Ngân hàng, ví điện tử không cho chuyển online nếu chưa sinh trắc học
Một tuần trước hạn 1/1/2025 về xác thực sinh trắc học của Ngân hàng Nhà nước, một số nhà băng, ví điện tử "giục" và yêu cầu khách hàng cập nhật trước khi giao dịch online.
Anh Huy Phương (TP HCM) cho biết đặt dịch vụ gọi xe và chọn thanh toán bằng MoMo thì nhận được yêu cầu xác thực sinh trắc học từ ví điện tử này. Anh buộc phải cập nhật, mới có thể thanh toán online.
Không riêng MoMo, một vài nhà băng như VietinBank cũng yêu cầu khách hàng phải xác thực sinh trắc học. Điều này theo Phó tổng giám đốc VietinBank, ông Trần Công Quỳnh Lân, nhằm giảm tình trạng quá tải vào những ngày cận Tết dương lịch.
Theo ông Quỳnh, thời điểm 1/1/2025 trùng với dịp nghỉ Tết dương lịch, ngân hàng không làm việc, nếu khách hàng phát sinh trục trặc khi chuyển tiền online, sẽ xảy ra bất tiện. "Để tránh chủ tài khoản gặp gián đoạn giao dịch, chúng tôi chủ động yêu cầu họ hoàn thành cập nhật sinh trắc trước một tuần. Nhân viên tại các chi nhánh, phòng giao dịch hỗ trợ trực tiếp khách hàng trong trường hợp họ gặp khó khăn khi tự xác thực", ông Lân nói. Hiện gần 86% khách hàng của VietinBank đã hoàn thành xác thực sinh trắc học.
Đại diện ngân hàng Bản Việt (BVBank) cũng chia sẻ từ tháng 11, nhà băng này đã hướng dẫn và điều hướng khách hàng cập nhật sinh trắc học trước khi giao dịch điện tử. Đến nay, hầu hết tập khách hàng có giao dịch online thường xuyên đã đăng ký.
Ngoài ra, các nhà băng cũng tăng thời gian hoạt động tại chi nhánh để hỗ trợ người dân hoàn tất cập nhật sinh trắc đúng hạn. Chẳng hạn, VietinBank mở cửa các phòng giao dịch vào thứ Bảy và Chủ nhật từ 8h đến 16h30 trong nửa cuối tháng 12.
Tương tự, hàng trăm điểm giao dịch của Vietcombank cũng hoạt động hai ngày cuối tuần và thời gian giao dịch hàng ngày kéo dài tới 18h30, để hỗ trợ các chủ tài khoản. Tính đến đầu tháng 12, gần 8,5 triệu khách hàng của ngân hàng này đã cập nhật sinh trắc học.
Theo ghi nhận của VnExpress, không có hiện tượng ùn ứ hay khách hàng phải đợi quá lâu khi cập nhật thông tin sinh trắc học tại điểm giao dịch, chi nhánh ngân hàng. Các nhà băng bố trí sẵn thiết bị hỗ trợ người dân gặp sự cố về smartphone hay điện thoại không có chức năng quét NFC.
Tuy nhiên, trước nhu cầu đổ dồn cập nhật thông tin vào cuối năm, hiện tượng trục trặc khi xác thực diễn ra ở một số thời điểm tại vài nhà băng. Ứng dụng của một số nhà băng như VPBank, VIB... trong vài thời điểm chưa nhận diện tốt căn cước mẫu mới, dù khách hàng đã đăng ký thay đổi thông tin từ chứng minh nhân dân cũ với nhà băng.
Ghi nhận tại phòng giao dịch một ngân hàng trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TP HCM), ngoài những người lớn tuổi khó thao tác trên ứng dụng (app), còn lại khách hàng chủ yếu gặp trục trặc ở bước app không đọc được thông tin NFC hoặc nhận diện căn cước công dân mẫu mới.
Anh Minh Thái (Cầu Giấy, Hà Nội) nhiều lần xác thực thông tin bằng căn cước công dân gắn chip qua app không thành công và gặp lỗi ở bước chụp ảnh căn cước hoặc kết nối chip NFC.
Anh buộc tới chi nhánh ngân hàng trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy) để hoàn thành xác thực, nhưng cũng không thể thực hiện do hệ thống của nhà băng này quá tải. Vài ngày sau quay lại chi nhánh này, các thủ tục xác thực của anh được hoàn thiện trong khoảng 10 phút, sau khi hệ thống đã thông suốt.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, một số giao dịch ngân hàng buộc xác thực sinh trắc học từ 1/1/2025. Cụ thể, Thông tư 17 quy định chủ tài khoản chỉ được rút tiền, thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán khi đã hoàn thành đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân; thông tin sinh trắc học do cơ quan công an cấp hoặc qua hệ thống định danh và xác thực điện tử (VNeID).
Thông tư 18 cũng yêu cầu giao dịch thẻ online chỉ thực hiện được khi chủ thẻ đã xác thực sinh trắc học với ngân hàng, công ty tài chính... Còn các giao dịch thẻ trực tiếp tại các điểm bán lẻ (POS), ATM vẫn diễn ra bình thường, không yêu cầu phải sinh trắc học.