Ngành điều có khởi sắc?
Ngành điều được dự báo sẽ khó phục hồi trong tương lai gần. (Ảnh: Chí Nhân) |
Giá tăng nhưng không ổn định
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tháng 1 xuất khẩu hạt điều ước đạt 35.000 tấn, trị giá 286 triệu USD; tăng 3% về lượng và 4% về giá trị với tháng liền kề trước đó (tháng 12.2018). Giá xuất khẩu bình quân trong tháng qua là 8.171 USD/tấn, tăng 1% so với tháng 12.2018.
Nếu nhìn vào con số, ngành điều đang khởi sắc vì thông thường tháng đầu năm thường xuất khẩu chậm hơn và giá cả thấp hơn tháng cuối năm. Nhưng tháng đầu tiên của năm 2019 lượng xuất khẩu lại tăng tới trên 13%, cũng có thể xem là dấu hiệu tích cực trong năm mới. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm trước thì giá hiện tại lại giảm tới trên 20%. Điều này cho thấy thị trường nói chung vẫn còn rất nhiều khó khăn và phải tiếp tục theo dõi các diễn biến tiếp theo. Giá nhích nhẹ trong tháng đầu năm chỉ là sự dao động nhỏ trong biên độ hẹp của thị trường chứ chưa phải là xu hướng. Cục Xuất nhập khẩu cũng đánh giá thị trường điều thế giới không có nhiều biến động. Nhiều quốc gia trồng điều đang vào vụ thu hoạch trong khi nhu cầu chung của thị trường không tăng làm ảnh hưởng lớn đến giá cả. Cụ thể như tại Ấn Độ, quốc gia sản xuất và chế biến điều lớn thứ 2 thế giới sau VN, giá điều cũng có xu hướng giảm.
Năm 2018, dù xuất khẩu điều đạt 391.000 tấn tương đương 3,5 tỉ USD, tăng 7,8% về lượng nhưng lại giảm 3% về giá trị so với năm 2017. Năm qua cũng là thời điểm đánh dấu sự thua lỗ của toàn ngành, thậm chí nhiều doanh nghiệp (DN) phá sản do giá điều nhân thế giới bất ngờ giảm sâu khiến họ không kịp trở tay khi đã nhập nguyên liệu với mức giá cao. Không riêng các DN Việt mà toàn ngành điều trên thế giới đều gặp khó do cung vượt cầu. Chính vì vậy nhiều người trong ngành dự báo sự khởi sắc trong ngắn hạn là rất khó xảy ra.
“Thanh lọc” doanh nghiệp chụp giật
Tuy là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới 13 năm liên tiếp nhưng VN lại phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu, trong nước chỉ đáp ứng được 1/3 năng lực sản xuất của các nhà máy. Thế nên, thách thức lớn nhất của ngành này chính là nguyên liệu sản xuất.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng chúng ta không thể tăng diện tích để đáp ứng hết năng lực sản xuất và nhập khẩu nguyên liệu sản xuất để tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm thì càng tốt. Vấn đề của ngành điều hiện nay cũng giống như ngành sản xuất cá tra trước đây, có quá nhiều DN mà đa số trong đó là các DN nhỏ lẻ làm ăn chụp giật, tranh mua tranh bán. Hiệp hội Điều VN (Vinacas) thừa nhận, do năng lực sản xuất tăng quá nhanh nên các DN tranh mua nguyên liệu đẩy giá lên cao. Giá điều nguyên liệu nhập khẩu bình quân năm 2018 lên tới 1.865 USD/tấn. Đến khi sản xuất ra lại tranh bán để xoay vòng vốn do hoạt động dựa hoàn toàn trên vốn vay nên góp phần kéo giảm giá điều xuất khẩu. Mua nguyên liệu giá cao, bán thành phẩm giá thấp nên lời ít, thậm chí thua lỗ. Cuộc khủng hoảng vừa qua là cơ hội tốt để thanh lọc bớt những DN làm ăn chụp giật, chạy theo phong trào.
Trong khi các nhà sản xuất gặp khó khăn thì các DN nhập khẩu điều thô cũng “kêu trời” vì nhiều đơn vị sản xuất hủy hợp đồng, bỏ cọc để cắt lỗ. Tại cuộc họp tổng kết ngành điều hồi giữa tháng 1 vừa qua, các nhà nhập khẩu thông báo sẽ áp dụng mức tiền cọc tăng từ 10% lên 30% để hạn chế rủi ro. Ở chiều xuất khẩu, Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất chiếm tới 32% thị phần của VN nhưng Mỹ cũng là nước xuất khẩu hạt hạnh nhân (cùng phân khúc với hạt điều, giá rẻ hơn) lớn vào Trung Quốc. Vì vậy, rất có thể cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu hạnh nhân của Mỹ và từ đó tác động dây chuyền tới hạt điều VN. Ngành điều khó càng thêm khó.
Theo ông Nguyễn Minh Họa, Phó chủ tịch Vinacas, trong những năm qua các nước châu Phi đã đầu tư vào sản xuất hạt điều nhưng chưa hiệu quả. Trong vòng ít nhất 5 năm nữa họ vẫn buộc phải xuất khẩu hạt điều thô, trong khi đó VN là nước có năng lực sản xuất lớn nhất và kế đến là Ấn Độ. Hiện nay nguồn cung điều thô cũng được dự báo dồi dào, vậy nên các DN sản xuất điều không nên tranh mua sớm với giá cao mà cần phải bình tĩnh theo dõi thị trường, đoàn kết cùng mua cùng bán để đạt được lợi nhuận cao nhất.