|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng gỡ khó cho doanh nghiệp nông nghiệp bí đầu ra và thiếu vốn

07:00 | 21/11/2018
Chia sẻ
Doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ quan tâm nhất hai vấn đề hiện nay là thị trường đầu ra và vốn. Bằng chính sách phi tài chính và tài chính, VPBank đang xây dựng giải pháp để giúp doanh nghiệp kết nối, tìm đầu ra cho sản phẩm và hỗ trợ nguồn vốn.
 

Làm ra sản phẩm chất lượng nhưng DN thiếu bộ phận kinh doanh, nghiên cứu thị trường

Thông tin trên được ông Trương Thái Dương, Giám đốc khối Miền Nam SME của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank – Mã: VPB), cho hay tại Hội nghị quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam (Vietnam Food Forum 2018) với chủ đề “Ứng dụng công nghệ trong thương mại nông sản, thực phẩm” diễn ra tại TP HCM mới đây.

Ông Dương chia sẻ, ngân hàng VPBank nghiên cứu về doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), và nhận thấy hai điều mà các doanh nghiệp nông nghiệp, DNVVN quan tâm là thị trường đầu ra và vốn.

ngan hang go kho cho doanh nghiep nong nghiep bi dau ra va thieu von
Hội nghị quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam (Vietnam Food Forum 2018) với chủ đề “Ứng dụng công nghệ trong thương mại nông sản, thực phẩm". (Ảnh: Ánh Dương).

Doanh nghiệp nông nghiệp làm ra các sản phẩm chất lượng, nhưng cái thiếu, đặc biệt là khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là bộ phận kinh doanh và nghiên cứu thị trường.

Nhận thấy điều này, phía VPBank đã tiến hành xây dựng chính sách phi tài chính và tài chính để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp, DNVVN (SMEConnect) thời gian qua.

Trong đó, chính sách phi tài chính nhằm kết nối hộ kinh doanh, công ty nông nghiệp với nhau, tìm đầu ra cho sản phẩm.

“Ban đầu, Ngân hàng tổ chức các hội thảo chuyên đề về nông nghiệp, cá, điều, cao su… Sau đó, chúng tôi nhận thấy một hội thảo tổ chức rất tốn kém và mất thời gian, trong khi số lượng doanh nghiệp tham gia rất ít, với khoảng gàn 700 doanh nghiệp đã kết nối.

Vấn đề đặt ra là nếu theo tiến độ này trong 10 năm nữa, VPBank sẽ không thể giải quyết được bài toán của 75 nghìn doanh nghiệp ở nội tại Ngân hàng và thậm chí là 750 nghìn doanh nghiệp ở Việt Nam”, ông Dương chia sẻ.

Ông cho biết, hiện VPBank đang áp dụng công nghệ, xây dựng công cụ và mạng lưới truy cập cho 75 nghìn doanh nghiệp của VPBank và sẽ mở rộng cho 750 nghìn doanh nghiệp ở việt Nam.

Thông qua chương trình này, người tham gia chỉ cần chọn ngành nghề, yêu cầu thì hệ thống sẽ tự lọc ra 5 – 10 doanh nghiệp để các bên kết nối đầu ra. “Đây là chính sách phi tài chính rất cần cho công ty nông nghiệp, đại diện ngân hàng nhấn mạnh.

Ba sản phẩm tài chính cho DNVVN

Đối với chính sách tài chính, VPBank đang làm các khoản vay đặc thù hỗ trợ cho các công ty nông nghiệp. Trong đó gồm ba nhóm, thứ nhất là doanh nghiệp vừa mới ra đời (hay nghiệp siêu nhỏ), đặt nền móng cho sự phát triển thành những tập đoàn lớn mạnh sau này.

Đặc thù những doanh nghiệp này, ông Dương cho hay, là cần vốn nhưng không có tài sản đảm bảo. Theo đó VPBank xây dựng sản phẩm cho vay tín chấp với hạn mức từ 500 triệu đến 3 tỷ đồng. Năm qua ở khu vực ĐBSCL, VPBank đã cho vay khoản 500 tỷ đồng và không hề có tài sản đảm bảo mà chỉ dựa trên đánh giá và số liệu ngành nghề.

Thứ hai, cho vay đối với các công ty lớn hơn, đã có chuỗi cung ứng nội địa nhưng tồn động khoản phải thu lớn (từ 3 đến 6 tháng). VPBank cho vay dựa theo hóa đơn, trong khoảng vài tiếng có thể cho vay với điều kiện hóa đơn còn trong thời hạn, có đầy đủ điều kiện giao hàng và xác nhận của công ty mua. Nhờ đó, người mua có thể mạnh dạn mua thêm hàng và người bán được hưởng chiết khấu hóa đơn, ông Dương cho hay.

Thứ ba là sản phẩm L/C UPAS (L/C trả chậm được phép thanh toán ngay) dành cho doanh nghiệp nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu máy móc, trang thiết bị, vật dụng công nghệ.

“Đặc thù là L/C trả chậm được thanh toán ngay, người bán ở nước ngoài rất thích, người trong nội địa lại được trả chậm, chỉ tốn phí để duy trì cho đến khi hết thời gian L/c upass thì mới phải vay để thanh toán”, đại diện ngân hàng chia sẻ.

Xem thêm

Ánh Dương