|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nga và Mỹ ngừng tuân thủ hiệp ước hạt nhân: Hậu quả khôn lường với an ninh toàn cầu

15:25 | 13/03/2019
Chia sẻ
Các nhà phân tích cho rằng hủy bỏ hiệp ước kiểm soát vũ khí mang lại lợi ích chiến lược cho Mỹ, đẩy thế giới đến gần hơn một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Hôm 4/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh cho phép Nga ngừng tuân thủ các điều khoản trong Hiệp ước các lực lượng vũ khí hạt nhân tầm trung (INF).

Theo sắc lệnh này, hiệp ước hạt nhân tồn tại trong hơn 3 thập kỷ qua sẽ được hồi sinh nếu Mỹ ngừng vi phạm các thỏa thuận. Trong trường hợp Mỹ kiên quyết không tuân thủ, hiệp ước INF sẽ hết hiệu lực và chấm dứt mãi mãi.

Quyết định này của Nga được đưa ra hơn 1 tháng sau khi Mỹ chính thức tuyên bố đơn phương rút khỏi INF trong 6 tháng bắt đầu từ ngày 2/2, nếu Matxcơva "không chấm dứt hành vi vi phạm hiệp ước".

Nga và Mỹ ngừng tuân thủ hiệp ước hạt nhân: Hậu quả khôn lường với an ninh toàn cầu - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký Hiệp ước INF vào ngày 8 tháng 12 năm 1987. (Ảnh: Bảo tàng Thư viện Tổng thống/AAP)

Hiệp ước lịch sử

Hiệp ước vũ khí hạt nhân tầm trung (INF) mất 7 năm để đàm phán, góp phần chấm dứt Chiến tranh Lạnh và mở ra ba thập kỷ ổn định chiến lược giữa Liên bang Xô viết và Liên bang Nga sau này với Mỹ.


Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng Bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev ký hiệp ước ngày 8/12/1987, đưa ra tuyên bố của họ rằng một cuộc chiến hạt nhân không bao giờ được phép xảy ra vì sẽ không có bên chiến thắng và mang lại hậu quả tàn khốc với nhân loại. Cụ thể, hiệp ước đã cấm phát triển, thử nghiệm và sở hữu các tên lửa hành trình và đạn đạo phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km, dù được trang bị đầu đạn hạt nhân hay đầu đạn thông thường.


Một tuyên bố chung từ hai nhà lãnh đạo Mỹ và Liên Xô chỉ ra: Hiệp ước này mang tính lịch sử cả về mục tiêu của nó - loại bỏ hoàn toàn một nhóm vũ khí hạt nhân của Liên Xô và Mỹ - cùng với sự đổi mới và phạm vi của các điều khoản xác minh.

Hiệp ước INF chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Đến hạn chót thực hiện vào ngày 1/6/1991, 859 tên lửa của Mỹ và 1.752 tên lửa của Liên Xô đã bị phá hủy.

Hiệp ước song phương INF phản ánh cấu trúc kiểm soát vũ khí hạt nhân chủ chốt thời Chiến tranh Lạnh. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, viết vào năm 2011 với tư cách là một công dân Mỹ, thừa nhận hiệp ước thành công trong việc "giải quyết một mối đe dọa đáng kể đối với lợi ích của Mỹ". Mối đe dọa ở đây là một cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ của Liên Xô / Nga từ châu Âu bằng cách sử dụng tên lửa trong phạm vi 500-5.500 km.


Nhưng cấu trúc kiểm soát vũ khí này bắt đầu lung lay khi Tổng thống Mỹ George W. Bush rút khỏi Hiệp ước chống Tên lửa đạn đạo (ABM) năm 2001. Được ký vào năm 1972, các hệ thống điều khiển của ABM được thiết lập để chống lại tên lửa đạn đạo chiến lược, như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).


Hiện tại, với việc cả hai nước tuyên bố ngừng tuân thủ hiệp ước INF và một hiệp ước kiểm soát vũ khí khác, New Start, sắp hết hạn vào năm 2021, thế giới sẽ đứng trước nguy cơ không có bất kỳ giới hạn nào để kiềm tỏa đối với hai cường quốc về vũ khí hạt nhân kể từ năm 1972.


Đe dọa an ninh của châu Âu

Nga và Mỹ ngừng tuân thủ hiệp ước hạt nhân: Hậu quả khôn lường với an ninh toàn cầu - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Daily Express)


Kể từ năm 2014, dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, Washington từng cáo buộc Nga triển khai các tên lửa phóng từ mặt đất có khả năng hạt nhân với tầm bắn 2.000 km (SSC-8) ở châu Âu, không tuân thủ các nghĩa vụ của hiệp ước INF.

Theo Ramesh Thakur, Giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc gia Australia, quyết định của Mỹ khi rút khỏi hiệp ước sẽ làm sâu sắc thêm các căng thẳng trong nội bộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).


