|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành dầu mỏ nín thở trước cơn giận của Iran

07:00 | 06/01/2020
Chia sẻ
Các công ty dầu mỏ ở Trung Đông thắt chặt an ninh khi nhiều dự đoán nói Iran có thể trả đũa vào cơ sở năng lượng của Mỹ và ngược lại.

Các công ty dầu mỏ ở Trung Đông đang thắt chặt an ninh sau khi các quan chức Mỹ nói rằng cơ sở hạ tầng năng lượng của Mỹ ở khu vực này có thể là mục tiêu trả đũa của Iran sau vụ giết chết tướng Qassem Soleimani.

Việc Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad kêu gọi tất cả công dân của họ rời khỏi Iraq dự kiến sẽ ảnh hưởng đến nhân sự của Exxon Mobil. 

Các nhà phân tích nói công ty cần khả năng duy trì sản xuất với công nhân địa phương. Phía công ty thì cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình và có các biện pháp để bảo vệ nhân viên.

Exxon Mobil sản xuất khoảng 400.000 thùng dầu mỗi ngày tại mỏ West Qurna 1 ở Iraq. Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, các cuộc đàm phán giữa Iraq và công ty này để triển khai dự án trị giá khoảng 50 tỷ USD đã bị đình trệ trong nhiều tháng.

Ngành dầu mỏ nín thở trước cơn giận của Iran - Ảnh 1.

Lực lượng an ninh bảo vệ mỏ dầu của Exxon Mobil tại West Qurna 1. Ảnh: Reuters

BP PLC thì từ chối bình luận về an ninh hoặc nhân sự. Công ty này là đối tác mỏ Rumaila ở miền nam Iraq. Tập đoàn Chevron, hoạt động tại Iraq Kurdistan, khu vực cho đến nay không bị ảnh hưởng bởi tình trạng bất ổn, cho biết sự an toàn của con người và hạ tầng là ưu tiên hàng đầu.

Ngay cả trước cuộc tấn công giết tướng Soleimani ở Iraq, các công ty Mỹ đã thực hiện các bước để bảo đảm an toàn cho hạ tầng và công nhân ở Iraq, trong bối cảnh căng thẳng leo thang liên tục.

 Nhà thầu dịch vụ dầu mỏ Baker Hughes tuần trước đã yêu cầu nhân viên Mỹ hạn chế đi đến Iraq sau khi các quan chức ở Washington khuyến nghị các rủi ro an ninh tăng cao.

Các quan chức tại Saudi Arabia và UAE cho biết các công ty dầu khí ở đó đã đặt hoạt động trong tình trạng báo động cao. Các nguồn tin cho biết, chi nhánh hải quân của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) gần đây đã hồi sinh một kế hoạch dự phòng trong trường hợp Mỹ tấn công. Đó là tấn công vào các giàn khoan dầu Kuwaiti và Saudi Arabia bằng các tàu nổ.

Nguồn tin tình báo Mỹ cũng cho hay, các cơ sở năng lượng của UAE và trung tâm thương mại Dubai cũng dễ bị tấn công. 

Một cựu cố vấn của Lực lượng bán quân sự Iran cho biết, IRGC đã xem xét nhắm mục tiêu đến người nước ngoài phương Tây ở Dubai, điều này sẽ làm suy yếu nghiêm trọng vai trò của UAE như một trung tâm thương mại và tài chính an toàn. Dubai "sẽ không an toàn nữa", nguồn tin thân cận với Hải quân IRGC cho biết.

Các chủ tàu dầu cho biết hôm thứ sáu tuần trước rằng chưa có sự gián đoạn của dòng chảy tàu qua eo biển Hormuz và Vịnh Ba Tư. Nhưng một số lo ngại tàu chở dầu của phương Tây có thể bị Iran tấn công hoặc chiếm giữ. 

Mỹ từng cáo buộc Iran đã dàn dựng các cuộc tấn công vào tàu chở dầu vào năm ngoái, điều mà Tehran phủ nhận.

