|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chấp nhận miễn phí chuyển khoản, Vietcombank sẽ được lợi gì từ chính sách mới?

15:34 | 28/12/2021
Chia sẻ
Việc miễn phí hàng loạt các khoản phí chuyển tiền đối với khách hàng cá nhân có thể làm giảm nguồn thu dịch vụ thanh toán của Vietcombank hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỷ đồng nhưng bù lại "ông lớn" này sẽ được lợi gì?
Bỏ nguồn thu nghìn tỷ từ dịch vụ thanh toán, Vietcombank sẽ thu lời lại từ đâu? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Vietcombank).

Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) bất ngờ thông báo miễn phí chuyển tiền online cho toàn bộ giao dịch cả trong và ngoài hệ thống cho khách hàng. 

Trước đó, các loại phí này đang được ngân hàng thu với mức từ 2.000 - 1 triệu đồng, tùy vào giá trị giao dịch.

Không ít người dùng khá bất ngờ với nước đi này của "ông lớn" quốc doanh khi trước đây, mức phí giao dịch đối với khách hàng cá nhân của ngân hàng này là tương đối cao so với mặt bằng chung trong ngành.

Đáng nói, động thái này có thể làm giảm nguồn thu dịch vụ thanh toán của Vietcombank hàng trăm, nghìn tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính năm 2020, các hoạt động dịch vụ thanh toán đã đem về cho Vietcombank hơn 2.800 tỷ đồng lợi nhuận thuần, tăng hơn 21% so với năm trước, đóng góp hơn 42% trong lãi thuần mảng dịch vụ. Con số này thậm chí còn gấp nhiều lần lợi nhuận cả năm của nhiều ngân hàng quy mô nhỏ.

Chấp nhận miễn phí chuyển khoản, Vietcombank sẽ được lợi gì từ chính sách mới? - Ảnh 2.

Thu nhập ngoài lãi của Vietcombank tăng mạnh trong năm COVID. (Nguồn: BC thường niên Vietcombank).

Mặc dù việc miễn phí hàng loạt các khoản phí thanh toán trên chỉ áp dụng đối với khách hàng cá nhân, không bao gồm các khách hàng doanh nghiệp; song, xét trên số dư tiền gửi, khách hàng cá nhân vẫn đang chiếm tới gần 50% tổng tiền gửi khách hàng của Vietcombank. 

Tuy nhiên, khi cuộc chiến cạnh tranh về vốn giá rẻ đang ngày càng khốc liệt, đây được đánh giá là động thái tất yếu đối với Vietcombank.

Techcombank từng là ngân hàng dẫn đầu trong việc áp dụng "zero fee". Chấp nhận hy sinh nguồn thu từ dịch vụ thanh toán, Techcombank đã đưa tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của mình lên top đầu toàn hệ thống. Nhờ đó có được lợi thế chi phí vốn rẻ và NIM cao.

Với việc miễn phí các dịch vụ chuyển tiền, quy mô tiền gửi không kỳ hạn (CASA), loại tiền gửi có mức lãi suất rất thấp, của các ngân hàng sẽ được cải thiện.

Điều này sẽ trực tiếp làm giảm chi phí vốn cho các nhà băng, qua đó cải thiện biên lợi nhuận từ hoạt động cho vay. Một ví dụ điển hình có thể thấy đó là Techcombank khi chiến dịch "zero fee" của ngân hàng triển khai từ năm 2016 đã đem lại kết quả đáng chú ý.

Trong vài năm gần đây, Vietcombank, Techcombank và MB gần như cách biệt hoàn toàn với toàn ngành trong cuộc chiến vốn giá rẻ. 

Tính đến hết quý III/2021, tỷ lệ CASA của Vietcombank là xấp xỉ 31%, Techcombank và MB lần lượt là 38% và 36%.

Song, không ít các ngân hàng khác đã thấy được tiềm năng từ việc tận dụng nguồn vốn này và chạy vào cuộc đua như VPBank, TPBank hay thậm chí là cả các ngân hàng quốc doanh như Agribank, BIDV.

Chưa kể trong bối cảnh COVID-19, dòng tiền nhàn rỗi có xu hướng chảy vào nhiều kênh khác như chứng khoán, tiền điện tử, bất động sản,... khiến thị trường CASA càng trở nên cạnh tranh hơn cả.

Theo nhận định của nhiều công ty chứng khoán, tỷ lệ CASA sẽ là một yếu tố khiến triển vọng kết quả kinh doanh các ngân hàng có sự phân hóa trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh NIM không còn nhiều dư địa để nới rộng khi mặt bằng lãi suất huy động đã ở mức thấp.

Chấp nhận miễn phí chuyển khoản, Vietcombank sẽ được lợi gì từ chính sách mới? - Ảnh 4.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Lê Huy