|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

'Ngân hàng đang thừa vốn, chúng tôi tìm mọi cách đẩy vốn ra nhưng nền kinh tế không hấp thụ được'

17:23 | 28/09/2023
Chia sẻ
Chia sẻ từ đại diện LPBank Bắc Ninh cho biết ngân hàng đang dư thừa vốn nhiều và rất muốn cho vay ra nhưng khả năng hấp thụ của nền kinh tế còn thấp, trong khi đó lãi suất đã giảm đến mức không thể giảm được nữa.

Chiều 28/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp cùng tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là hội nghị nằm trong chuỗi sự kiện kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh thành kể từ đầu năm để giải quyết vấn đề chính là tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp.

 Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: SBV).

Theo ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, từ đầu năm NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, tính đến cuối tháng 31/8/2023, dư nợ tín dụng đạt trên 154.000 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cuối 2022 (cao hơn mức tăng toàn quốc: 5,56%). Cơ cấu tín dụng chuyển dịch hỗ trợ đắc lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các động lực tăng trưởng của tỉnh (như tín dụng một số ngành công nghiệp, dịch vụ tăng cao, chiếm tỷ trọng lớn.

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp và Hiệp hội, ngân hàng đều thống nhất là hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay vẫn đang trong giai đoạn khó khăn do chịu tác động tiêu cực từ các yếu tố đa chiều từ quốc tế tới trong nước.

Cụ thể, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp suy giảm do thiếu đơn hàng, thị trường đầu ra, phải cắt giảm lao động, chi phí sản xuất gia tăng khiến lợi nhuận giảm sút, thậm chí thua lỗ, phải thu hẹp lại sản xuất hoặc phải rút lui khỏi thị trường, dẫn tới nhu cầu vốn vay giảm...  

Về vấn đề tiếp cận vốn, khó khăn được xác định đến từ cả hai phía ngân hàng và doanh nghiệp. Ông Nguyễn Nhân Phượng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) tỉnh Bắc Ninh, kết quả khảo sát thực trạng và nhu cầu hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh của Hiệp hội cho thấy tài sản thế chấp, lãi suất vốn và thủ tục vay vốn vẫn là rào cản lớn trong quá trình tiếp cận tín dụng. 

"Tại thời điểm hiện nay lãi suất vay của các ngân hàng còn cao khiến doanh nghiệp không tối ưu được chi phí trong bối cảnh thị trường đầu ra khó khăn", ông Phượng nói.

Bên cạnh đó, ông cho rằng việc ngân hàng tiếp tục duy trì việc đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp theo cách đánh giá trong điều kiện bình thường không phù hợp trong bối cảnh khó khăn hiện nay của nền kinh tế, làm doanh nghiệp giảm cơ hội tiếp cận nguồn vốn giá rẻ. Đồng thời, các ngân hàng duy trì tỷ lệ tài sản bảo đảm trên vốn vay còn cao, vô hình giảm hạn mức của các doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Bích Hồng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH đầu tư xây dựng và thương mại Phương Thảo Phát (đại lý Hyundai Bắc Ninh) cho rằng, các doanh nghiệp đang rất cần thêm các chính sách chuyên biệt về cơ chế mang tính đặc thù. Không chỉ là vốn, lãi suất, mà các chính sách vĩ mô khác, trong đó có thu hút đầu tư, phát triển thị trường vốn, chính sách về thuế, phí… sẽ hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn sau hậu COVID-19.

Về phía các ngân hàng, để nâng cao tăng trưởng tín dụng đồng thời tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, ngân hàng đã liên tiếp tung ra các chương trình ưu đãi lãi suất, giảm lãi suất cho khách hàng hiện hữu nhưng kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao - Phó Tổng Giám đốc BIDV, chia sẻ Bắc Ninh là địa bàn tăng trưởng tín dụng cao của BIDV trong 5 năm qua, tổng dư nợ đến 26/9/2023 gấp 1,6 lần so với năm 2019, tăng trưởng trung bình là 16%/năm.

Tuy nhiên do tình hình kinh tế chung gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn bị chậm lại, trong 9 tháng đầu năm 2023 dư nợ của BIDV trên địa bàn tỉnh chỉ tăng 1,7%, tập trung vào lĩnh vực đầu tư khu công nghiệp và ngành thương mại. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Viết Sáng - Giám đốc Chi nhánh LPBank Bắc Ninh, cho hay tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đang bị âm. "Từ đầu năm đến nay chúng tôi đã tăng trưởng mới được 450 tỷ dư nợ nhưng tăng mới không đủ đắp được các khoản trả nợ của khách hàng....Các chi nhánh họp giao ban hàng tuần, lên kế hoạch kinh doanh từng ngày nhưng vẫn không có tăng trưởng nhiều", ông nói.

Lãnh đạo của LPBank cho rằng nguyên nhân chính là khả năng hấp thụ của nền kinh tế và từ phía khách hàng,  một phần là do ngân hàng còn thận trọng trong quá trình cho vay.

"Ngân hàng đang thừa vốn, chúng tôi tìm mọi cách đẩy vốn ra nhưng nền kinh tế không hấp thụ được. Trong khi đó lãi suất đã giảm đến mức không thể giảm được nữa, giảm nữa thì ngân hàng sẽ lỗ", ông Sáng chia sẻ.

Ông cho biết hiện biên lợi nhuận của ngân hàng hiện chỉ khoảng 3,7% trong khi bao nhiêu chi phí đi kèm như trích lập dự phòng, bảo hiểm tiền gửi, chi phí hoạt động,.. Tính ra ngân hàng chỉ lãi khoảng 0,2 - 0,3%. Ngân hàng đang là tổ chức có hiệu quả kinh doanh thấp nhất nền kinh tế.

Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn Bắc Ninh. (Ảnh: H.T).

Kết luận tại hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà ghi nhận phản ánh về các vấn đề tiếp cận tín dụng như lãi suất, điều kiện tín dụng, trình tự vay vốn, tài sản bảo đảm,... của doanh nghiệp. Các TCTD, các đơn vị chức năng NHNN cũng đã làm rõ thêm thông tin về các cơ chế, chính sách, các chương trình, sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng, các vấn đề còn vướng mắc trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và các doanh nghiệp.

Ông cho hay NHNN sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng, lãi suất, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách tín dụng…, nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các TCTD cũng như của người dân, doanh nghiệp. 

Các TCTD tập trung tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm 1,5-2%) đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. 

Bắc Ninh mang lợi thế là đô thị vệ tinh gần Thủ đô Hà Nội nhất và nằm trong tam giác phát triển kinh tế trọng điểm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, là cửa ngõ phía Đông Bắc của thủ đô Hà Nội, tiếp giáp với các trung tâm kinh tế lớn của phía Bắc.

Bắc Ninh là tỉnh trong nhiều năm lọt vào tốp đầu các tỉnh về tăng trưởng kinh tế trên địa bàn, trong đó năm 2022, tăng trưởng GRDP đạt 7,39%.

Trong 8 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh có nhiều điểm sáng như: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,24% so với tháng trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 18,2%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 12,9% so với tháng trước, doanh nghiệp đăng ký mới tăng và quay trở lại hoạt động tăng 26,2%, vốn FDI đăng ký mới đạt 806,3 triệu USD (tăng 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước), tăng trưởng tín dụng đạt 5,8% (cao hơn tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành).

H.T