"Hiện có nhiều tàu chiến của phương Tây hộ tống hơn nhưng gần như không đủ để ngăn chặn một cuộc tấn công", một chủ tàu Hy Lạp đang điều hành hơn 20 tàu cho biết. "Chúng tôi hy vọng tàu dầu không bị rơi vào lửa đạn lần nữa, nhưng không may là tàu thương mại là mục tiêu dễ dàng", ông nói.

Trong khi đó, ở phía ngược lại, cơ sở hạ tầng dầu mỏ Iran cũng dễ bị tấn công. Một quan chức khác của Mỹ cho biết, Washington đã cân nhắc các mỏ ngoài khơi của Iran sau một cuộc tấn công vào nhà máy dầu của Saudi Arabia vào tháng 9, mà Mỹ đổ lỗi cho Tehran. 

Cho đến nay, chính quyền Trump vẫn ủng hộ phương án đánh vào các cơ sở bên ngoài Iran khi cần, một phần là để tránh xa dân thường.

Iran cũng biết rõ sự cần thiết phải bảo vệ ngành công nghiệp dầu mỏ, được xây dựng trong nhiều thập kỷ, nên cũng muốn tránh một cuộc đối đầu vũ trang. Chiến tranh với Mỹ "không phải là mục tiêu của chúng tôi", ông Bah Bahram Ghasemi, đại sứ Iran tại Pháp, cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 10. "Mọi thứ sẽ bị phá hủy nếu có xung đột", ông nhận định.

Giá dầu cũng đã leo thang từ tuần trước sau cái chết của tướng Qassem Soleimani. Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal dẫn phân tích của các chuyên gia nhận định, nếu Iran tấn công báo thù nhắm vào các cơ sở năng lượng thì có khi còn tác động tiêu cực đến giá dầu, chứ không khiến nó tăng giá như nhất thời.

Sau khi hai nhà máy lọc dầu ở Saudi Arabia bị tấn công tháng 9/2019, thế giới đã gia tăng sản lượng dầu nhiều hơn trước sự kiện. 

Phản ứng của giá dầu cuối tuần trước được cho là một kiểu phản ứng "giật đầu gối", nghĩa là phản ứng bản năng của thị trường khi có tin sốc chứ không phải đến từ nguyên nhân cung cầu cụ thể.

Ngành dầu mỏ nín thở trước cơn giận của Iran - Ảnh 2.

Nhà máy dầu tại Khurais, Saudi Arabia sau vụ tấn công ngày 14/9/2019. Ảnh: AP

Tác động ngay lập tức đối với ngành năng lượng là nhân viên phương Tây đã được sơ tán khỏi các mỏ dầu ở miền nam Iraq, do Iran có thể nhắm mục tiêu trả thù vào các cơ sở dầu mỏ của Mỹ tại Trung Đông hoặc eo biển Hormuz.

Ngoài ra, Iran có thể tấn công các tiền đồn, biểu tượng của sức mạnh Mỹ hoặc các mục tiêu mềm ở nơi khác. 

Hiệu quả thực tế của một cuộc tấn công vào khách du lịch hoặc máy bay như trong quá khứ là rất tệ cho giá dầu. Bởi lẽ điều đó chỉ khiến nhu cầu du lịch hàng không giảm đi, cần ít nhiên liệu hơn.

Một điều cần xem xét là Mỹ gần đây đã trở thành một nước xuất khẩu ròng dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế. Từ quan điểm thanh toán và an ninh năng lượng, Mỹ ít bị tổn thương so với các đồng minh châu Á và châu Âu trước sự gián đoạn nguồn cung dầu. 

Trong khi đó, xuất khẩu dầu mỏ của Iran đã bị giảm bởi các lệnh trừng phạt, nên dầu mỏ có tăng giá thì cũng ít mang lại lợi ích cho nền kinh tế này.

Tất nhiên, một cuộc tấn công vào Mỹ, dù vật lý hay không gian mạng cũng là một sự leo thang nghiêm trọng. Song, theo Wall Street Journal thì nó sẽ ít gây chấn động hơn trước. Nếu các nhà đầu tư kỳ vọng giá dầu sẽ tăng cao dài hạn trước cơn giận của Iran thì có thể họ sẽ thấy điều ngược lại.

Phiên An