|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ngân sách giảm thu, có nên điều chỉnh lại chính sách thuế, phí?

18:28 | 30/10/2018
Chia sẻ
Trả lời chất vấn của cử tri, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong điều kiện Việt Nam cắt giảm thuế quan do hội nhập quốc tế, giảm nguồn thu ngân sách Trung ương do giá dầu thô giảm thì việc phải điều chỉnh lại các chính sách thuế là vô cùng hợp lý.

Trong phiên họp Quốc hộ chiều nay (30/10), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đăng đàn trả lời chất vấn của một số đại biểu.

Nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp tăng nhanh

Cụ thể, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) nêu vấn đề: “Hiện nợ nước ngoài của nước ta đang tăng nhanh, đã sát trần 50% GDP. Xin hỏi Bộ trưởng Bộ Tài chính với khoản doanh nghiệp tự vay tự trả thì rất khó kiểm soát, nếu doanh nghiệp của Nhà nước, có cổ phần Nhà nước không có khả năng trả nợ thì khoản nợ này ai trả?”.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, theo quy định của Luật Quản lý nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia gồm nợ nước ngoài Chính phủ, các khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp.

ngan sach giam thu co nen dieu chinh lai chinh sach thue phi
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Với nợ nước ngoài của Chính phủ, vừa qua đã được cơ cấu lại theo hướng giảm dần tỷ trọng từ 60% năm 2011 xuống còn khoảng 40% cuối năm 2018. Tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ giảm từ mức 24% GDP vào cuối năm 2011 xuống còn 21% GDP giai đoạn 2018.

Bộ trưởng Dũng cho hay, Chính phủ cũng đã hạn chế cấp bảo lãnh cho các dự án mới. Cụ thể, dư nợ được Chính phủ bảo lãnh giảm từ mức 10,9% GDP năm 2015 xuống còn 8,7% GDP năm 2018, trong đó bảo lãnh nước ngoài giảm từ mức 5,9% GDP vào cuối năm 2015 xuống còn khoảng 5% GDP vào cuối năm 2018.

Về nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp, theo ông Dũng, có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây.

Bộ trưởng dẫn giải số liệu: năm 2016 tăng 25,7% so với 2015; 2017 tăng hơn 39% so với 2016. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP. Dự báo đến cuối năm 2018, số nợ nước ngoài trên GDP của quốc gia là 49,7%.

Nghị quyết Quốc hội đã quy định không dùng ngân sách để tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và các khoản nợ của doanh nghiệp. Do vậy, trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ thì thực hiện phá sản theo quy định pháp luật.

“Theo quy định của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang quản lý các khoản nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng phù hợp với mục tiêu, chính sách tiền tệ và quản lý ngoại hối của nhà nước. Hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm kiểm soát hoạt động vay nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, đảm bảo chỉ tiêu nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn”, Bộ trưởng Tài chính cho biết.

"Phải điều chỉnh thuế nhưng đảm bảo tỷ lệ theo huy động cho ngân sách"

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nêu vấn đề: Nghị quyết 25 của Quốc hội đã đề ra nhiệm vụ tiếp tục sửa đổi, bổ sung chính sách thu, nâng dần tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách nhà nước, hạn chế tối đa việc đề ra chính sách làm giảm thu ngân sách nhà nước.

Tại kỳ họp thứ 4, khi trả lời trước Quốc hội thì Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã khẳng định tính đúng đắn của nhiệm vụ trên. Tuy nhiên, kỳ họp này, tại Báo cáo 507 của Chính phủ về tái cơ cấu nền kinh tế đã đề ra nhiệm vụ sớm ban hành chính sách cắt giảm mạnh mẽ các loại thuế, phí.

ngan sach giam thu co nen dieu chinh lai chinh sach thue phi
Bộ trưởng Tài chính cho biết sắp tới phải điều chỉnh thuế nhưng cần đảm bảo tỷ lệ theo huy động cho ngân sách. Ảnh minh họa.

“Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm của mình về vấn đề này, về tính nhất quán trong ban hành và thực hiện chính sách. Giải pháp nào được coi là quan trọng nhất để thực hiện một nguyên tắc cơ bản của thuế đó là bảo đảm hài hòa về lợi ích giữa người nộp thuế và nhà nước?”, bà Mai chất vấn Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.

Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng Dũng cho biết, trong điều kiện Việt Nam cắt giảm thuế quan do hội nhập quốc tế, giảm nguồn thu ngân sách Trung ương do giá dầu thô giảm thì việc phải điều chỉnh lại các chính sách thuế là vô cùng hợp lý.

Ông Dũng diễn giải, Nghị quyết 07 Bộ Chính trị và nghị quyết 25 Quốc hội, trong các giải pháp thực hiện có giải pháp điều chỉnh và bổ sung 8 luật thuế trong đó có thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên và nghiên cứu để trình với cấp thẩm quyền ban hành thuế tài sản.

"Việc điều chỉnh các chính sách thuế, tinh thần chung là đảm bảo tính trung lập của thuế cũng như mở rộng cơ sở thu, bám sát khuyến nghị của IMF", Bộ trưởng Tài chính nói.

Theo Bộ trưởng, chính sách thuế của Việt Nam còn lồng ghép nhiều chính sách an sinh xã hội, kể cả chính sách ưu đãi về thuế để thu hút đầu tư. "Chúng ta đang thu hút rất dàn trải, kể cả ngành nghề, điều kiện quy mô vốn, vùng miền, công nghệ, sản phẩm đều có ưu đãi".

"Phải điều chỉnh chính sách thuế nhưng đảm bảo tỷ lệ theo huy động cho ngân sách nhà nước, tức là đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước đồng thời tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và đảm bảo hài hòa, phù hợp thông lệ quốc tế", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Xem thêm

Khánh Hà