Các nước vùng Baltic khẳng định việc Nga vi phạm hiệp ước INF cần các biện pháp đối phó ngoại giao và quân sự mạnh mẽ. Vương quốc Anh cũng đứng lên mạnh mẽ sau Washington, đổ lỗi cho Nga về sự đổ bể.


Tuy nhiên ông Heiko Maas, Bộ trưởng Ngoại giao Đức, kêu gọi Washington xem xét hậu quả của việc rút khỏi hiệp ước đối với châu Âu và tương lai của giải trừ hạt nhân. Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, Federica Mogherini, nói: "INF đã góp phần chấm dứt Chiến tranh Lạnh và tạo thành trụ cột của kiến trúc an ninh châu Âu."


Giáo sư Australia nhận định NATO sẽ mất nhiều hơn từ sự sụp đổ của hiệp ước INF so với Nga. Nga sẽ có thể tiến lên nhanh chóng với việc phát triển và triển khai các tên lửa có khả năng hạt nhân phóng từ mặt đất tầm ngắn và tầm trung. Nhưng, không giống như trong những năm 1980, Mỹ sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các đồng minh châu Âu để chuẩn bị đặt các tên lửa như vậy trên lãnh thổ của họ. Ngoài ra, tiếng nói và quyền phủ quyết của các nước chủ nhà trong các hoạt động phóng và chọn mục tiêu cũng là một vấn đề cần cân nhắc.


Ông Tom Nichol, nhà phân tích quốc phòng tại Mỹ cho rằng quyết định rút khỏi hiệp ước của Mỹ giống như "liều mạng" với an ninh của châu Âu. Các nước châu Âu và NATO dù có đồng ý trở thành nơi đặt tên lửa hay không cũng có vấn đề, vì "với việc vũ trang đến tận răng thì bạn cũng biến chính mình thành mục tiêu của Nga".


Ông Carl Bildt, đồng chủ tịch Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại cũng đồng ý với ý kiến này. Hiệp ước INF dừng lại sẽ cho phép Nga triển khai tên lửa hành trình Kalibr với tầm bắn 1.500 km từ mặt đất. "Điều này sẽ nhanh chóng khiến cả châu Âu bị bao trùm bởi một mối đe dọa mới" – ông nói.


Nguy cơ chạy đua vũ trang


Ngoài các cáo buộc Nga vi phạm, chuyên gia Đại học Australia cho rằng, động thái của Mỹ với thỏa thuận hạt nhân còn được thúc đẩy bởi thách thức ngày càng gia tăng của Trung Quốc, đối với vị thế của Mỹ ở Thái Bình Dương. Trung Quốc và Triều Tiên đã và đang phát triển khả năng cung cấp tên lửa.


Để giảm bớt mối đe dọa từ các tên lửa tầm xa INF, ông John Bolton Cố vấn an ninh Nhà Trắng nói: "Chúng ta phải mở rộng phạm vi thành viên của hiệp ước INF hoặc bãi bỏ nó hoàn toàn để xây dựng lại khả năng răn đe của chính mình." Trong trường hợp này, Tổng thống Donald Trump đã chọn cách thứ hai.

Nga và Mỹ ngừng tuân thủ hiệp ước hạt nhân: Hậu quả khôn lường với an ninh toàn cầu - Ảnh 3.

Cả Pakistan và Ấn Độ đều có dưới 150 vũ khí hạt nhân (quân đội Pakistan đã công bố hình ảnh này vào tháng 2 năm 2013, cho thấy một tên lửa có khả năng mang vũ khí chiến lược và thông thường). (Ảnh: AAP)

Là một bên không ký kết, Trung Quốc không bị ràng buộc bởi các giới hạn của hiệp ước INF. Theo Ramesh Thakur, khoảng 95% tên lửa nước này nằm trong phạm vi bị cấm chiếu theo điều khoản của INF. Điều đó cho phép họ nhắm mục tiêu vào các tàu và căn cứ của Mỹ từ đất liền, bằng các phương tiện thông thường tương đối rẻ tiền. "Nếu không bị hạn chế bởi hiệp ước INF, Mỹ có thể phát triển và phóng tên lửa hành trình tầm trung từ mặt đất qua châu Á - Thái Bình Dương, buộc Bắc Kinh phải chuyển hướng các nguồn lực quân sự quan trọng để bảo vệ đất nước" - chuyên gia cho biết.


Bên cạnh đó, kho dự trữ hạt nhân của Trung Quốc vẫn duy trì tương đối ổn định trong nhiều năm qua, bất chấp sự biến động về số lượng của Nga và Mỹ. Con số này là thấp hơn 300, so với gần 7.000 và 6.500 đầu đạn, lần lượt của Nga và Mỹ.


"Điều này biểu thị một chính sách kiềm chế có chủ ý ở Trung Quốc, mặc dù họ có sự tăng trưởng đáng kể về năng lực kinh tế và công nghệ, kể từ lần thử hạt nhân đầu tiên cách đây 55 năm" - ông Ramesh Thakur viết.


