Ngân hàng ồ ạt mua cổ phiếu quĩ để 'trợ giá'?
Ngân hàng chi hàng nghìn tỉ đồng mua cổ phiếu quĩ
Mới đây, Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank - Mã: HDB) đã thông qua việc tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản năm 2019 về việc mua lại không quá 5% lượng cổ phiếu HDBank đã phát hành làm cổ phiếu quĩ.
Theo kế hoạch, HDBank sẽ chốt danh sách cổ đông vào 4/9 để lấy ý kiến, ứng với ngày giao dịch không hưởng quyền là 3/9. Ngày gửi tài liệu lấy ý kiến vào 9/9 và thời gian tiếp nhận phiếu ý kiến từ 19/9.
Hiện HDBank không có cổ phiếu quĩ nào trong đố 981 triệu cp đang lưu hành. Như vậy, dự kiến ngân hàng mua vào khoảng 49 triệu cp làm cổ phiếu quĩ.
Với thị giá đóng cửa ngày 16/8 của cổ phiếu HDB tại 26.400 đồng/cp, ước tính ngân hàng cần chi khoảng 1.294 tỉ đồng để mua số cổ phiếu trên.
Ảnh minh họa (Nguồn: Bloomberg).
Trước HDBank, kể từ đầu năm tới nay, một loạt ngân hàng khác đã mua hoặc công bố kế hoạch mua cổ phiếu quĩ.
Gần nhất, VPBank chốt ngày 21/8 để lấy ý kiến cổ đông việc mua thêm cổ phiếu quĩ, tuy nhiên ngân hàng chưa công bố chi tiết khối lượng dự kiến mua vào.
Trước đó, từ ngày 11/6 đến ngày 18/6, TPBank chi gần 627 tỉ đồng từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để mua lại 24 triệu cổ phiếu, nâng số lượng cổ phiếu quĩ của ngân hàng lên hơn 30 triệu cp, tương đương 3,5 % vốn điều lệ ngân hàng.
Vào tháng 3/2019, MBBank cũng chi hơn 1.000 tỉ đồng mua 47 triệu cổ phiếu quĩ với giá giao dịch bình quân là 21.999 đồng/cp.
"Ai lợi, Ai thiệt" khi ngân hàng mua cổ phiếu quĩ
Thông thường việc doanh nghiệp mua cổ phiếu quĩ diễn ra trong bối cảnh thị giá cổ phiếu trong xu hướng giảm, việc này nhằm hỗ trợ giá hoặc thanh khoản đối với cổ phiếu.
Theo nhận định của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), động thái mua lại 24 triệu cổ phiếu của TPBank là giải pháp ngắn hạn đối với tình trạng thanh khoản thấp của cổ phiếu.
Thanh khoản thấp thể hiện 3 lần sau đợt IPO khi giá cổ phiếu giảm sàn và phiên hôm sau phục hồi mạnh.
VCSC cho rằng hai đợt thông báo thoái vốn của Mobifone trong thời gian này rất có thể là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu thay đổi đột ngột như vậy.
Ngân hàng cũng như doanh nghiệp thường mua cổ phiếu quĩ khi thấy giá cổ phiếu đang bị thị trường định giá thấp hơn giá trị thực.
Hành động này về ngắn hạn sẽ tạo ra một nguồn cầu đối với cổ phiếu, tăng thanh khoản trên thị trường, đồng thời kích thích kì vọng giá cho nhà đầu tư.
Về dài hạn, hoạt động mua cổ phiếu quĩ sẽ rút bớt lượng cổ phiếu lưu hành ra khỏi thị trường (giảm cung), giúp tăng giá trị thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS), tạo sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Và thực tế, sau khi thông tin đăng kí mua cổ phiếu quĩ được công bố, giá cổ phiếu của MBBank, TPBank hay VPBank đều ghi nhận thị giá cổ phiếu tăng.
