Ngành dầu khí đối mặt với nhiều thách thức
Quá nhiều chông gai
Dầu khí là một ngành có vị thế, cũng như đóng góp đáng ghi nhận cho nền kinh tế Việt Nam. Trong một thời gian dài, khoảng 15 - 16% tăng trưởng GDP đến từ dầu khí. TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, mặc dù Việt Nam có trữ lượng dầu khí không phải là nhỏ (vào khoảng 0,3% trữ lượng thế giới đã được phát hiện), đứng thứ 3 châu Á về năng lực khai thác và 28 trên thế giới, nhưng ngành này sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Thứ nhất, nguy cơ cạn dần trữ lượng theo xu hướng thế giới. Hai là, phải đi sâu hơn vào công nghệ chế biến hóa dầu, thay vì xuất thô. Ba là, phải đảm bảo được an ninh gắn với an ninh biên giới quốc gia, lãnh hải, đặc biệt là chống lại việc lạm dụng lợi ích nhóm – đây là thách thức rất lớn. Cuối cùng, phải áp dụng cơ chế thị trường cạnh tranh quốc tế mạnh hơn.
Giàn khoan PV Drilling-V. Ảnh: Huy Hùng |
Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (Antiga), từ năm 2016, thuế nhập khẩu diesel, ma-dút là 0%. Riêng các loại xăng, thuế suất cũng sẽ được loại bỏ (0%) theo lộ trình, tác động không nhỏ đến ngành dầu khí trong nước. Như vậy, thị trường sẽ có tính cạnh tranh cao do thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ được loại bỏ vào năm 2029. Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển khẳng định, rất nhiều cam kết đang vênh nhau về chính sách thuế, phí, đặt ra vấn đề rất khó xử lý hay bất lợi cho các nhà đầu tư vào chế biến sâu dầu khí ở Việt Nam. Chẳng hạn, Việt Nam cam kết với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ giữ mức thuế nhập khẩu xăng dầu không dưới 7% trong vòng 10 năm bắt đầu từ khi sản xuất thương mại. Tức là nếu như năm 2018 này Nhà máy bắt đầu sản xuất thương mại thì Việt Nam phải giữ thuế không dưới 7% cho tới năm 2028, trong khi đó cam kết đã về 0%.
Cải cách cơ chế quản lý
GS.TSKH Hồ Sĩ Thoảng - Ủy viên Thường vụ Hội Dầu khí Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (PVN) cho rằng, khó khăn lớn nhất của ngành dầu khí là chưa có được một cơ chế quản lý điều hành phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của Tập đoàn. Do đó, Nhà nước nên có được một cơ chế cởi mở hơn, tự chủ hơn gắn với trách nhiệm của người đứng đầu để giúp ngành dầu khí vượt qua tất cả những khó khăn. Theo các chuyên gia, ngành dầu khí cần khẩn trương xây dựng hệ thống quản trị nhân sự theo chuẩn quốc tế, bao gồm ứng dụng hệ thống CNTT, xây dựng bản đồ năng lực; tiêu chuẩn, tiêu chí người đại diện và đại diện phần vốn của PVN… Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đối với ngành dầu khí phù hợp với tình hình phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, tái cơ cấu ngành phù hợp với xu hướng hội nhập. Đồng thời sắp xếp, cổ phần hóa các DN trong ngành mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn, xây dựng cơ chế thích hợp để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước mua cổ phần...
Thủ tướng mong muốn PVN ‘trong khó khăn, càng phải vững vàng’
Chiều 12/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc về sự phát triển của ngành dầu ... |