|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành dầu có thể mất tới cả thập kỉ để phục hồi

21:09 | 05/05/2020
Chia sẻ
Có nhiều kì vọng về việc giá dầu thế giới có thể hồi phục, song giới chuyên gia ước tính nhu cầu dầu có thể mất một thời gian dài để trở về mức trước đại dịch COVID-19.
Ngành dầu có thể mất tới cả thập kỉ để phục hồi - Ảnh 1.

Nguồn: Bloomberg

Giám đốc điều hành của Royal Dutch Shell, ông Ben van Beurden mới đây nhận định rằng nhu cầu dầu mỏ sẽ khó có thể khôi phục lại hoàn toàn.

Các chuyên gia phân tích của Citigroup dự kiến tiêu thụ nhiên liệu máy bay không thể trở lại mức năm ngoái cho đến năm 2022. Trong khi đó, Giám đốc điều hành Boeing cho rằng lưu lượng hành khách có thể không quay trở lại mức 2019 trong 3 năm tới.

Chuyên gia kinh tế Bloomberg Julian Lee cho rằng tiêu thụ dầu trên toàn thế giới trong tháng 4 giảm tới tới 35 triệu thùng/ngày và dự báo nhu cầu dầu trong năm 2020 sẽ dừng ở khoảng 10 triệu thùng/ngày, chỉ bằng 10% nhu cầu năm 2019.

Chắc chắn ai cũng mong có thể quay trở lại cuộc sống trước khi dịch bệnh, nhưng trong số đó cũng sẽ có nhiều người thích nghi với cuộc sống và làm việc tại nhà thường xuyên hơn, ngay cả nhu cầu du lịch cũng sẽ được cân nhắc.

Những thay đổi này có thể thúc đẩy nhu cầu sử dụng điện trong khi làm giảm nhu cầu nhiên liệu, gây thiệt hại cho ngành công nghiệp dầu mỏ, vốn đang ngày càng gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với ngành điện.

Cuộc đại dịch toàn cầu COVID-19 có mức độ và phạm vi ảnh hưởng còn lớn hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009, bởi nó ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất cũng như tài chính và buộc mọi người dù ở mức độ ảnh hưởng ít hay nhiều đều phải áp dụng cách sống và làm việc mới.

Ngành công nghiệp có thể tồn tại nếu nhu cầu dài hạn chỉ giảm 5% nhưng rất khó có thể đạt được trong bối cảnh này, dẫn đến tình trạng dư thừa trong hệ thống cung ứng dầu toàn cầu khi nhiều giếng dầu, nhà máy lọc dầu, tàu vận chuyển phải buộc ngừng hoạt động. 

Thực tế, trước khi đại dịch xuất hiện, tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ ngày càng tập trung vào nhựa, thay vì nhiên liệu. Điều này khiến triển vọng phát triển các nhà máy lọc dầu ở châu Âu và Bắc Mỹ không mấy tươi sáng -  nơi đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các nhà máy mới ở Trung Đông và châu Á khi đạt hiệu quả cao hơn và có các thỏa thuận cung cấp dài hạn.

Ngành dầu đá phiến của Mỹ bùng nổ trong những năm gần đây, dẫn đến hầu hết các nhà sản xuất dầu trên thế giới, bao gồm cả các nước OPEC, cạnh tranh thị phần hết sức có thể và khiến giá dầu chỉ ở quanh ở mức 50 USD/thùng.

Ngành dầu có thể mất tới cả thập kỉ để phục hồi - Ảnh 2.

Nguồn: Bloomberg

Dù cho Arab Saudi không đóng vai trò là nước dẫn đầu nguồn cung hay Tổng thống Mỹ Donald Trump gây áp lực lên các nhà sản xuất nước ngoài giảm sản lượng, điều này cũng không thể loại bỏ nguồn cung dư thừa.

Kể cả khi khủng hoảng hiện tại qua đi, Arab Saudi cũng không sẵn lòng làm một “nhà sản xuất bên lề” khi phải hạn chế nguồn cung. Khi đó, các quốc gia sẽ tăng cường sản lượng để chiếm thị phần và vấn đề dư thừa nguồn cung vẫn khó giải quyết.

Mỗi khi giá dầu tăng, các nhà sản xuất sẽ tăng cường sử dụng công suất nhàn rỗi. Sau sự sụt giảm giá dầu vào giữa những năm 1980, phải mất hai thập kỉ để giá có thể quay lại mức cũ và sẽ lâu hơn nếu tính tới tác động của lạm phát. Và lần này có thể còn kéo dài lâu hơn nữa, theo chuyên gia kinh tế Bloomberg.

Linh Giang