|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành cao su đặt nhiều mục tiêu tăng trưởng lớn

21:00 | 26/01/2024
Chia sẻ
VRG đặt mục tiêu sản xuất năm 2024 đạt hơn 445.000 tấn mủ cao su, thu mua nguyên liệu mủ ngoài Tập đoàn hơn 75.000 tấn, tiêu thụ hơn 520.000 tấn mủ.

Chế biến mủ cao su xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Trải qua một năm nhiều khó khăn với biến động kinh tế, chính trị thế giới nhưng Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) đã vượt chỉ tiêu sản xuất năm 2023. Theo đà phục hồi và phát triển này, VRG đặt mục tiêu sản xuất năm 2024 đạt hơn 445.000 tấn mủ cao su, thu mua nguyên liệu mủ ngoài Tập đoàn hơn 75.000 tấn, tiêu thụ hơn 520.000 tấn mủ.

Với gỗ cao su, ước tính thu hoạch hơn 6.400 ha, sản lượng sản xuất gỗ ước đạt hơn 1,2 triệu m3. Tất cả các chỉ tiêu sản lượng gỗ và mủ cao su điều vượt từ 1% đến 89% so với  năm 2023, tùy theo từng hạng mục của toàn ngành.

Riêng sản lượng các sản phẩm công nghiệp phụ trợ ngành cao su như găng tay, băng tải, bóng thể thao, nệm, gối cao su ước tính tăng 6% so với năm 2023. Các khu công nghiệp của tập đoàn phấn đấu cho thuê mới 245 ha, bằng 468% so với ước thực hiện năm 2023.

Ông Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc VRG cho biết, năm 2024 là năm then chốt trong thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2021 - 2025). Trên cơ sở nhận định, đánh giá tình hình năm 2023 và xu hướng tình hình năm 2024, thị trường vẫn chưa có tín hiệu khả quan về giá bán và nhu cầu tiêu thụ; dự báo các yếu tố khó khăn khách quan đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn vẫn còn tiếp tục.

Trên cơ sở dự báo tình hình và trên tinh thần nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu thực hiện cao nhất kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư năm 2024; với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn VRG tập trung thực hiện theo chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông về kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2024, triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện từ Công ty mẹ - Tập đoàn đến các đơn vị thành viên nhằm đạt mức cao nhất kế hoạch được giao.

Bên cạnh đó, bám sát kế hoạch khối lượng năm 2024 của các đơn vị thành viên được giao/thỏa thuận, đặc biệt trên 5 lĩnh vực lớn gồm nông nghiệp, khu công nghiệp, công nghiệp cao su, chế biến gỗ, thủy điện để chỉ đạo thực hiện hoàn thành về khối lượng khai thác, chế biến, tiêu thụ… nhằm đảm bảo nguồn thu.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của cao su Việt Nam, VRG cũng quản lý chặt chẽ giá thành để hạn chế việc tăng giá thành; theo dõi, dự báo tình hình thị trường kịp thời để có giải pháp linh hoạt về tiêu thụ, tồn kho, giá bán… bảo đảm lợi nhuận và dòng tiền cho hoạt động kinh doanh; thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và có hiệu quả để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu sản xuất - tiêu thụ. Đây cũng là giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, giảm thiểu rủi ro trong trường hợp giá bán giảm, không đạt như giá bán kế hoạch.

Ngoài ra, nhằm đảm bảo cho hoạt động của các nhà máy, VRG cũng đưa ra nhiều giải pháp bảo đảm nguồn lao động cho các công ty cao su, nhất là các đơn vị ở khu kinh tế trọng điểm, bị tranh chấp nguồn lao động với lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.

Cùng đó, VRG cũng chú trọng thực hiện chứng chỉ quốc gia và quốc tế về quản lý rừng cao su bền vững; tăng cường thực hiện lộ trình tái kết nối với FSC; thực hiện các giải pháp về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững để mang lại giá trị thương hiệu và giá trị kinh tế cao trong năm 2024.

Hồng Nhung