Ngân sách sẽ giảm hơn 9.000 tỷ đồng/năm khi hỗ trợ thuế cho DNNVV
|
Năm 2020 có 1 triệu DN là hơi lạc quan Báo cáo về sự cần thiết ban hành Luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, công tác hỗ trợ DNNVV được xem như một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó một số chính sách hỗ trợ đã được quy định tại Nghị định 56/2009/NĐ-CP của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV chỉ mang tính khuyến khích chung, chưa cụ thể... nên hiệu lực thực thi chưa cao, dẫn đến việc hỗ trợ DN chưa hiệu quả. Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Hỗ trợ DNNVV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật hỗ trợ DNNVV nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý và thực hiện hỗ trợ DNNVV. Việc ban hành Luật hỗ trợ DNNVV nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật, thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, những hạn chế nêu trong tờ trình của Chính phủ chưa đủ là nguyên nhân để ban hành luật mà chỉ cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2009/NĐ-CP. Việc ban hành luật thậm chí còn làm trầm trọng hơn các vấn đề do dự thảo luật có nhiều quy định mang tính khuyến khích chung, khó thực hiện. Ngoài ra, Dự thảo Luật có sửa đổi, bổ sung các luật khác, trong Tờ trình cần nêu rõ và giải trình liệu việc sửa đổi, bổ sung các quy định như thuế suất hoặc miễn giảm tiền sử dụng đất ngoài những quy định tại Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật thuế… có bảo đảm tính nhất quán của luật pháp hay không. Đồng thời, cũng cần phân tích rõ khả năng các biện pháp hỗ trợ có vi phạm các quy định về chống trợ cấp của WTO, về chống bán phá giá của WTO và TPP. Góp ý về dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, đánh giá tác động của dự thảo Luật rất khả quan, nhưng thực tiễn thì khác xa. Nêu dẫn chứng, ông Hiển cho biết, Chính phủ cho rằng Luật sẽ có tác động tích cực tới mục tiêu đạt được 1 triệu DN thực sự hoạt động vào năm 2020. Như vậy, từ nay đến 2020, mỗi năm tăng 130 nghìn DN, và cứ mỗi DN nộp ngân sách trung bình 500 triệu đồng/năm thì mỗi năm sẽ có ngân sách sẽ có thêm 260 nghìn tỷ đồng. Cho rằng nếu đạt được mục tiêu này là rất đáng mừng, nhưng ông Hiển lưu ý có vẻ như chúng ta đã quá lạc quan. Lý giải điều này, ông Hiển cho biết cách đây 5 năm tổng số DN của cả nước là 544 nghìn, hiện nay con số đó chỉ còn 480 nghìn. Rõ ràng là số DN giảm xuống, chưa kể trong 480 nghìn hiện tại chỉ có 45% hoạt động. Do đó, theo Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển, đánh giá đến 2020 đạt 1 triệu DN cần thận trọng, tính toán kỹ hơn. Hỗ trợ trên diện rộng là không khả thi? Liên quan đến vấn đề hỗ trợ tài chính trong dự thảo Luật, theo tính toán sơ bộ toàn bộ các nội dung ưu đãi, miễn giảm thuế theo các quy định của dự thảo Luật sẽ làm ngân sách nhà nước giảm thu 9.388 tỷ đồng/năm. Theo đó, dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho các DN trong phạm vi này. Về hỗ trợ tài chính, DNNVV được hỗ trợ thuế suất thuế thu nhập DN. Cụ thể, DN nhỏ, DN vừa được áp dụng mức thuế suất thấp hơn 3% so với mức thuế suất thuế thu nhập DN quy định tại Luật Thuế thu nhập DN. Đối với DN siêu nhỏ được áp dụng mức thuế suất thấp hơn 5% so với mức thuế suất thuế thu nhập DN quy định tại Luật Thuế thu nhập DN. Đề cập đến vấn đề này, báo cáo thẩm tra cho biết, vẫn có 2 loại ý kiến khác nhau. Bên cạnh ý kiến đồng tình, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, việc hỗ trợ các DNNVV trên diện rộng là không khả thi, đề nghị không quy định về ưu đãi thuế trong dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật. Đồng thời hỗ trợ giảm thuế là hỗ trợ trực tiếp, mặc dù không nhằm vào hoạt động XK, nhưng cần xem xét khả năng dẫn đến khả năng bị áp dụng các biện pháp về chống trợ cấp trong cam kết quốc tế (cụ thể là khoản 1 Điều 2 của Hiệp định trợ cấp và các biện pháp đối kháng của WTO). Theo Cơ quan soạn thảo, các biện pháp hỗ trợ như giảm thuế, hỗ trợ tín dụng... không phải là trợ cấp và hoàn toàn phù hợp với các cam kết quốc tế của nước ta. Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế đồng tình cần có hỗ trợ về thuế và quy định cho DNNVV được áp dụng mức thuế suất thấp hơn so với mức thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp chung cũng được một số nước áp dụng. Tuy nhiên theo báo cáo của đại diện Bộ Tài chính, tính toán sơ bộ toàn bộ các nội dung ưu đãi, miễn giảm thuế theo các quy định của dự thảo Luật sẽ làm ngân sách Nhà nước giảm thu 9.388 tỷ đồng/năm, mâu thuẫn với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ năm 2015 về việc không đề xuất, ban hành chính sách mới làm giảm thu NSNN, trừ trường hợp cắt giảm thuế theo cam kết quốc tế. Ông Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, tờ trình của Chính phủ cũng chưa làm rõ được thời gian ngân sách nhà nước sẽ cân bằng thu chi. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Ban soạn thảo cần làm việc cụ thể với Bộ Tài chính, thống nhất trong Chính phủ và báo cáo Quốc hội xem xét.
Theo Hoài Anh
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/