|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cuộc đua CASA ngày càng khốc liệt: Nhóm tư nhân tăng tốc, một nhà băng chiếm vị trí Top 3 của Vietcombank

08:00 | 23/02/2022
Chia sẻ
Năm 2021, một nhà băng đã vượt qua Vietcombank để vào top 3 ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao nhất toàn ngành. Cũng trong năm qua, có thể thấy xu hướng đẩy mạnh thu hút nguồn vốn giá rẻ của các nhà băng, đặc biệt là từ nhóm ngân hàng tư nhân.
Cuộc đua CASA các ngân hàng 2021: Một nhà băng vượt mặt Vietcombank, nhóm tư nhân 'nhấn ga' - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Techcombank).

Tập trung huy động tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đang là xu hướng chung của ngành ngân hàng trong những năm gần đây. Đây là nguồn tiền có chi phí vốn gần như bằng 0, giúp các nhà băng gia tăng hiệu quả cho vay, tối ưu lợi nhuận.

Tuy nhiên, trong bối cảnh việc để tiền trong ngân hàng đang trở nên kém hấp dẫn, cùng với đó là sự nổi lên các kênh đầu tư sinh lời khác như chứng khoán, bất động sản,... với hiệu suất sinh lời cao, "miếng bánh" thị phần CASA đang ngày càng cạnh tranh hơn bao giờ hết.

Vietcombank mất Top 3 về tỷ lệ CASA vào tay một ngân hàng tư nhân

Qua thống kê của người viết từ báo cáo tài chính quý IV/2021 của 17 ngân hàng niêm yết trên HOSE cho thấy, tỷ lệ CASA (không bao gồm tiền gửi ký quỹ) của tới 15 ngân hàng tăng lên trong năm qua.

Cuộc đua CASA các ngân hàng 2021: Một nhà băng vượt mặt Vietcombank, nhóm tư nhân 'nhấn ga' - Ảnh 1.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Cụ thể, với quy mô nguồn vốn giá rẻ đạt mức 147.861 tỷ đồng, tỷ lệ CASA của Techcombank đứng đầu toàn ngành với mức 47%. 

Đây được xem là thành quả của Techcombank khi là một trong những ngân hàng đi đầu trong chiến lược "zero fee", nhằm thu hút lượng khách hàng mới, thúc đẩy giao dịch điện tử.

Xếp thứ hai là MB, với tỷ trọng CASA được cải thiện đáng kể từ mức 37% lên 44,6%. Trong hai năm trở lại, ngân hàng này đã thực hiện một loạt chính sách như miễn phí chuyển khoản trọn đời toàn bộ khách hàng khi sử dụng ứng dụng mobile  banking, tặng số tài khoản số đẹp, chuyển khoản miễn phí cho khách hàng doanh nghiệp, mua bán ngoại tệ online,... giúp cho CASA tăng trở lại qua từng quý.

Đáng chú ý, top 3 về tỷ lệ CASA đã không còn thuộc về Vietcombank khi tỷ lệ này của MSB đã tăng vọt từ 26,4% lên 36%. Trong năm qua, có thể thấy tỷ trọng của nhóm khách hàng vừa và nhỏ đã tăng lên rõ rệt đóng góp vào trong nguồn vốn giá rẻ của ngân hàng.

Tỷ lệ CASA của MSB tăng mạnh trong năm 2021

Cuộc đua CASA các ngân hàng 2021: Một nhà băng vượt mặt Vietcombank, nhóm tư nhân 'nhấn ga' - Ảnh 2.

(Nguồn: MSB).

Dù vậy, nếu xét về quy mô, Vietcombank vẫn đứng đầu toàn ngành khi số dư tiền gửi không kỳ hạn đạt hơn 367.149 tỷ đồng.

Ngân hàng tư nhân bứt tốc, các "ông lớn" vào cuộc

Mặt khác, có thể thấy tỷ lệ CASA của các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV và VietinBank) không thay đổi quá nhiều trong năm vừa qua. 

Đơn cử như Vietcombank, mặc dù trong những năm trở lại đây luôn là nhà băng dẫn đầu về tỷ lệ CASA; song, trong năm 2021, chỉ số này chỉ cải thiện thêm 2,6 điểm %. Còn tại BIDV và VietinBank, mức tăng thậm chí chỉ là 1,3 và 0,6 điểm %

Trong khi đó, hầu hết ngân hàng tư nhân được thống kê đều có mức tăng cao hơn ba "ông lớn" trên, tiêu biểu như MB, MSB, VPBank, VIB,...

Biến động CASA các nhà băng trong năm 2021

Cuộc đua CASA các ngân hàng 2021: Một nhà băng vượt mặt Vietcombank, nhóm tư nhân 'nhấn ga' - Ảnh 3.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Trong năm qua, hàng loạt ngân hàng đã bắt đầu triển khai miễn phí chuyển khoản, nâng cấp hệ thống, đẩy mạnh các giao dịch trực tuyến, nhằm đẩy mạnh huy động nguồn vốn giá rẻ. Đặc biệt là các "ông lớn" như VietinBank, BIDV hay Agribank mới đây đã bắt đầu tham gia vào cuộc đua này.

Chính vì đó, giới phân tích nhận định rằng việc cạnh tranh về thị phần CASA sẽ tương đối khốc liệt giữa các ngân hàng trong năm 2022. Mặc dù đang đứng đầu toàn ngành, song, Chứng khoán Bảo Việt cho rằng tỷ lệ CASA của Techcombank khó có sự cải thiện mạnh mẽ trong những năm tới với sự cạnh tranh này.

CASA được đánh giá là một trong nhưng yếu tố khiến triển vọng kết quả kinh doanh các ngân hàng có sự phân hóa trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh biên lãi ròng (NIM) không còn nhiều dư địa để nới rộng khi mặt bằng lãi suất huy động đã ở mức thấp.

Lê Huy