Diễn biến thị giá cổ phiếu MBB kể từ đầu năm tới nay (Nguồn: Vndirect)
Diễn biến thị giá cổ phiếu VPB khi có thông tin ngân hàng mua cổ phiếu quĩ (Nguồn: Vndirect)
Mặc dù việc mua cổ phiếu quĩ có tác động tích cực đến thanh khoản và giá cổ phiếu tuy nhiên ảnh hưởng của động thái này không phải chỉ toàn "màu hồng".
Đầu tiên, ngân hàng hay doanh nghiệp thường đăng kí mua cổ phiếu theo hình thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận. Trong trường hợp các đơn vị này mua vào cổ phiếu thông qua giao dịch thỏa thuận, cổ đông sẽ không khỏi đặt câu hỏi về bên bán ra cổ phiếu là ai? và việc "có hay không việc sử dụng tiền của ngân hàng để giúp một hoặc một nhóm cổ đông đặc biệt thoái vốn ở giá tốt?
Bên cạnh đó, không ít lần xuất hiện tình trạng các đơn vị công bố mua cổ phiếu quĩ nhưng thực tế lại không mua hoặc không mua đủ. Điều này sẽ gây ra những xáo trộn trong tâm lí nhà đầu tư, từ đó dẫn đến những biến động trong giá cổ phiếu.
Đối với ngân hàng, việc mua cổ phiếu quĩ thực chất là việc hoàn vốn lại cho cổ đông, triệt tiêu vĩnh viễn hoặc tạm thời một lượng vốn cổ phần đã huy động từ thị trường. Trong bối cảnh VPBank, MBBank, HDBank, TPBank đều là những ngân hàng có xu hướng muốn tăng vốn thì động thái này đã vô tình đi ngược lại các nỗ lực của các nhà băng.
Bên cạnh đó, hành động mua cổ phiếu quĩ sẽ làm giảm lượng tiền tại các ngân hàng tương ứng với bằng số tiền đã bỏ ra và dù ít hay nhiều cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thanh khoản của các nhà băng. Do vậy, không phải bất kì ngân hàng nào cũng có đủ khả năng để tiến hành hoạt động này.
Thực tế, những ngân hàng hàng đã tiến hành mua cổ phiếu quĩ trong thời gian qua đều là những nhà bằng tỉ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức cao trong ngành VPBank (CAR ở mức 12,9%), HDBank (12,1%) hay MBBank (10,9%) …
Mặt khác, khi mua lại cổ phiếu quĩ, ngân hàng có thể thu lợi trong trường hợp mua giá rẻ và bán giá đắt. Tuy nhiên, khi lượng cổ phiếu mua vào bị giới hạn chuyển nhượng trong khoảng thời gian tương đối lâu (như VPBank là 3 năm) thì kì vọng mang lại lợi ích từ chênh lệch giá là chưa thực sự rõ ràng.
Ngân hàng hối hả tăng vốn bằng phát hành trái phiếu
Vừa qua, VPBank đã thông qua phương chào bán tối đa 1 tỉ USD trái phiếu quốc tế để tăng qui mô vốn hoạt động (trong đó, đã phát hành thành công 300 triệu USD). Đồng thời, nhà băng này cũng đã huy động gần 6.000 tỉ đồng từ phát hành trái phiếu trong nước với lãi suất 6 - 7%/năm.
TPBank cũng đã thông báo kế hoạch phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế trong năm 2019 và phát hành hàng nghìn tỉ trái phiếu nội địa nhằm tăng qui mô vốn cấp 2. Đồng thời, ngân hàng này cung thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỉ đồng trong năm 2019 - 2020 bằng phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu.
Kể từ đầu năm tới nay, HDBank đã phát hành hơn 5.000 tỉ đồng trái phiếu nội địa và dự kiến phát hành thêm 5.000 tỉ đồng trái phiếu trong năm nay.
Còn tại MBBank, nhà băng này đã tính đến phương án bán 7,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2019 nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho ngân hàng trong ba năm tới. Ngoài ra, ngân hàng cũng có kế hoạch tăng vốn cấp 2 thông qua phát hành trái phiếu.