|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng Singapore mở rộng ra khắp Châu Á đón tăng trưởng sau đại dịch, Việt Nam cũng là điểm đến tiềm năng

07:25 | 24/02/2022
Chia sẻ
Các ngân hàng hàng đầu Singapore hy vọng rằng những tác động tồi tệ nhất từ đại dịch đã lùi lại phía sau.

Những ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á như DBS Group Holdings (DBS), Oversea-Chinese Banking Corp. (OCBC) và United Overseas Bank (UOB) đều đang "đặt cược" vào Châu Á để đảm bảo tăng trưởng trong tương lai. 

Các ngân hàng này đều cho rằng những ảnh hưởng tồi tệ nhất của COVID-19 đã lùi lại phía sau, theo Nikkei. Mới đây, cả ba "nhà băng" Singapore đều công bố kết quả lợi nhuận ấn tượng trong năm 2021.

Ngân hàng Singapore mở rộng ra khắp Châu Á đón tăng trưởng sau đại dịch, Việt Nam cũng là điểm đến tiềm năng - Ảnh 1.

Các ngân hàng lớn nhất Singapore tìm kiếm tăng trưởng bên ngoài sân nhà. (Ảnh: Nikkei).

Hôm 23/1, OCBC công bố lợi nhuận ròng 4,9 tỷ SGD (3,6 tỷ USD) trong năm 2021, tăng 35% so với năm 2020. Dù vậy, kết quả kinh doanh trong quý IV/2021 của "nhà băng" này ghi nhận lợi nhuận ròng giảm 14% so với cùng kỳ năm trước đó, về mốc 973 triệu USD, vì doanh thu từ đầu tư giảm và chi phí gia tăng.

Tuần trước, UOB ghi nhận lợi nhuận ròng tăng 40% lên mốc 1 tỷ SGD trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/12/2021, trong đó lợi nhuận ròng quý IV tăng tới 48% so với cùng kỳ, đạt 1 tỷ SGD.

Cũng trong tuần trước, DBS, ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á, ghi nhận lợi nhuận ròng 6,8 tỷ SGD, tăng 44% so với năm 2020.

Với kết quả kinh doanh tích cực, các ngân hàng trên đều đang tập trung vào các thị trường bên ngoài Singapore để đón đầu phục hồi của Châu Á sau đại dịch.

Đầu năm nay, DBS và UOB tuyên bố mua lại mảng bán lẻ của Citigroup tại Đài Loan và Đông Nam Á nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng ở những địa điểm có cư dân giàu có hoặc sức tiêu dùng lớn.

Đợt mua lại của UBO được công bố vào trung tuần tháng 1. Lúc này, "nhà băng" Singapore mua lại doanh mục nợ (có tài sản đảm bảo và không tài sản đảm bảo), mảng kinh doanh tiền gửi bán lẻ và quản lý tài sản của Citigroup tại Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam với giá trị khoảng 4,9 tỷ SGD.

Thương vụ này là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc toàn cầu của Citi. Tháng 4 năm ngoái, Citi cho biết sẽ rút chân khỏi 13 thị trường, trong đó có 4 quốc gia Đông Nam Á nói trên. Sau thương vụ, UOB sẽ đạt được tốc độ mở rộng vận hành nhanh tại ASEAN.

"Chúng tôi đang mua lại một tài sản chất lượng, 4 thị trường mục tiêu cùng lúc, để bổ sung thêm tệp khách hàng, nhân sự và năng lực. Đây là một sự kết hợp mạnh mẽ để đẩy nhanh tham vọng tăng trưởng của chúng tôi", ông Wee EE Cheong, CEO UOB, chia sẻ trong buổi báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh cuối tuần trước.

"Quyết định mua lại mảng ngân hàng bán lẻ của Citigroup tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam khẳng định niềm tin vào tiềm năng dài hạn của khu vực Đông Nam Á", ông chia sẻ thêm. "Chúng tôi thấy tiềm năng tích cực từ hành lang đầu tư và thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc".

Trong một báo cáo, bộ phận nghiên cứu của OCBC nói rằng UOB đang đặt mục tiêu "định vị chiến lược" để đón tăng trưởng ở Đông Nam Á và cải thiện hình ảnh ngân hàng. "Nhà băng này được kỳ vọng sẽ có triển vọng cải thiện trong năm nay, song hành cùng triển vọng kinh tế khu vực tươi sáng khi độ phủ vắc xin tiếp tục mở rộng", báo cáo viết.

Dù vậy, báo cáo này cũng nhắc đến những rủi ro của khoản đầu tư đối với UBO, bao gồm nhiều khoản nợ xấu đi ảnh hưởng đến tăng trưởng thu nhập. Bên cạnh đó, biên lợi nhuận cũng có thể chịu áp lực khi lãi suất giảm hoặc tình hình kinh tế vĩ mô ở những thị trường Đông Nam Á trọng điểm của nó tệ hơn kỳ vọng.

Dù vậy, các nhà phân tích tin rằng với việc Fed nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất trong năm nay để kiềm chế lạm phát, các ngân hàng Singapore sẽ được hưởng lọi tích cực. Các ngân hàng của quốc đảo Đông Nam Á cũng có thể sẽ tăng lãi suất và có thêm lợi nhuận bằng cách tăng cường giải ngân. Việc mua lại tài sản của Citigroup khiến tệp khách hàng của UOB mở rộng.

Sau UOB, cuối tháng 1, DBS cũng tuyên bố mua lại hoạt động kinh doanh của Citi tại thị trường Đài Loan với phí 956 triệu SGD.

DBS nói rằng Citi được xem là ngân hàng nước ngoài tốt nhất tại Đài Loan với lợi nhuận ròng hàng năm 250 triệu SGD trong 2 năm trước khi COVID-19 bùng phát.

Trong đại dịch, DBS tích cực triển khai hoạt động thâm tóm tại Châu Á. DBS mua lại ngân hàng Lakshmi Vilas Bank ở Ấn Độ vào năm 2010 và đã nhận được chấp thianaj để mua lại 13% cổ phần ngân hàng Shenzhen Rural Commercial Bank Corporation (Trung Quốc) hồi năm ngoái.

Ông Piyush Gupta, CEO DBS, cho biết DBS có thể ghi nhận thêm 500 triệu SGD vào lợi nhuận ròng từ 3 giao dịch mua lại – thâu tóm nói trên.

Moody's Investors Service nhận định thu nhập ròng của DBS sẽ cải thiện trong năm nay nhờ tăng lãi suất và giảm trích lập cho các khoản nợ xấu. Trong quý IV/2021, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này giảm từ 1,5% xuống còn 1,3%.

"Nhìn chung, DBS có khả năng sinh lời tốt nhờ vận hành khu vực và các mảng kinh doanh đa dạng", Moody's nói. "Thu nhập từ hoạt động quản lý tài sản đặc biệt tốt và chúng tôi cho rằng xu hướng này sẽ duy trì", ông nhận định.

OCBC cũng đang nhắm đến mảng quản lý tài sản để thúc đẩy tăng trưởng thu nhập bên ngoài Singapore.

"Chúng tôi nhìn nhận Châu Á sẽ hồi phục tốt hơn sau đại dịch", bà Wong nhận định. "Chúng tôi nhận thấy nhóm dân số giàu có sẽ tiếp tục tăng ở Châu Á. Điều này khiến chúng tôi phải tinh chỉnh, làm mới chiến lược theo hướng này".

Nam Khánh