|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng lãi lớn từ chứng khoán đầu tư nhưng không phải nhờ cổ phiếu tăng giá, đâu là lý do?

09:12 | 17/11/2021
Chia sẻ
Hoạt động mua bán đầu tư của hầu hết ngân hàng đều khởi sắc rõ rệt trong 9 tháng đầu năm, lãi từ hoạt động này tại nhiều nhà băng tăng trưởng tới 3 thậm chí 4 chữ số so với cùng kỳ năm trước nhưng không phải từ đầu tư cổ phiếu như nhiều người nghĩ.
Ngân hàng sẽ còn lãi lớn từ chứng khoán đầu tư trong thời gian tới? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Báo Sài Gòn Đầu tư).

Lãi thuần từ chứng khoán đầu tư tăng bằng lần tại nhiều nhà băng

Một trong những điểm nhấn trong báo cáo tài chính quý III vừa qua của các ngân hàng đó là thu nhập đột biến từ hoạt động mua bán chứng khoán chứng khoán đầu tư. Theo đó, nguồn thu này tại không ít ngân hàng tăng trưởng bằng lần. 

Cụ thể, theo tổng hợp của người viết, lãi thuần từ mảng chứng khoán đầu tư của 25 nhà băng trong 9 tháng đầu năm nay đạt 10.781 tỷ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước. 

Đơn cử như trường hợp của Bac A Bank, lãi thuần từ mảng chứng khoán đầu tư trong 9 tháng đầu năm đạt 124 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ. 

Hay như tại HDBank, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư đã đem về cho ngân hàng 440 tỷ đồng, cao gấp 3,8 lần cùng kỳ. Bên cạnh đó, nhiều nhà băng khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng bằng lần từ nguồn thu nhập này như VPBank, TPBank, Nam A Bank... 

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, chỉ có 4 ngân hàng có lãi thuần từ chứng khoán đầu tư tăng trưởng âm và hai ngân hàng lỗ trong hoạt động này.

Ngân hàng sẽ còn lãi lớn từ chứng khoán đầu tư trong thời gian tới? - Ảnh 1.

(Nguồn: Lê Huy tổng hợp).

Nếu tách riêng quý III ra, sự đột biến còn được nhìn thấy rõ hơn khi có tới 4 ngân hàng tăng trưởng 4 con số so với cùng kỳ gồm MSB (tăng 3.722%), Bac A Bank (tăng 1.089%), Sacombank (tăng 1.046%) và TPBank (tăng 1.011%). Ngoài ra, còn có tới 10 ngân hàng khác ghi nhận tăng trưởng trên 3 con số, áp đảo so với số nhà băng lỗ trong kỳ.

Không phải nhờ cổ phiếu tăng giá

Mặc dù tăng mạnh lãi thuần từ chứng khoán đầu tư nhưng một điểm đáng lưu ý là đây không phải là khoản lãi từ việc đầu tư cổ phiếu trên các sàn giao dịch như nhiều người nghĩ.

Trong cơ cấu chứng khoán đầu tư của các ngân hàng gồm rất nhiều các sản phẩm như trái phiếu, tín phiếu, giấy tờ có giá, cổ phiếu,... Nhưng trái phiếu thường là loại hình đầu tư phổ biến nhất và chiếm tỷ trọng cao nhất cụ thể ở đây là trái phiếu chính phủ.

Tại VPBank, ngân hàng ghi nhận lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư cao nhất trong số 28 ngân hàng khảo sát trong 9 tháng đầu năm nhưng mảng mua bán chứng khoán kinh doanh lại lỗ hơn 4,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 230 tỷ đồng.

Ngân hàng lãi lớn từ chứng khoán đầu tư nhưng không phải nhờ cổ phiếu tăng giá, đâu là lý do? - Ảnh 3.

Chi tiết lãi thuần từ mua bán chứng khoán của VPBank. (Nguồn: BCTC HN quý III VPBank).

Và trong danh mục chứng khoán đầu tư của VPBank, trái phiếu cũng là thành phần chiếm tỷ trọng lớn nhất gần 100% danh mục.

Ngân hàng lãi lớn từ chứng khoán đầu tư nhưng không phải nhờ cổ phiếu tăng giá, đâu là lý do? - Ảnh 4.

Ngân hàng lãi lớn từ chứng khoán đầu tư nhưng không phải nhờ cổ phiếu tăng giá, đâu là lý do? - Ảnh 5.

Chi tiết khoản mục chứng khoán đầu tư của VPBank. (Nguồn: BCTC HN quý III VPBank).

