du lịch Việt Nam.
Đối với việc quảng bá, xúc tiến du lịch, ngành du lịch đề xuất nhiều việc, trong đó có cơ cấu lại nguồn lực, thị trường của Chương trình Xúc tiến du lịch quốc gia và Chương trình Hành động quốc gia, ưu tiên kinh phí, tổ chức sớm các thị trường cần thu hút để bù đắp lại thị trường đã mất.
Bên cạnh đó, ngành làm việc với các đối tác, đặc biệt là các hãng hàng không về kế hoạch hợp tác, xúc tiến phục hồi ngành du lịch sau khi dịch bệnh được khống chế; tập trung nguồn lực thực hiện các chiến dịch quảng bá trên các nền tảng truyền hình, mạng xã hội, kênh truyền thông lớn như CNN với nội dung, thông điệp khẳng định năng lực kiểm soát khủng hoảng, nhấn mạnh Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, an toàn đối với du khách…
Ngành du lịch cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về tình hình kiểm soát, khống chế dịch bệnh ở Việt Nam; các biện pháp phòng chống dịch bệnh tái phát, bảo đảm các biện pháp an toàn, vệ sinh dịch bệnh cho khách du lịch; chú trọng truyền thông qua nhiều hình thức (thông tin/thông cáo báo chí, trả lời phỏng vấn báo chí, bản tin điện tử cho báo chí…) tới khách du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, báo chí quốc tế, các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch Việt Nam.
Công tác tuyên truyền cần tập trung về môi trường du lịch, môi trường an ninh y tế đến các thị trường khách quốc tế và trong nước; truyền thông rộng rãi qua nhiều hình thức về việc đảm bảo an toàn khi du lịch tại Việt Nam vì tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát hoặc đã có phương pháp điều trị.
Về giải pháp về chính sách hỗ trợ cấp bách và lâu dài, Tổng cục Du lịch đề xuất cần khẩn trương xây dựng, triển khai thực hiện chương trình kích cầu, giảm giá du lịch để thu hút khách trở lại; đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho phép giảm thuế, giãn thuế, chỉ đạo ngân hàng giảm lãi suất vay đối với doanh nghiệp du lịch (lữ hành, lưu trú, vận chuyển…); đề nghị Chính phủ xem xét khả năng miễn lệ phí, đơn giản thủ tục visa cho khách du lịch trọn gói đi theo đoàn do các công ty lữ hành quốc tế phục vụ, cho phép triển khai cấp visa tại cửa khẩu...
Về lâu dài, ngành du lịch sẽ tổ chức đào tạo nhân lực cho các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp kiến thức xử lý khủng hoảng trong du lịch, khắc phục nhanh hậu quả dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch cần hỗ trợ doanh nghiệp du lịch khảo sát, tuyên truyền quảng bá du lịch tại các thị trường tiềm năng, thị trường du lịch mới, thị trường không bị ảnh hưởng do dịch bệnh để phục vụ phát triển du lịch sau khi dịch được kiểm soát.