|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng mở rộng cửa, vốn ngoại sẽ đổ vào đâu trong năm 2022?

07:00 | 18/01/2022
Chia sẻ
Năm 2022, nhiều ngân hàng đang có dự định nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài chuẩn bị bán thêm vốn cho các nhà đầu tư ngoại, cũng có ngân hàng khoá "room" để tìm kiếm và lựa chọn cổ đông chiến lược phù hợp.

Ngân hàng nới room đón cổ đông ngoại

 Mới đây nhất, tại hội nghị triển khai công tác hoạt động kinh doanh năm 2022, đại diện Vietcombank đề xuất NHNN được tăng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 35%.

Hay tại VPBank, ngân hàng đã có tờ trình xin ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,5% vốn điều lệ.

Phía ngân hàng cho biết việc nới room ngoại lên 17,5% là tỷ lệ đủ để VPBank có thể phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ sau khi phát hành. 

Kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên. Ngân hàng lên kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài và thậm chí còn "để dành" cả phần cổ phiếu quỹ để chào bán cho đối tác.

Chủ tịch Ngô Chí Dũng cho biết VPBank sẽ mở room ngoại tối đa, ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược và có thể phát hành cổ phiếu vào cuối năm nay để huy động vốn cho ngân hàng.

Tại buổi trao đổi trực tuyến với nhà đầu tư quý III, lãnh đạo VPBank dự kiến có thể hoàn tất kế hoạch này trong quý I/2022. Nếu phát hành thành công, vốn chủ sở hữu của nhà băng này có thể đạt kỷ lục trên dưới 120.000 tỷ đồng.

Trước đó, VPBank chốt room ngoại ở mức 15% vào tháng 5/2021, với tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại là trên 20% vốn điều lệ ngân hàng.

Song, room ngoại của ngân hàng vẫn chưa thể xuống mức 15% dù nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra liên tục cổ phiếu VPB kể từ tháng 5/2021 đến nay.

Tính riêng tuần 13-17/12/2021, khối ngoại bán ròng mạnh hơn 1.226 tỷ đồng VPB, chiếm tới gần 30% khối lượng bán ròng trên toàn sàn HOSE. Do đó, việc nới room ngoại lên 17,5% như đã đề cập phía trên được kỳ vọng sẽ làm giảm áp lực bán ra của khối ngoại để hạ tỷ lệ sở hữu trong thời gian tới.

Trong khi đó, HDBank đang là một trong số ít ngân hàng đang được xem xét nới giới hạn sở hữu nước ngoài lên 49% theo lộ trình quy định trong thỏa thuận thương mại EVFTA, theo Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam.

Bộ phận phân tích cho rằng nếu được chọn trở thành ngân hàng thí điểm sẽ là một yếu tố hỗ trợ giá của cổ phiếu, khi việc nới giới hạn sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư dài hạn hơn.

Vốn ngoại đổ vào ngân hàng việt trong năm 2022 - Ảnh 1.

Nhiều kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư ngoại trong năm 2022

Tại BIDV, ngân hàng dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới, tương đương 8,5% vốn điều lệ bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.

Một "ông lớn" khác là Vietcombank cũng còn kế hoạch chào bán riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ. Phía ngân hàng cho biết đối tượng phát hành hướng đến là đối tác chiến lược Ngân hàng Mizuho, để giữ tỷ lệ sở hữu tối thiểu 15% (dự kiến hơn 46,1 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,92% tổng số cổ phiếu sau phát hành) trên cơ sở quyết định đầu tư của Ngân hàng Mizuho.

Đồng thời, phát hành cho các nhà đầu tư khác có thể gồm cả Mizuho dự kiến gần 261,5 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 5,19% tổng số cổ phiếu sau phát hành.

Một báo cáo mới đây của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết hiện tại, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại, BIDV và Vietcombank vẫn còn dư nhiều room ngoại để gia tăng vốn hơn là VietinBank. 

Theo đó, room ngoại còn lại của Vietcombank (6,4%) và BIDV (13,3%) cho thấy các ngân hàng này vẫn còn dư địa để gia tăng vốn thông qua phương thức bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, cả hai nhà đầu tư chiến lược của các ngân hàng này, KEB Hana Bank của BIDV và Mizuho Bank của Vietcombank hiện đang sở hữu 15% cổ phần so với hạn mức là 20%. Vì vậy, Vietcombank và BIDV vẫn còn trống room ngoại để có thể tăng thêm vốn từ các nhà đầu tư chiến lược hiện nay của ngân hàng, Yuanta Việt Nam nhận định.

Trong khi đó, nhà đầu tư chiến lược của VietinBank (Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ) hiện đang sở hữu 19,7%, đã gần bằng với hạn mức quy định là 20%.

Bên cạnh các ông lớn, loạt ngân hàng tư nhân cũng cho biết đang tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng đang lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu (5,1% tổng số cổ phần đang lưu hành) cho cổ đông nước ngoài, đây được VDSC nhận định sẽ là chất xúc tác cho giá cổ phiếu.

Theo đó, ngân hàng đang tạm thời giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 22% nhằm chuẩn bị cho sự tham gia nhiều hơn của các cổ đông nước ngoài. Thương vụ sẽ được hoàn thành trong quý IV/2021 hoặc đầu năm 2022.

Mới đây, HĐQT ngân hàng đã thông qua việc triển khai phương án phát hành 882.341 cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác chiến lược là Ngân hàng Aozora, với giá chào bán 25.571 đồng/cp.

Số cổ phần này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Thời gian phát hành dự kiến là quý I/2022 ngay sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Phía OCB cho biết việc phát hành cổ phiếu cho Ngân hàng Aozora đảm bảo đáp ứng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại ngân hàng.

Một nhà băng khác là LienVietPostBank cũng còn kế hoạch phát hành riêng lẻ 66,7 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Hay SHB đã tạm khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 10% để tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít ngân hàng vẫn còn nguyên room ngoại như Nam A Bank.

Giới hạn room ngoại đang làm khó việc tìm cổ đông chiến lược của các ngân hàng?

Trong buổi làm việc với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng mức giới hạn về tỷ lệ sở hữu vốn nước ngoài tại các tổ chức tín dụng đang làm khó cơ hội tìm kiếm cổ đông chiến lược của các ngân hàng thương mại (NHTM).

Cùng quan điểm, nhiều NHTM cho biết việc tìm kiếm, lựa chọn các đối tác chiến lược đã khó, nhưng khi đàm phán để đi đến kết quả chung cuộc, thì vướng mắc lớn nhất tập trung vào tỷ lệ vốn chủ sở hữu.

Theo quy định hiện tại Nghị định 01 của Chính phủ đang áp dụng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư cá nhân nước ngoài không được quá 5% vốn điều lệ; tổ chức nước ngoài sở hữu không quá 15% vốn điều lệ; nhà đầu tư chiến lược sở hữu không quá 20% vốn điều lệ; nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan sở hữu không quá 20% vốn điều lệ.

Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một NHTM Việt Nam. Đồng thời, nhà đầu tư nước ngoài chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi của TCTD sang cổ phiếu phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu cổ phần như trên.

Do đó, các chuyên gia đề xuất kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước cần cân nhắc cách tiếp cận mở việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại các NHTM.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA, việc xem xét tăng tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết, song phải đảm bảo hài hòa lợi ích, nhu cầu của các nhà đầu tư với vai trò quản lý nhà nước. Chính sách rõ ràng, nhất quán ngay từ đầu sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các ngân hàng thương mại đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, hội nhập.

Phương Nga