Phải làm rõ rằng, khoản lãi định kỳ của trái phiếu (lãi suất coupon) không được hạch toán vào thu nhập chứng khoán đầu tư mà được hạch toán vào thu nhập lãi. Còn khoản lời lãi từ chứng khoán đầu tư của các ngân hàng lại đến từ chênh lệch giá mua bán của loại giấy tờ có giá này.

Theo lý thuyết tài chính, giá trái phiếu diễn biến ngược chiều với lãi suất thị trường, khi lãi suất tăng lên, giá trái phiếu giảm và ngược lại.

Cụ thể, khi lãi suất giảm, các nhà đầu tư cố gắng chốt lợi suất cao nhất trong thời gian lâu nhất có thể. Họ sẽ thu lãi từ trái phiếu trả lãi suất cao hơn so với giá thị trường bấy giờ. Sự gia tăng nhu cầu dẫn đến việc tăng giá trái phiếu.

Ngược lại, khi mức lãi suất hiện hành tăng lên, các nhà đầu tư sẽ từ bỏ những trái phiếu trả lãi suất thấp, điều này sẽ làm cho giá trái phiếu giảm xuống.

Nhìn vào biểu đồ, có thể thấy kể từ tháng 3 năm ngoái, trước tác động của dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước đã ba lần giảm lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất tại các ngân hàng thương mại đã giảm đi đáng kể. Điều này cũng được phản ảnh tương tự trên diễn biến lợi suất trái phiếu; đồng thời cho thấy giá trái phiếu đã tăng lên kể từ đó tới nay.

Tuy nhiên, trước những quan ngại về áp lực lạm phát, giới phân tích đều cho rằng mặt bằng lãi suất hiện đã ở mức thấp và gần như không có dư địa để giảm thêm nữa.

Điều này cũng đồng nghĩa là giá trái phiếu đang ở vùng đỉnh, các nhà đầu tư sẽ có xu hướng chốt lời. Trong khi đó, với bối cảnh hoạt động tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cũng là điều dễ hiểu nếu các ngân hàng bán các khoản đầu tư này để củng cố "sức khỏe" và phần nào giải thích cho các khoản lãi đột biến.

Số liệu trong báo cáo tài chính cũng cho thấy hầu hết ngân hàng lãi lớn từ chứng khoán đầu tư đều bán ròng trái phiếu chính phủ trong 9 tháng đầu năm và cụ thể là ở quý III.

Các ngân hàng có tiếp tục thu lãi lớn từ chứng khoán đầu tư trong thời gian tới?

Với bối cảnh nền kinh tế như hiện tại, nhiều yếu tố đang cho thấy rằng giá trái phiếu chính phủ, loại chứng khoán đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất của các ngân hàng, sẽ mất đi ưu thế trong thời gian tới.

Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang đứng trước áp lực tăng lãi suất do lạm phát tăng cao trong thời gian vừa qua. Chỉ số CPI tháng 10 của Mỹ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với dự báo của giới chuyên môn. Đây cũng là tỷ lệ lạm phát theo năm cao nhất kể từ 1990. 

Để kiềm chế lạm phát Fed đã bắt đầu cắt giảm các gói kích thích liên quan đến đại dịch và có thể sẽ nâng lãi suất vào cuối năm 2022.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng: "Fed dường như không muốn tăng lãi suất sớm hơn, điều này kết hợp với lạm phát tăng cao đang tạo ra môi trường thuận lợi cho vàng, vì lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ sẽ giảm sâu hơn".

Trong khi đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới đang dần thắt chặt lại chính sách tiền tệ. Đến nay, đã có 65 lượt tăng lãi suất trên thế giới.

Tại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhận định áp lực lạm phát trong năm 2022 của Việt Nam là khá lớn.

Theo nhận định của giới phân tích, áp lực lạm phát dần hiện hữu trong năm 2022 trước các nguyên nhân như xu hướng tăng của giá nhiên liệu thế giới, chuỗi cung ứng trong nước và thế giới bị đứt gẫy, khả năng phục hồi chậm trong khi tổng cầu tăng mạnh... Trong đó, giá xăng trong nước vừa điều chỉnh tăng đột biến ngay sau khi tạm kiểm soát đại dịch ở Việt Nam là yếu tố đáng lưu ý.

"Với nền kinh tế có độ mở cửa lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP trên 200%, Việt Nam có thể đối mặt với rủi ro lạm phát nhập khẩu", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Những yếu tố này có thể khiến NHNN cân nhắc về việc nâng lãi suất điều hành, tác động bất lợi tới giá trái phiếu chính phủ.

Dù vậy, giới phân tích vẫn kỳ vọng chính sách tiền tệ sẽ được tiếp tục nới lỏng để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch và mặt bằng lãi suất vẫn sẽ ở mức thấp cho tới hết năm nay.

Lê Huy