Sự sụp đổ của hiệp ước INF và triển khai các tên lửa đặc thù của Mỹ có thể buộc Trung Quốc đưa ra các biện pháp đối phó - như nhanh chóng tăng số lượng đầu đạn và hệ thống cung cấp tên lửa - để bảo vệ lợi ích an ninh quan trọng, bao gồm cả tài sản hạt nhân ở sâu bên trong.


Sự sụp đổ của hiệp ước INF và triển khai các tên lửa đặc thù của Mỹ có thể buộc Trung Quốc đưa ra các biện pháp đối phó - như nhanh chóng tăng số lượng đầu đạn và hệ thống cung cấp tên lửa - để bảo vệ lợi ích an ninh quan trọng, bao gồm cả tài sản hạt nhân ở sâu bên trong.


Tiếp đến, phản ứng của Trung Quốc có thể kích động những thay đổi đối với học thuyết "sự răn đe tối thiểu đáng tin cậy", kích động củng cố quân sự ở Ấn Độ và Pakistan. Số vũ khí hạt nhân của cả hai quốc gia này hiện bị giới hạn dưới 150 mỗi nước. Trong trường hợp xấu nhất, Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan có thể tham gia vào cuộc đua nước rút để bắt kịp Mỹ, với việc mở rộng nhanh chóng số lượng đầu đạn và khả năng cung cấp tên lửa, thậm chí có thể chuyển sang giữ một kho vũ khí hạt nhân ở mức cảnh báo cao như Nga và Mỹ.


Tuy nhiên, những hạn chế về kinh tế và công nghệ sẽ giới hạn khả năng tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân của Ấn Độ và Pakistan.


Ngoài ra, không rõ các đồng minh của Mỹ ở châu Á như Nhật Bản hay Hàn Quốc có sẵn sàng lưu trữ vũ khí hay không. Vì vậy, trong khi động thái của Mỹ "gửi tín hiệu quan ngại về Trung Quốc, thì họ lại không có kế hoạch hay phản ứng cụ thể," Fitzpatrick - chuyên gia không bổ biến vũ khí hạt nhân nói. "Và tôi nghĩ đó là một mối nguy hiểm lớn."

Về phần mình, Trung Quốc đã kêu gọi Mỹ và Nga bảo vệ hiệp ước, nói rằng động thái của Mỹ "có thể gây ra một loạt hậu quả bất lợi".


Tại Matxcơva, Pavel Felgenhauer, một nhà phân tích quân sự, cho biết ông lo ngại về lệnh phát triển tên lửa đạn đạo siêu thanh của ông Putin. "Một vũ khí như vậy sẽ tránh được các hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu và Trung Đông. Điều đó đưa tình hình lên một tầm cao hơn, nguy hiểm hơn... và điều đó sẽ đưa chiến tranh hạt nhân đến gần hơn rất nhiều", ông nói.


Mở rộng kiểm soát vũ khí


Theo chuyên gia Ramesh Thakur, sự thay thế hợp lý cho kịch bản trên sẽ là bắt đầu khẩn cấp đa phương hóa cấu trúc song phương của Chiến tranh Lạnh, trong các chế độ kiểm soát vũ khí hạt nhân. Điều này có nghĩa là sẽ có nhiều quốc gia tham gia hơn là chỉ có Nga và Mỹ trong các hiệp ước kiểm soát vũ khí, đặc biệt cần bao gồm Trung Quốc.


Kết luận của chuyên gia hạt nhân Trung Quốc, Tong Zhao, có thể áp dụng cho cả thế giới chứ không riêng nước này: Thời đại của việc dựa vào cấu trúc kiểm soát vũ khí song phương Mỹ-Nga đã chấm dứt.


Theo chuyên gia, đa phương hóa quá trình đàm phán kiểm soát vũ khí và kết quả sẽ tránh được một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân tự do, đạt được sự ổn định chiến lược trong các thỏa thuận kiểm soát vũ khí.


Tuy nhiên hiện tại, nếu hiệp ước INF "không còn lại gì", mọi con mắt sẽ đều đổ dồn vào hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New Strategic Arms Reduction Treaty - START), một hiệp ước năm 2010 giới hạn Mỹ và Nga ở con số không quá 700 tên lửa và máy bay ném bom chiến lược đã triển khai, không quá 1.550 đầu đạn chiến lược đã triển khai.


Hiệp ước hết hạn sau hai năm tới, nhưng có thể được gia hạn tới 5 năm.


"Nếu New START mất hiệu lực vào năm 2021, sẽ không có hiệp ước nào ràng buộc các lực lượng hạt nhân của Mỹ và Nga, phá vỡ 50 năm kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Washington và Matxcơva", Steven Pifer, nghiên cứu sinh tại Viện Brookings, cho biết.

Phương Anh